Kịp thời chi trả chế độ không dùng tiền mặt

Tết cận kề, đây là thời điểm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) đẩy mạnh việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội. Trong đó, xác định thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu hiện nay, nhất là dịp Tết, sở kịp thời chi trả chế độ cho các đối tượng chính sách, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí hành chính, tiện lợi cho đối tượng hưởng chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng, quản lý ngân sách Nhà nước.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở LÐ-TB&XH, cho biết: “Ðể thực hiện tốt giải pháp này, sở đã tham mưu ban hành văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, khuyến khích đối tượng hưởng chính sách thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; giải thích những thuận lợi, tiện ích về chính sách này, nhờ vậy đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực”.

Theo đó, Sở LÐ-TB&XH đã phân công cán bộ, công chức theo dõi, tổng hợp công tác tổ chức thực hiện từ các huyện; thường xuyên cập nhật số liệu chi trả không dùng tiền mặt; vận động đối tượng mở tài khoản thanh toán và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện. Ðồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại liên kết với Phòng LÐ-TB&XH và người dân trong quá trình tư vấn, mở tài khoản..., nhờ vậy đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Công chức Phòng LÐ-TB&XH huyện Thới Bình tích cực hoàn tất hồ sơ chi trả chế độ chính sách bằng phương thức không dùng tiền mặt.

Công chức Phòng LÐ-TB&XH huyện Thới Bình tích cực hoàn tất hồ sơ chi trả chế độ chính sách bằng phương thức không dùng tiền mặt.

Cụ thể, năm 2022 chỉ thực hiện đối với 280 đối tượng, với số tiền chi trả là 494 triệu đồng. Năm 2023, qua khảo sát có 7.481 người có tài khoản hoặc tài khoản của người thân. Trong năm đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến 6.847 người (tăng 6.567 người so với năm trước), chủ yếu là chi trả qua thẻ ATM.

Trong đó, thực hiện chi trả bảo trợ xã hội 4.347/4.981 người, còn lại 634 người chưa thực hiện. Chi trả người có công với cách mạng 2.481/2.481 người có tài khoản, đạt 100%. Ðối tượng khác 19/19 người, đạt 100%. Tổng số tiền đã chi trả năm 2023 trên 15,41 tỷ đồng. Nguyên nhân còn 634 người đã có tài khoản nhưng chưa thực hiện chi trả được là do những người trên hưởng chính sách trợ cấp xã hội với số tiền nhận thấp, nơi ở rất xa điểm rút tiền, đối tượng lại lớn tuổi, đi lại khó khăn, xin được nhận tiền mặt tại các điểm chi trả.

Ông Nguyễn Quốc Thanh đánh giá: “Với những nỗ lực của ngành, cùng sự phối hợp của địa phương, các ngân hàng, công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đã tạo điều kiện thuận tiện cho đối tượng hưởng chính sách nhận được tiền khi họ có việc đi xa (không ở địa phương), không phải làm giấy ủy quyền mà vẫn được nhận chế độ đầy đủ, kịp thời. Bảo đảm an toàn, giảm rủi ro trong quá trình vận chuyển, quản lý tiền mặt đối với tổ chức chi trả; kịp thời chi trả chế độ cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, nhất là dịp Tết”.

Bên cạnh kết quả đạt được, ông Thanh cũng cho biết, công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, hạn chế. Trong đó, địa bàn tỉnh Cà Mau sông ngòi chằng chịt, một số địa phương đối tượng chính sách sinh sống rải rác, địa bàn rộng, không tập trung, người cao tuổi, ốm đau... nơi ở cách xa các điểm rút tiền, dẫn đến việc rút tiền khó khăn.

Do từ trước đến nay đa phần đối tượng hưởng chế độ chính sách đã quen với hình thức nhận tiền mặt, nên khi triển khai chi trả không dùng tiền mặt, đối tượng còn bỡ ngỡ, lúng túng. Những người lớn tuổi không biết sử dụng điện thoại thông minh, không nhớ số tài khoản, không nhớ mật khẩu, không biết cách rút tiền nên họ không muốn nhận tiền qua tài khoản.

Nhiều đối tượng là người cao tuổi, khuyết tật, tâm thần nên việc mở tài khoản là không thể, cần phải thực hiện thủ tục ủy quyền hoặc xác nhận hoàn cảnh để thân nhân (người trực tiếp nuôi dưỡng đối tượng) có thể đứng ra nhận thay tiền trợ cấp qua tài khoản ủy quyền.

Ða phần người có công và đối tượng bảo trợ xã hội là người già yếu, khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng (bệnh tai biến nằm một chỗ), đi lại khó khăn, chưa thành thạo các bước rút tiền tại thùng ATM. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, phương tiện đi lại hạn chế. Việc hằng tháng đến các trung tâm có thùng ATM để rút tiền tốn kém chi phí do quãng đường di chuyển xa.

Thời gian chờ đợi rút tiền lâu, một số huyện chỉ có vài thùng ATM, đôi khi xảy ra tình trạng quá tải do nhiều người rút tiền, thùng ATM hết tiền. Một số đối tượng nhận trợ cấp ưu đãi là người cao tuổi, ngại tiếp xúc với công nghệ hiện đại, quen với việc nhận tiền truyền thống, số tiền nhận không nhiều nên không muốn cất giữ trong thẻ.

Ngoài TP Cà Mau, hiện nay trên địa bàn 8 huyện còn lại rất ít thùng ATM, có những huyện chỉ có 1 hoặc 2 thùng ATM, dẫn đến khó khăn trong việc rút tiền qua thẻ ATM cũng như công tác tuyên truyền, vận động người hưởng chính sách gặp khó khăn. TP Cà Mau đang chi trả không dùng tiền mặt cho 2.835/6.847 (chiếm 41,4% trong tổng số đối tượng thực hiện chi trả toàn tỉnh), từ đó cho thấy hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định đến hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt.

Ðể thúc đẩy chi trả theo chế độ cho 100% người có nhu cầu chi trả qua tài khoản trong thời gian tới, nhất là dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Nguyễn Quốc Thanh chia sẻ: “Sở LÐ-TB&XH tiếp tục chỉ đạo các Phòng LÐ-TB&XH tham mưu UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngân hàng thương mại, bưu điện huyện và UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền các chủ trương, khuyến khích đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt (mở thẻ ATM, ví điện tử...); tăng cường phối hợp với cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn tuyên truyền, vận động người hưởng chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt theo chủ trương cấp trên, kịp thời đảm bảo chi trả các chế độ”./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/kip-thoi-chi-tra-che-do-khong-dung-tien-mat-a31224.html