Kinh tế Việt Nam: Vượt thử thách, ghi dấu bằng các bước 'chuyển mình'

Sự phục hồi và phát triển của Việt Nam đã và đang được giới chuyên gia, học giả trong và ngoài khu vực đánh giá rất cao về khả năng vượt qua thử thách để bứt tốc.

Sự phục hồi và phát triển của Việt Nam đã và đang được giới chuyên gia, học giả trong và ngoài khu vực đánh giá rất cao về khả năng vượt qua thử thách để bứt tốc. (Nguồn: VnEconomy)

Chia sẻ với báo chí, GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc quốc gia Viện Friedrich Naumann (FNF) tại Việt Nam từng nhận định vào đầu năm 2022, người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế ngoài Việt Nam đều háo hức mong chờ liệu Việt Nam có thể tiếp nối câu chuyện thành công của mình và phục hồi mạnh mẽ trong năm đầu hậu Covid-19 hay không. Cho đến thời điểm hiện tại, theo ông Andreas Stoffers, Việt Nam đã thành công cơ bản.

Chuyên gia Andreas Stoffers đánh giá triển vọng phát triển của Việt Nam là tích cực trong trung và dài hạn. Trong ngắn hạn, có thể sẽ có những thách thức về chính sách kinh tế của năm 2023, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến tình hình toàn cầu bất ổn.

Cơ sở vững chắc cho sự lạc quan kinh tế trong 2023 của Việt Nam là những cam kết rõ ràng về thương mại tự do, bảo hộ đầu tư, kinh tế thị trường và hội nhập vào chuỗi giá trị quốc tế, cùng với tình hình tài chính công lành mạnh và các chính sách tiền tệ thận trọng.

Bà Ramla Khalidi - Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng nhận định rằng, không một quốc gia nào khác trong khu vực có triển vọng cải thiện nhanh như Việt Nam. Mặc dù giá năng lượng cao hơn đã dẫn đến giá cả trong nước tăng, lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp hơn, nhờ vào bình ổn giá lương thực và các nhu yếu phẩm khác.

Theo bà Ramla Khalid, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào sự phát triển của thị trường nội địa sâu, có tính thanh khoản và được quản lý tốt đối với tín dụng ngân hàng, trái phiếu và cổ phiếu. Các doanh nghiệp cần tiếp cận với nguồn tài chính trong nước dài hạn để nâng cấp năng lực, công nghệ và phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Cùng chung nhận định về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng năm 2023 vẫn sẽ là một năm nhiều thách thức đối với kinh tế Việt Nam. Mặc dù vậy, ông vẫn tin tưởng với nền tảng vĩ mô vững chắc, với sự ổn định chính trị và những nỗ lực của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì vị trí là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực cũng như toàn cầu trong năm 2023.

Triển vọng phát triển của Việt Nam cũng được các quan chức, chuyên gia trong ASEAN đánh giá rất cao. Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn ghi nhận sự “chuyển mình” nhanh chóng và nhiều thành tựu phát triển vượt bậc của Việt Nam trong những năm vừa qua. Với khoảng 100 triệu dân, đứng thứ ba trong các nước ASEAN về quy mô dân số, đất nước hình chữ S là một trong những nước ASEAN thu hút rất nhiều sự quan tâm trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch và trao đổi thương mại.

Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) kiêm Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid đánh giá Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện các ưu tiên kinh tế của Chủ tịch ASEAN trong năm 2023.

Theo ông Arsjad Rasjid, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư trong và ngoài khu vực. Việc Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện Năng lượng Gió ASEAN 2023 sắp tới là một đóng góp đáng kể cho các mục tiêu năng lượng tái tạo của khu vực.

Hiền Thu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-vuot-thu-thach-ghi-dau-bang-cac-buoc-chuyen-minh-227607.html