Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi thời đại Hồ Chí Minh

Lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam trong hàng ngàn năm qua vốn đã đầy ắp những sự kiện, nhưng nó càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi trong đó chứa đựng một chiến công chói lọi - Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Tròn bảy thập kỷ trôi qua, đã có biết bao sự ngợi ca về Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, nhưng dù có phân tích, đánh giá dưới chiều cạnh nào thì vẫn không bao giờ đủ, bởi giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi trường tồn - bản anh hùng ca bất tử của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ được đặt trên đồi D1 là biểu tượng của chiến thắng và niềm tin bất diệt.

Bản hùng ca bất tử

Mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, lật đổ ách đô hộ của thực dân Pháp, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã tạo bước ngoặt trong lịch sử dân tộc, đưa Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Song, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp ráo riết thực hiện âm mưu quay trở lại xâm lược Việt Nam. Sớm nhận rõ mưu đồ thâm độc của kẻ thù, đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch, Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp với điều kiện đất nước vừa giành được độc lập, chính quyền cách mạng còn non trẻ; đồng thời, kiên quyết phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do trên phạm vi cả nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã vượt qua gian khổ, hy sinh, kiên trì thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc”, tiến hành kháng chiến toàn dân, toàn diện, phát triển chiến tranh du kích, từng bước đẩy mạnh vận động chiến, làm thất bại các kế hoạch chiến lược chiến tranh của địch, giành và phát huy quyền chủ động chiến lược, buộc quân viễn chinh Pháp phải đánh theo cách đánh của ta.

Sau 8 năm theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp ngày càng lún sâu vào tình thế bị động khó khăn. Để cứu vãn tình thế, đầu tháng 7-1953, Hội đồng Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp quyết định thực hiện Kế hoạch Nava, hòng nỗ lực xoay chuyển tình thế, giành thắng lợi trong vòng 18 tháng. Thực hiện kế hoạch, thực dân Pháp sử dụng một lực lượng lớn tiến hành càn quét vùng chiếm đóng, tiến công vùng tự do, hòng tìm kiếm trận đánh quyết định để rút khỏi chiến tranh trong điền kiện có lợi nhất. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh, quân và dân Việt Nam đã phát huy thế mạnh chiến tranh nhân dân, bước đầu làm thất bại Kế hoạch Nava, buộc thực dân Pháp phải bị động nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập toàn cứ điểm, thực hiện trận đánh chiến lược với Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với nhãn quan chính trị sâu sắc và tầm nhìn chiến lược, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đây là thời cơ thuận lợi, quyết tâm tập trung lực lượng, đập tan cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp. Điện Biên Phủ đã trở thành điểm hẹn lịch sử, nơi cả ta và thực dân Pháp chấp nhận một trận quyết chiến chiến lược.

Trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn…”, với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực chiến tranh cuối cùng của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, làm nên một Điện Biên lịch sử, chấn động địa cầu.

Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự nhạy bén, sáng tạo, quyết đoán trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược, chiến dịch của Bộ Thống soái tối cao, trực tiếp là Tổng Quân ủy và Tổng Tư lệnh; vai trò và những đóng góp to lớn của lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và tỉnh Điện Biên; sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược.

Thành phố Điện Biên Phủ hướng tới xây dựng đô thị năng động, hiện đại.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tiếp nối Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách như Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” 1972, Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng Tổ quốc.

Phát huy giá trị to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có tinh thần đoàn kết được thể hiện trong Chiến thắng Điện Biên Phủ để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Kết quả đó được nhấn mạnh trong bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và tăng trưởng liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 40 năm qua với mức tăng trưởng trung bình gần 7% mỗi năm. Hơn nữa, từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới. Đặc biệt, từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã mở rộng, làm sâu sắc thêm quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Việt Nam hiện đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đã và đang thể hiện tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; có nhiều sáng kiến, đề xuất và chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của ASEAN, tổ chức Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh: Công cuộc đổi mới… thực sự đem lại những thay đổi lớn lao, rất tốt đẹp cho đất nước trong gần 40 năm qua, góp phần làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Với tỉnh Điện Biên, phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chú trọng khai thác các tiềm năng, thế mạnh, nhờ đó các mặt kinh tế - xã hội được duy trì ổn định và phát triển liên tục. Các di tích của chiến trường Ðiện Biên năm xưa, như: Đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu Mường Thanh, sân bay Mường Thanh và hầm chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ… được gìn giữ, bảo tồn và phát huy, trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Đặt trong tình hình thế giới, khu vực hiện nay tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; các thế lực thù địch tăng cường hành động chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phát huy giá trị và bài học lịch sử từ Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; quán triệt, tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Trong đó, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam theo hướng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại.

Trong quan hệ đối ngoại, vận dụng, thực hiện sáng tạo, hiệu quả đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”, giữ vững nguyên tắc chiến lược, mềm dẻo, linh hoạt về sách lược; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng; triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm hợp tác quốc phòng song phương, đa phương; chủ động giải quyết tốt quan hệ hợp tác quốc phòng với các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác chiến lược để kết hợp hiệu quả sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế; chủ động đấu tranh từ sớm, từ xa nhằm làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch và các hoạt động xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

*
* *

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp chúng ta thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi sóng gió đi đến bến bờ vinh quang. Giá trị của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mãi trường tồn, là niềm tự hào và nguồn sức mạnh to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại tá Đỗ Mạnh Cường
Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ky-niem-70-nam-chien-thang-lich-su-dien-bien-phu-7-5-1954-7-5-2024-viet-tiep-ban-anh-hung-ca-choi-loi-thoi-dai-ho-chi-minh-665575.html