Kỳ V: Trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối chỉ là 'khoảnh khắc lịch sử'

Sứ mệnh lịch sử của Tổng thống Woodrow Wilson đưa Mỹ tham chiến trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, sứ mệnh lịch sử của Tổng thống Franklin Roosevelt là sử dụng bộ máy quân sự của Đức Quốc xã gây ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi đó, sứ mệnh lịch sử của Tổng thống Joe Biden là chỉ đạo nước Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh thế giới phức hợp đầu tiên trong lịch sử để tiếp tục duy trì vai trò lãnh đạo của Washington trong trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh. Thế nhưng, sứ mệnh ấy đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên thệ nhậm chức, ngày 20-1-2009_Ảnh: Getty

Trong thế kỷ XX, nhân loại phải trải qua 3 cuộc chiến tranh thế giới. Trong đó có 2 cuộc đại chiến “nóng” là Chiến tranh thế giới thứ nhất và Chiến tranh thế giới thứ hai cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người, và Chiến tranh lạnh được coi là cuộc cuộc Chiến tranh thế giới thứ ba.

Ba cuộc đại chiến này đều xuất phát từ mục tiêu đầy tham vọng của các tập đoàn tài phiệt muốn đưa nước Mỹ vươn lên giành quyền bá chủ thế giới hoặc thiết lập trật tự thế giới đơn cực do Washington kiểm soát.

Sau gần 1 thế kỷ, Mỹ từ một quốc gia bị biệt lập ở Tây bán cầu đã vươn lên thành một cường quốc số 1 thế giới có lợi ích bao phủ khắp toàn cầu. Trong đó, gần như hầu hết các vấn đề nghiêm trọng hàng đầu của thế giới đều khó có thể hóa giải được nếu không có sự tham gia hoặc nhận được sự ủng hộ tích cực của Mỹ. Có thể thấy, Mỹ là siêu cường duy nhất có khả năng theo đuổi và bảo vệ các lợi ích quốc gia trên phạm vi toàn cầu.

Đáng chú ý là, trong 3 cuộc đại chiến đó, Mỹ đều nhằm mục tiêu giành kiểm soát hoàn toàn đối với nước Nga. Sau khi Liên Xô - một cực trong trật tự thế giới 2 cực - sụp đổ vào năm 1991, giới cầm quyền ở Washington hào hứng tuyên bố Mỹ là “người chiến thắng”, còn Nga là “kẻ chiến bại” trong Chiến tranh lạnh. Với vị thế là siêu cường duy nhất còn lại, Mỹ ráo riết xúc tiến chủ trương thiết lập quyền lãnh đạo trật tự thế giới đơn cực hoàn toàn do Washington chi phối.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và sụp đổ trật tự thế giới 2 cực, trên thế giới diễn ra nhiều cuộc tranh luận về trật tự thế giới xoay quanh 5 nhóm quan điểm khác nhau về trật tự thế giới mới.

Nhóm thứ nhất cho rằng Mỹ là siêu cường duy nhất có sức mạnh cần và đủ để thiết lập cái gọi là “Nền hòa bình kiểu Mỹ” (American Pax). Điển hình cho nhóm quan điểm này là giới lãnh đạo và một nhóm tinh hoa chính trị Mỹ được lãnh đạo nhiều nước phương Tây ủng hộ. Quả nhiên, từ thời cổ đại đến nay chưa có đế chế nào có sức mạnh quân sự với ưu thế vượt trội toàn diện so với phần còn lại của thế giới như đế quốc Mỹ vào thời điểm kết thúc Chiến tranh lạnh.

Mỹ có hơn 800 căn cứ quân sự với hàng trăm nghìn quân thường trú ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và châu Âu; có hạm đội hải quân thường trực ở Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải; có ưu thế về vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường vượt trội các cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc; có ngân sách quốc phòng khổng lồ gần 800 tỷ USD, chiếm trên 50% tổng chi tiêu quốc phòng toàn thế giới; có GDP chiếm hơn 25% GDP toàn cầu; nắm quyền chi phối các tổ chức có ảnh hưởng toàn cầu như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế; hầu hết các công ty xuyên quốc gia lớn và giàu nhất hành tinh; in và phát hành đồng USD được sử dụng làm nguồn dự trữ quốc gia của nhiều nước và là công cụ trao đổi, thanh toán trên toàn thế giới; có tiềm lực khoa học - công nghệ vượt trội, nắm giữ đa số các công nghệ tiên tiến nhất thế giới, sở hữu phần lớn các phát minh sáng chế khoa học, bí quyết công nghệ cao; có sức mạnh mềm vượt trội như giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, truyền thông, phim ảnh, âm nhạc...

Có thể khẳng định, Mỹ là đế chế toàn cầu đầu tiên trong toàn bộ lịch sử loài người.

Nhóm quan điểm thứ nhất còn cho rằng, sau Chiến tranh lạnh, nhân loại bước sang kỷ nguyên trật tự thế giới tự do của chủ nghĩa tư bản thế giới, hoặc “trật tự thế giới đơn cực” do Washington hoàn toàn chi phối. Những người biện hộ cho trật tự này gọi đó là “trật tự thế giới dựa trên luật lệ”, ngầm ám chỉ rằng cộng đồng các quốc gia phương Tây do Mỹ đứng đầu đóng vai trò quyết định trong việc xác định các quy tắc trong quan hệ quốc tế.

Một số người còn gọi đó là “trật tự thế giới theo sự đồng thuận Washington”. Lãnh đạo Mỹ và các nước phương Tây cho rằng, trong “trật tự thế giới dựa trên luật lệ”, các quốc gia “đều có lợi” dựa trên các luật lệ do họ đề ra. Vì thế, chuyên gia nghiên cứu chính trị Mỹ Francis Fukuyama đưa ra nhận định, Chiến tranh lạnh kết thúc là “sự cáo chung của lịch sử” với hàm ý là sau khi hệ thống chủ nghĩa xã hội tan rã, thế giới sẽ vĩnh viễn đi theo mô hình trật tự thế giới tự do do Mỹ lãnh đạo.

Việc Mỹ chủ trương xây dựng trật tự thế giới đơn cực dựa trên các luật lệ do Washington áp đặt sau Chiến tranh lạnh đồng nghĩa với việc họ xóa bỏ trật tự thế giới được thiết lập theo quyết định của Hội nghị Yalta giữa nguyên thủ các cường quốc chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ hai là Liên Xô, Mỹ và Anh.

Trật tự Yalta nhằm thiết lập nền hòa bình ổn định lâu dài sau Chiến tranh thế giới thứ hai dựa trên nguyên tắc an ninh tập thể, theo đó an ninh của các quốc gia phụ thuộc lẫn nhau. Cơ sở nền tảng của trật tự Yalta là Hiến chương Liên hợp quốc được thành lập vào tháng 4-1945, trong đó giao cho Hội đồng Bảo an là cơ quan chuyên trách giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình và trao cho các nước thành viên quyền phủ quyết khi thông qua các nghị quyết.

Nhóm quan điểm thứ hai cho rằng, trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo chỉ là “khoảnh khắc lịch sử” và sẽ kết thúc sau khoảng 2 thập niên. Tiêu biểu cho nhóm quan điểm này là Charles Krauthammer - chuyên gia phân tích chính trị có ảnh hưởng lớn hàng đầu ở Mỹ. Theo Charles Krauthammer, một trong những yếu tố có tính quyết định “khoảnh khắc lịch sử” của trật tự thế giới đơn cực là xu thế toàn cầu hóa và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đang xói mòn mọi chủ thể đơn phương, đơn tuyến và đơn thể.

Nhóm quan điểm thứ ba có nét tương đồng với nhóm quan điểm thứ hai cho rằng, xu hướng của thế giới hướng tới đa cực, đa trung tâm là tất yếu, không thể đảo ngược. Ứng cử viên của các cực và các trung tâm rất đa dạng, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc, Liên bang Nga, Ấn Độ, Brazil, Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Cộng đồng thị trường Nam Mỹ (MERCOSUR), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Nhóm quan điểm này dựa trên cơ sở khách quan là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các chủ thể quốc tế trong thế giới toàn cầu hóa để phủ nhận chủ nghĩa đơn phương bá quyền của Mỹ.

Nhóm quan điểm thứ tư, điển hình là Richard Haass - Chủ tịch Hội đồng Quan hệ quốc tế ở Mỹ - cho rằng, trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh là trật tự thế giới “vô cực” dựa trên cơ sở chủ nghĩa đa phương. Nhóm quan điểm này kỳ vọng vào vai trò của Liên hợp quốc và các thiết chế đa phương toàn cầu khác.

Nhóm quan điểm thứ năm, đại diện là Giáo sư J. Nye - một trong những học giả hàng đầu thế giới về quan hệ quốc tế - đã hình dung ra mô hình trật tự thế giới sau Chiến tranh lạnh gồm 3 tầng quân sự, kinh tế và an ninh. Ở tầng thứ nhất, trật tự thế giới là Mỹ đóng vai trò đơn cực. Ở tầng thứ hai, thế giới là đa cực không cân xứng. Ở tầng thứ ba, trật tự thế giới là hỗn cực.

Chưa đến 20 năm sau, nhóm quan điểm thứ hai và thứ ba đã dự báo đúng. Dấu hiệu đầu tiên về sự sụp đổ trật tự thế giới đơn cực là cuộc khủng hoảng hệ thống của chủ nghĩa tư bản thế giới bùng phát từ Mỹ năm 2008. Sau cuộc khủng hoảng này, nước Mỹ bầu chọn ông Barack Obama - ứng cử viên da màu đầu tiên trong lịch sử lịch sử - với hy vọng đưa nước Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng hệ thống.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đề nghị Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thành lập Nhóm G-2 gồm Mỹ và Trung Quốc để cùng quản trị thế giới, nhưng đã bị lãnh đạo Trung Quốc từ chối khéo với lý do Trung Quốc vẫn đang là quốc gia đang phát triển, chưa thể “ngồi cùng mâm trên” với Mỹ. Toan tính của Trung Quốc là xây dựng trật tự thế giới đa cực. Trên thực tế, Tuyên bố chung Nga - Trung Quốc năm 1997 và năm 2005 ghi rõ Trung Quốc và Nga sẽ cùng phối hợp nỗ lực để xây dựng trật tự thế giới đa cực trong thế kỷ XXI.

Tự cho mình là siêu cường duy nhất chi phối trật tự thế giới đơn cực sau Chiến tranh lạnh, Mỹ tiến hành hàng loạt cuộc chiến tranh xâm lược và can thiệp chính trị vào nhiều quốc gia mà không cần được phép Liên hợp quốc.

Hành động phiêu lưu quân sự và chính trị của Mỹ không chỉ làm tiêu hao nguồn lực khổng lồ mà còn gây ra sự tàn phá, chết chóc và bất ổn ở nhiều khu vực mà không hề bị trừng phạt, không mang lại “nhân quyền”, “tự do”, “dân chủ” hay “cải cách” cho thế giới như Washington tuyên bố.

Trong đó, Liên bang Nam Tư đã bị xóa sổ vĩnh viễn trên bản đồ thế giới; Afghanistan sau 20 năm Mỹ hiện diện quân sự để chống khủng bố vẫn lâm vào khủng hoảng; đất nước Iraq và Libya bị tàn phá, đổ nát; “Mùa xuân Arab” không mang lại hoa thơm trái ngọt mà chỉ là quả đắng.

Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ áp đặt cho nhiều nước như Nga, Cuba, Iran, Triều Tiên và Venezuela đã làm xói mòn nền tảng của thương mại thế giới dựa trên các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới, phá hoại mô hình toàn cầu hóa thị trường tự do cạnh tranh.

Hành động phiêu lưu, bất chấp luật pháp quốc tế của Mỹ khiến nhiều nước không còn tin vào “Nền hòa bình kiểu Mỹ” trong trật tự thế giới đơn cực do Washington chi phối. Trật tự thế giới đơn cực đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Sứ mệnh lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden là không để trật tự thế giới đơn cực sụp đổ.

(Còn tiếp)

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng Sản

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ky-v-trat-tu-the-gioi-don-cuc-do-my-chi-phoi-chi-la-khoanh-khac-lich-su-709147.html