Kỷ luật vô nhân đạo mà Friedrich von Schiller từng chịu đựng

Cha của Friedrich von Schiller là một người rất nghiêm khắc. Ông quyết định gửi con trai của mình vào một trường quân sự. Những năm tháng học tập ở đây đúng là cơn ác mộng với cậu.

Nhà văn, nhà viết kịch Friedrich von Schiller. Ảnh: D.Z.

Friedrich von Schiller là một trong những nhà viết kịch và nhà văn lãng mạn vĩ đại nhất thế kỉ XVIII. Ba năm đầu tiên quan trọng nhất của cuộc đời, ông sống cùng một người duy nhất, chính là người mẹ yêu thương của mình. Dưới bàn tay chăm sóc của bà, Schiller đã có thể phát huy hết tính cách và tài năng to lớn của mình.

Khi lên bốn tuổi, người cha chuyên quyền của ông trở về sau cuộc chiến tranh. Nhà tiểu sử Friedrich Burschell mô tả cha của Schiller là một người nghiêm khắc, thiếu kiên nhẫn, kiệm lời “với tính cách ích kỉ và ngoan cố đến cùng cực.”

Về cơ bản, ý tưởng giáo dục của người cha ấy là ngăn chặn tất cả những biểu hiện tài năng tự nhiên và sự sáng tạo của cậu con trai hoạt bát của ông. Mặc dù vậy, Schiller vẫn là một học sinh xuất sắc ở trường, phần lớn nhờ vào trí thông minh và sự tự tin mà ông đã nuôi dưỡng trong môi trường an toàn từ tình cảm của người mẹ trong ba năm đầu đời.

Tuy nhiên, ở tuổi mười ba, cha Schiller đã gửi ông đến một học viện quân sự, chàng trai trẻ phải chịu đựng không thể nào tả xiết những phương pháp huấn luyện hà khắc ở đó. Giống như Nietzsche thời trẻ, Schiller bị tấn công bởi đủ loại bệnh tật. Ông hầu như mất đi khả năng tập trung vào một điều gì đó.

Ông trải qua nhiều tuần liền trong bệnh xá, và cuối cùng trở thành một trong những học sinh có điểm kém nhất. Sự thất bại trong học tập của ông được cho là do bệnh tật. Không ai nhận ra rằng chính kỉ luật vô nhân đạo và ngớ ngẩn áp đặt cho ông tại ngôi trường nội trú này, nơi ông trải qua 8 năm cuộc đời, đã khiến ông kiệt quệ hoàn toàn về thể chất và tinh thần.

Schiller không tìm thấy cách nào khác để thể hiện nỗi đau khổ của mình ngoài tiếng nói bệnh tật, tiếng la hét âm thầm của chính cơ thể mình, ông bị mọi người coi thường và hiểu lầm trong nhiều thế kỉ sau đó.

Đây là mô tả của Burchell về trường học:

"Tại đây, trong những năm tháng nhạy cảm nhất của mình, chàng trai trẻ, yêu tự do cảm thấy mình giống như một tù nhân, vì cánh cổng của học viện chỉ mở cho những người giám sát quân đội đi bộ tuần hành và canh gác. Trong tám năm này, Schiller hầu như không có một ngày nào cho riêng mình, chỉ thỉnh thoảng lắm mới có một hoặc hai giờ trong đó anh có thể làm theo ý mình.

Những ngày nghỉ học chưa được biết đến vào thời điểm đó, việc nghỉ học là điều chưa từng thấy. Toàn bộ khóa học trong ngày phải tuân theo quy chế quân sự. Các học sinh ngủ trong những kí túc xá lớn, thức dậy lúc năm giờ sáng vào mùa hè và sáu giờ vào mùa đông. Các sĩ quan cấp dưới giám sát việc dọn giường và vệ sinh cá nhân.

Sau đó, các học viên tiến vào phòng tập để điểm danh buổi sáng, tiếp tục từ đó đến nhà ăn để ăn sáng, bao gồm bánh mì và cháo. Mọi thứ đều được thực hiện theo lệnh,: chắp tay cầu nguyện, ngồi xuống hoặc ra khỏi hàng. Các bài học diễn ra từ bảy giờ sáng đến giữa trưa. Tiếp tục thêm nửa giờ sau đó, khiến chàng trai trẻ Schiller bị khiển trách liên tục và mang tiếng là “con lợn”: khoảng thời gian dành cho việc vệ sinh cá nhân, được gọi là propreté.

Các học viên mặc trang phục quân đội đầy đủ, áo khoác màu xanh nhạt với còng đen, áo ghi-lê và quần ống túm màu trắng, giày bốt màu nâu và cây kiếm, chiếc mũ ba góc có trang trí và giắt lông vũ. Vì Công tước (người sáng lập trường này) không thể chịu được mái tóc đỏ, Schiller đã phải nhuộm tóc.

Giống như tất cả những người khác, anh ta đội một bím tóc giả, dài và hai chiếc kẹp giấy cói ở thái dương, được dán bằng thạch cao. Sau khi mặc quần áo, các học viên hành quân đầu tiên đến điểm danh giữa trưa và đến nhà ăn. Sau bữa ăn, đầu tiên là đi bộ bắt buộc và diễn tập quân sự, tiếp theo là các bài học từ hai đến sáu, rồi quá trình lặp lại từ việc vệ sinh cá nhân. Thời gian còn lại trong ngày được dành cho việc học cá nhân theo một kế hoạch nghiêm ngặt.

Ngay sau bữa ăn tối, các học viên đã được cho đi ngủ. Schiller trẻ tuổi vẫn bị mắc kẹt trong chiếc áo bó của thói quen không thay đổi này cho đến khi anh ta 21 tuổi." [1]

Schiller liên tục bị co giật và chuột rút rất đau đớn ở nhiều bộ phận trên cơ thể. Khi đến tuổi tứ tuần, ông mắc phải những căn bệnh nghiêm trọng khiến ông liên tục phải đối mặt với nỗi sợ chết. Những cơn mê sảng đã hành hạ ông. Cuối cùng, ông ra đi ở tuổi 46.

[1] Friedrich Burschell, Friedrich Schiller in Selbstzeugnissen und Bilddokumenten,Hamburg: Rowohlt Taschenbuch, 1958, translated by Andrew Jenkins.

Alice Miller/ Bách Việt Books và NXB Phụ nữ Việt Nam

Nguồn Znews: https://znews.vn/ky-luat-vo-nhan-dao-ma-friedrich-von-schiller-tung-chiu-dung-post1475166.html