KTSG số 38-2022: Chính sách tiền tệ – những góc nhìn

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trải qua những biến động khó lường thể hiện qua lạm phát, lãi suất tăng cao, tỷ giá bất ổn, đồng tiền của nhiều nền kinh tế mất giá nhanh…, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gánh trên vai nhiều trọng trách đối với nền kinh tế nước nhà trong tâm thế chịu sức ép từ nhiều phía, và những động thái điều hành gần đây đang rất được dư luận quan tâm.

Chuyên mục “Sự kiện và vấn đề” của KTSG sáng mai (22-9) ghi nhận, phản ánh những góc nhìn đa chiều về chính sách điều hành tiền tệ.

Theo tác giả Phan Minh Ngọc trong bài viết tựa đề “Nhiễu” chính sách, tuy NHNN đã phải hành động theo các hướng thậm chí trái ngược, mâu thuẫn nhau dựa trên sự thỏa hiệp mỗi nơi, mỗi lĩnh vực một ít, nhưng cũng đã tạo được thế cân bằng vĩ mô. Nhìn chung, chính sách và phản ứng của NHNN cho đến nay là có thể chấp nhận được.

Về điều hành tỷ giá, tác giả Tuệ Nhiên (bài Dự trữ ngoại hối và một chính sách cân bằng) khẳng định việc phải đảm bảo một chính sách tỷ giá phục vụ đa mục tiêu không bao giờ là điều dễ dàng… Trước động thái chủ động tăng giá bán đô la Mỹ gần đây của NHNN, trái với quan điểm bằng mọi cách cần phải giữ giá trị tiền đồng, tác giả cho rằng trong xu thế đồng tiền của nhiều nền kinh tế đang mất giá vì đô la Mỹ mạnh lên thì việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt của Việt Nam cũng cần được nhìn nhận như một xu thế tất yếu.

Liên quan đến lãi suất, theo Phạm Long trong bài Giới hạn tăng lãi suất của Fed và áp lực lên mặt bằng lãi suất tại Việt Nam, lãi suất hiện vẫn trong xu hướng tăng. Nhưng nếu giả thiết Fed đã đi dần tới giới hạn tăng lãi suất dẫn tới áp lực tỷ giá giảm là đúng, thì NHNN có dư địa không nhỏ để ổn định mặt bằng lãi suất trong tương lai.

Về lạm phát, theo tác giả Paul Krugman nêu trên The New York Times (Ngọc Thanh dịch, bài tựa đề Có phải chịu tổn thất để giảm lạm phát – góc nhìn từ Mỹ), để giảm lạm phát, cách chính thống là gây ra giảm phát. Chưa rõ liệu sự giảm tốc có đủ nghiêm trọng để bị gán là suy thoái hay không, nhưng nó sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Các đề tài kinh tế, kinh doanh, quản trị, văn hóa – xã hội trên cùng số báo:

Tín dụng thuế – khái niệm chưa xài (mục Ý kiến): Tín dụng thuế là một khoản tiền xem như cấp cho người dân một chứng nhận đã nộp một khoản thuế nhất định để sau này khấu trừ vào nghĩa vụ thuế.

Nhìn lại Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (Phạm Thế Anh): Những câu hỏi về tính hiệu quả cũng như nguyên tắc hoạt động của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu vẫn chưa được giải đáp do thiếu các tổng kết, đánh giá từ các cơ quan quản lý.

Lại ngược mất rồi (PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa): Bộ Xây dựng cần xây dựng bộ tiêu chí kỹ thuật làm căn cứ xác định tuổi thọ chung cư trước rồi mới tính đến chuyện luật hóa thời hạn sử dụng nhà chung cư.

Để khắc phục “kiểm toán lỗi” (Châu Phan): Hàng loạt vụ lùm xùm liên quan đến kiểm toán thường được phát hiện khá chậm và việc xử lý thì thiếu tính răn đe, thậm chí là bỏ trôi trong im lặng.

Làm sao để lãnh đạo công ty đại chúng hành xử chuẩn mực? (Lưu Minh Sang): Tình trạng lãnh đạo các công ty đại chúng nhởn nhơ phạm luật là một khối u ngày càng lớn cần phải loại bỏ trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

VN-Index giao dịch “thận trọng” (Thanh Thủy): Thông tin về nới room tín dụng không như kỳ vọng cùng những động thái điều tiết thanh khoản tiền đồng của NHNN nhằm ổn định tỷ giá khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán quay trở lại trạng thái phòng thủ.

Cơ hội tích lũy cổ phiếu bán lẻ khi thị trường điều chỉnh? (Linh Trang): Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ được kỳ vọng có kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan, mở ra cơ hội mua gom tích lũy cho các nhà đầu tư tầm nhìn trung và dài hạn.

Cổ phiếu lương thực, thực phẩm có đáng chú ý? (Triêu Dương): Giá cả và khối lượng giao dịch cổ phiếu nhóm lương thực, thực phẩm có diễn biến tích cực, ngược chiều với đà sụt giảm của thị trường chung từ đầu tháng 9 đến nay.

Không nên xem nhẹ vai trò của IR (Dũng Nguyễn): Hoạt động truyền thông trong mối quan hệ với nhà đầu tư (IR) đóng vai trò quan trọng, có tác động đến giá cổ phiếu, qua đó tác động đến chỉ số giá trên thu nhập của cổ phiếu (P/E) hay bất kỳ hệ số định giá nào khác.

Khi cuộc chơi “đốt tiền” không còn hấp dẫn (Trịnh Minh): Tuy không còn mặn mà với mô hình “đốt tiền”, hoạt động của các quỹ đầu tư trong năm 2021 và nửa đầu năm 2022 không hề chững lại: số lượng và giá trị giao dịch tăng, tập trung vào một số lĩnh vực như công nghệ tài chính, phần mềm, y tế…

Bất động sản là đại diện cho kinh tế của Việt Nam? (Lê Hoài Ân – Nguyễn Duy Khánh): Chứng khoán Mỹ dựa trên một nền tảng ngành dịch vụ tốt. Thị trường Trung Quốc dựa trên một nền tảng sản xuất tốt. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào bất động sản.

Cuộc chơi mới trên thị trường thương mại điện tử (Trịnh Duy): TikTok đang tạo ra những xu hướng mua sắm kết hợp giải trí mới trên thị trường thương mại điện tử. Sự thành công nhanh chóng của ứng dụng này khiến các ông lớn trong ngành phải dè chừng.

Doanh nghiệp ô tô lo đối diện với khoảng trống pháp lý (Quốc Hùng): Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ các văn bản về cách tính tỷ lệ nội địa hóa, trong khi chưa có văn bản khác thay thế. Doanh nghiệp lo bị mắc kẹt với khoảng trống pháp lý này.

“Bóng ma” hiệu quả đầu tư trong nhà hát (Bùi Trinh): Khi thiết lập dự án xây nhà hát, cần làm rõ mục đích xây để hỗ trợ hoạt động nghệ thuật biểu diễn phục vụ khán giả hay là một dự án kinh doanh?

Sách – chuyên gia: Nên nghe theo ai? (Thư Kỳ): Một nghiên cứu của một nhà kinh tế tài chính tại Đại học Yale phân tích những khác biệt giữa lời khuyên trong các cuốn sách bày bí quyết làm giàu hay quản lý tài chính cá nhân với lời khuyên của các chuyên gia. Người đọc nên nghe theo ai?

Tháng 8 sắp qua, nước vẫn… “chưa nhảy lên bờ” (Trung Chánh): Quy luật của tự nhiên là “tháng 7 nước nhảy lên bờ”, nhưng đến những ngày cuối tháng 8 (âm lịch) này, miền Tây vẫn “đói” nước, “đói” luôn cá tôm. Bên cạnh đó là những rủi ro mang tên “đê bao khép kín”.

Để phục hồi cần thay đổi tư duy về thị trường và tiếp thị (Đào Loan phỏng vấn ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Outbox): Để có thể phục hồi nhanh mảng du lịch quốc tế, nhà quản lý cần tư duy lại công tác hoạch định thị trường và tiếp thị.

Mảng du lịch nước ngoài bắt đầu “nóng” (Minh Duy): Sau một thời gian du lịch “thăm dò” các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á, du khách Việt Nam bắt đầu đi du lịch nước ngoài nhiều hơn.

Hàng rong – sức hấp dẫn và phồn thịnh của “kinh tế vỉa hè” (Hồ Nguyên Thảo): Giải quyết sinh kế cho người nghèo bán hàng rong là bài toán khó. Cần xác định số phận và sinh kế của những người này không thể được quyết định chỉ trong một vài buổi họp và bằng các chiến dịch làm đẹp lòng lề đường.

Ai là người sử dụng lao động làm việc tại văn phòng đại diện? (LS. Đinh Quang Thuận): Hợp đồng lao động của nhân viên làm việc tại văn phòng đại diện được xem là phù hợp nếu được ký với văn phòng đại diện. Còn hợp đồng ghi ký với đại diện công ty nước ngoài là không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Rùng mình chứ đâu chỉ “giật mình”! (Tân An): Tình trạng bao kín mặt tiền tòa nhà từ trên xuống dưới tiềm ẩn nhiều nguy cơ về phòng cháy chữa cháy không chỉ có ở các cơ sở karaoke hay vũ trường, mà còn xuất hiện ở nhiều cơ sở của các ngành khác, trong đó có các cơ sở liên quan đến giáo dục – nơi có nhiều trẻ em theo học.

Văn hóa đọc không “chết” (Hải Lý): Hoạt động tiếp thị không làm giảm giá trị tinh thần của sách. Những cuốn sách hay đến mấy mà nằm hoài trên kệ, phủ bụi thời gian, ít ai biết đến để mua đọc thì phỏng có ích gì?

Dạy bé đọc sách (Khánh Hưng): Nhiều người khuyên nên thường xuyên đọc sách cho con nghe ngay khi con ở tuổi mẫu giáo, nhưng cần biết là đối với trẻ ở tuổi này, việc nghe đọc sách chỉ là một… kiểu chơi.

Lại là phim… Em và Trịnh! (Lê Thiên Hương): Giải pháp tốt nhất của nhà sản xuất có lẽ là chính thức xin lỗi bà Michiko Yoshii, để giữ những ấn tượng tốt đẹp về bộ phim. Đây cũng là bài học “xương máu” cho các nhà làm phim dựa trên nhân vật có thật.

Kiềm chế lạm phát và ngăn suy thoái – thách thức quá lớn với các ngân hàng trung ương (Song Thanh): Việc tăng lãi suất quá mức (để kiềm chế lạm phát cao dai dẳng) có thể đẩy nhiều quốc gia, thậm chí là nền kinh tế toàn cầu tiến sát bờ vực một cuộc suy thoái.

Thiếu tàu chở nhiên liệu – nút thắt mới của cuộc khủng hoảng năng lượng (Lạc Diệp): Khủng hoảng năng lượng làm gia tăng đột biến nhu cầu đối với tàu chở dầu, chở khí thiên nhiên hóa lỏng, thêm mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng năng lượng trên thế giới.

Khai thác đáy biển (Nguyễn Vũ): Việc khai thác những hòn đá dưới đáy biển có chứa cobalt hay mangan để sản xuất pin sẽ gây xáo trộn hệ sinh thái đáy biển, có thể tạo ra những hệ lụy chưa lường hết cho môi trường.

Ghi chép tản mạn Nhớ khói của Huỳnh Văn Mỹ và Sự lộn xộn của những đôi dép của Vũ Thị Huyền Trang.

Mời bạn đọc đón xem!

Tòa soạn KTSG

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ktsg-so-38-2022-chinh-sach-tien-te-nhung-goc-nhin/