Kỳ vọng vào những giải pháp đồng bộ

Để làm 'sống dậy' những dòng 'sông chết', TP Hà Nội đã, đang và sẽ triển khai nhiều biện pháp khắc phục. Hy vọng, trong thời gian không xa, du khách và người dân lại được nhìn thấy một Thủ đô với cảnh 'trên bến, dưới thuyền' tấp nập…

Hồi sinh những dòng sông nước đen tại Hà Nội

Nhóm các bạn trẻ Hà Nội Xanh không ngại khó khăn, quyết tâm dọn sạch rác ở sông Nhuệ. Ảnh: Nam Nguyễn

Nhóm các bạn trẻ Hà Nội Xanh không ngại khó khăn, quyết tâm dọn sạch rác ở sông Nhuệ. Ảnh: Nam Nguyễn

Ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị

Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất chậm được khắc phục. Đặc biệt, do tốc độ xây dựng nhanh, dân số tăng nhanh cũng như vấn đề xả thải vào dòng sông không được kiểm soát nên các dòng sông với chức năng chính tiêu thoát nước giờ đây đã dần trở thành những dòng sông “đen”, thiếu vắng sự sống của các sinh vật, đặc quánh vì nước thải và rác rưởi. Những giải pháp nhằm làm giảm ô nhiễm, phục hồi các con sông này vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Hương, trú tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội (nơi có khúc sông Tô Lịch chạy qua) chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng phải đi qua đây. Mùi hôi thối rất khó chịu, nhất là vào những ngày nắng nóng gặp cơn mưa rào thì mùi bốc lên nồng nặc. Nó như một cái cống khổng lồ chứ không phải dòng sông nữa”.

Theo đánh giá của TS. Lê Xuân Thái, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, các dòng sông chính của một đô thị bị ô nhiễm nặng như ở Hà Nội gây ra nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, đặc biệt là mỹ quan dọc 2 bên sông dẫn đến lưu lượng người di chuyển và sinh sống xung quanh những khu vực mà các dòng sông này chảy qua hạn chế; Màu nước đen kịt quanh năm làm chất lượng mảng xanh đô thị giảm đáng kể.

Cải tạo hệ thống thu gom nước nhằm hồi sinh dòng sông Tô Lịch.

Cải tạo hệ thống thu gom nước nhằm hồi sinh dòng sông Tô Lịch.

Quá trình bốc mùi của dòng sông “chết” làm ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến bầu không khí và sức khỏe của người dân dọc 2 bên bờ sông. Điều này có thể thấy rõ những ngày thời tiết nắng nóng hoặc có gió. “Do sông bị ô nhiễm nên nước sông thường có màu đen, BOD, COD, ... đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Hạn chế (gần như bằng 0) khả năng hòa tan oxy (DO) dẫn đến khả năng điều hòa không khí xung quanh hay hấp thụ khí CO2 là không có khả năng” - TS. Lê Xuân Thái chia sẻ.

Giải pháp để “hồi sinh” những dòng sông

Theo các chuyên gia môi trường, trong thời gian tới Hà Nội cần có các biện pháp quyết liệt, huy động mọi nguồn lực để công cuộc hồi sinh các dòng sông chết hiệu quả hơn. Theo GS, TS Trần Đức Hạ - Ủy viên Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước Việt Nam, đặc điểm thoát nước của Hà Nội là hệ thống thoát nước chung, cho nên đối tượng xả thải dọc các sông không thể thu gom vào hệ thống chung đang chiếm tới 12% tổng lưu lượng nước thải.

Do vậy cần phải tạo dòng chảy cho các dòng sông này bằng cách bổ sung nước sạch, đưa chúng về đúng chức năng thoát nước mưa. Bổ cập nguồn nước sạch từ sông Hồng để bảo đảm dòng chảy tự nhiên, làm cân bằng hệ sinh thái đồng thời cấp nước nông nghiệp vào mùa khô cho khu vực phía đông Hà Nội.

Cùng quan điểm, PGS. TS. Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu) cho rằng, để có thể “hồi sinh” các con sông nội đô Hà Nội, trước tiên cần xác định nguyên nhân gây ô nhiễm từ nguồn thải, loại và số lượng nước thải để từ đó đưa ra các giải pháp khác nhau, khả thi và phù hợp với từng giai đoạn về nguồn lực thì mới bảo đảm thành công. Bên cạnh đó, vấn đề chính sách cần được các cơ quan có trách nhiệm thực hiện đồng bộ, nghiêm túc thì mới bảo đảm hiệu quả.

Kỳ vọng vào những giải pháp đồng bộ

Kỳ vọng vào những giải pháp đồng bộ

Cụ thể, cơ quan chức năng cần kiên quyết trong xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh việc tuân thủ chấp hành Luật Bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, di dời các cơ sở gây ô nhiễm không phù hợp quy hoạch. Thắt chặt quy chuẩn nước thải nhằm quản lý và kiểm soát nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm và đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Yêu cầu các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải có hệ thống thu gom xử lý nước thải theo đúng quy định. Quy hoạch xử lý nước thải sinh hoạt và triển khai đầu tư các trạm xử lý nước thải tập trung của thành phố.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND TP Hà Nội thông qua đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Cụ thể, TP Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay. Đặc biệt, Hà Nội sẽ hạn chế hoặc tạm ngừng việc khai thác cát trên sông Hồng. Việc này nhằm góp phần nâng cao mực nước sông Hồng để tăng khả năng lấy nước vào sông Đáy - Nhuệ, Tô Lịch và hệ thống công trình thủy lợi khác.

Triệu Tâm

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ky-vong-vao-nhung-giai-phap-dong-bo-381432.html