Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc hồi hương cổ vật

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Trung Quốc là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc hồi hương các cổ vật từ nước ngoài nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của lực lượng Hoa kiều, và nhờ có những chính sách linh hoạt, phù hợp.

Theo Học viện Di tích Văn hóa Trung Quốc, tính từ mốc chiến tranh Nha phiến 1840 đến nay, có khoảng 10 triệu cổ vật Trung Quốc đã bị cướp bóc, chuyển ra nước ngoài bằng nhiều con đường khác nhau.

Đây là một kho tàng di sản khổng lồ vốn của quốc gia đông dân nhất trên thế giới mà nhất thiết họ phải từng bước đòi lại bằng được. Chính phủ Trung Quốc đã xem việc hồi hương các cổ vật là một trong những vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu, từ đó họ có sự đầu tư xứng đáng để nghiên cứu, ban hành những chính sách phù hợp. Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an... là những Bộ, ngành quan trọng nhất đóng vai trò tham mưu, xây dựng các chính sách về vấn đề này. Tựu trung, các chính sách của Trung Quốc thể hiện nổi bật ở các khía cạnh sau.

Người dân Trung Quốc chiêm ngưỡng các cổ vật ở Thượng Hải, nơi trưng bày các bảo vật quốc gia từng bị thất lạc ở nước ngoài. Ảnh: AP

Thứ nhất là tăng cường tham gia các điều ước, công ước quốc tế về vấn đề hồi hương, trao trả cổ vật, hạn chế ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép, đánh cắp cổ vật, tìm cách đưa thành viên tham gia trực tiếp vào các tổ chức quốc tế liên quan. Tác dụng và hiệu quả của chính sách này thể hiện rất rõ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Trung Quốc đã có vai trò quan trọng trong nhiều tổ chức quốc tế, nhất là Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO và một số tổ chức thuộc Liên Hợp quốc. Họ đã có tiếng nói mạnh mẽ trong các diễn đàn này, từ đó tham gia bổ sung, điều chỉnh các công ước, điều ước quốc tế theo hướng có lợi cho việc hoàn trả các cổ vật bị cướp bóc hay bị đánh cắp trong quá khứ. Đó cũng là căn cứ pháp lý quan trọng để họ tiến hành đàm phán ngoại giao, thậm chí khởi kiện xuyên quốc gia để đòi lại cổ vật khi cần thiết.

Thứ hai, Trung Quốc tích cực tham gia ký kết các hiệp định song phương về bảo vệ và trao trả các di sản văn hóa với các nước để mở đường cho việc hồi hương các cổ vật. Đến nay Trung Quốc đã ký kết 23 thỏa thuận song phương với các quốc gia ở châu Âu, Mỹ, Australia, là những quốc gia hiện đang nắm giữ nhiều nhất các cổ vật có nguồn gốc Trung Quốc để tạo hành lang pháp lý cho việc hồi hương các cổ vật và di sản văn hóa của họ.

Thứ ba, tích cực vận động Hoa kiều ở các nước chung tay tìm kiếm, phát hiện, cung cấp danh sách các cổ vật Trung Quốc đang ở nước ngoài, vận động Hoa kiều tham gia quyên góp, đấu giá, hiến tặng cổ vật cho đất nước. Hoa kiều là một lực lượng hùng hậu và có nguồn lực rất lớn và dường như có mặt ở khắp thế giới.

Trong nhiều năm qua, họ đã có những đóng góp rất tích cực cho công tác hồi hương cổ vật. Nói tóm lại, kinh nghiệm của Trung Quốc là sự vận dụng các chính sách và phương pháp tổng hợp bao gồm hợp tác quốc tế, thực thi song phương, đàm phán ngoại giao, khởi kiện xuyên quốc gia, vận động quyên góp và mua lại qua thương lượng hoặc đấu giá.

Thành công của Trung Quốc thì có nhiều nhưng tiêu biểu là sự kiện năm 2013, tỷ phú người Pháp Pinault đã trả lại 7 chiếc mặt nạ linh thú bằng đồng (trong số 12 mặt nạ của 12 con giáp ở Viên Minh Viên, Bắc Kinh) có trị giá tới 126 triệu USD vốn bị liên quân Anh - Pháp cướp đi trong cuộc tấn công năm 1860.

Hay sự kiện năm 2019, một nhà sưu tầm người Mỹ đã phải trả lại cho Trung Quốc 361 hiện vật, nhóm hiện vật rất có giá trị sau khi FBI phát hiện đây là các cổ vật bị đánh cắp. Một ví dụ khác là tỷ phú Hồng Kông Hà Hồng Sâm đã nhiều lần tặng lại các cổ vật quý cho nhà nước Trung Quốc, trong đó có hai chiếc mặt nạ thỏ và chuột của Viên Minh Viên, trị giá hàng chục triệu USD...

TS Phan Thanh Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-nghiem-cua-trung-quoc-trong-viec-hoi-huong-co-vat.html