Kình ngư Brazil thành hiện tượng mạng sau màn ăn mừng

Biểu cảm phấn khích của VĐV bơi lội Bruno Fratus là minh chứng cho việc đứng ở vị trí thứ 3 không phải nơi tồi tệ nhất trên bục nhận giải.

Khi biết mình giành HCĐ ở nội dung 50 m bơi tự do nam tại Olympic Tokyo 2020, Bruno Fratus đứng nguyên trong hồ bơi, vung cao hai tay trên đầu và nở nụ cười rạng rỡ. Trên bục nhận giải, anh cắn huy chương, sau đó hôn thắm thiết người vợ đồng thời là HLV của mình.

Trong bức ảnh chụp 3 VĐV đoạt huy chương, Fratus trông hạnh phúc hơn cả 2 người giành thành tích cao hơn anh.

Màn ăn mừng của Fratus cũng được dân mạng chia sẻ và chế ảnh trên mạng xã hội, theo VICE.

Đằng sau những meme này là một số điều được khoa học chứng minh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người giành được vị trí thứ 3 có thể hạnh phúc hơn đối thủ về nhì.

 Bruno Fratus ăn mừng sau khi giành HCĐ tại Olympic Tokyo. Ảnh: Odd Andersen.

Bruno Fratus ăn mừng sau khi giành HCĐ tại Olympic Tokyo. Ảnh: Odd Andersen.

Bài báo đáng chú ý đầu tiên về hiện tượng này xuất bản năm 1995.

Để phân tích mức độ hài lòng của những người đoạt huy chương, các nhà nghiên cứu đánh giá nét mặt của nhiều VĐV tại Olympic Barcelona 1992. Họ chấm trên thang điểm 10, từ suy sụp đến hạnh phúc ngây ngất. Chiếm tỷ lệ áp đảo, các VĐV giành HCB được cho điểm thấp nhất, do đó được coi là kém hạnh phúc hơn cả.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng điều này là do kết quả tưởng tượng của người đoạt HCB là giành HCV. Nhưng đối với VĐV giành HCĐ, họ có thể kết thúc mà không có huy chương nào cả. Theo nghiên cứu năm 1995, mức độ hài lòng của con người là tương đối. Chúng ta có thể bị ảnh hưởng rất nhiều bởi kết quả khách quan so với kết quả tưởng tượng hoặc những gì “có thể đã xảy ra”.

Sau giây phút ăn mừng, Bruno Fratus nói với kênh SPORTV (Bồ Đào Nha) rằng niềm vui của anh là chân thật. Ở tuổi 32, anh hiện là VĐV bơi lội lớn tuổi nhất giành được tấm huy chương đầu tiên. Fratus đã thi đấu ở cả Olympic London 2012 và Olympic Rio 2016 nhưng chưa bao giờ đặt chân lên bục vinh quang.

Ngoài Fratus, ngôi sao thể dục dụng cụ người Mỹ Simone Biles cũng vui mừng khi giành HCĐ nội dung xà đơn nữ. Biles nói với NBC rằng kết quả này có ý nghĩa với bản thân hơn cả việc giành HCV vì đó là mình chứng cho việc cô tập trung vào sức khỏe tinh thần và sự kiên trì trong suốt 5 năm qua.

Cô gái 24 tuổi gây sốc khi về thứ 3. Nhưng cô khẳng định: “Tôi không thực sự quan tâm đến kết quả. Tôi chỉ hạnh phúc vì đã thực hiện đúng quy trình và được thi đấu thêm lần nữa”.

 Kenichiro Fumita, đô vật Nhật Bản giành HCB tại Olympic Tokyo, bật khóc và xin lỗi người hâm mộ. Ảnh: AFP.

Kenichiro Fumita, đô vật Nhật Bản giành HCB tại Olympic Tokyo, bật khóc và xin lỗi người hâm mộ. Ảnh: AFP.

Khi đoạt HCĐ, đội tuyển thể dục dụng cụ nữ Anh cũng vui mừng và ngạc nhiên vì giành được tấm huy chương đồng đội đầu tiên về cho đất nước sau 93 năm.

Jessica Gadirova, một trong 4 VĐV, nói: “Chúng tôi chỉ đặt mục tiêu vượt qua số điểm của mình ở vòng loại nhưng chung cuộc lại về thứ 3. Chúng tôi không thể đòi hỏi hơn nữa”.

Trái ngược với những VĐV phấn khích khi giành HCĐ, một số đoạt HCB lại không hài lòng.

Cặp VĐV Trung Quốc Xu Xin và Liu Shiwen bật khóc và xin lỗi khi giành HCB trong trận chung kết bóng bàn đôi nam nữ vào ngày 26/7. Đây là lần đầu tiên trong 17 năm quốc gia này vụt mất HCV môn bóng bàn. Các VĐV Nhật Bản cũng xin lỗi vì chỉ mang về tấm HCB tại Olympic diễn ra trên sân nhà.

Tương tự, võ sĩ người Anh Benjamin Whittaker rất buồn khi về nhì, đến mức anh từ chối đeo HCB và khóc trên bục nhận giải. Trong lễ trao giải, anh giơ cao chiếc huy chương để chụp ảnh với đôi mắt sưng húp. “Bạn không giành HCB mà đã mất HCV”, anh nói.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-ngu-brazil-thanh-hien-tuong-mang-sau-man-an-mung-post1248236.html