Kiến tạo không gian sống cho đô thị công nghiệp Biên Hòa

TP.Biên Hòa tự hào là nơi ra đời Khu công nghiệp (KCN) đầu tiên ở Việt Nam - KCN Biên Hòa 1 nằm bên sông Cái (sông Đồng Nai) kéo theo sự ra đời và tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp làm nên sự sung túc của một đô thị công nghiệp với dân số hơn 1,3 triệu dân. Tuy nhiên, trong khi nhiều thành phố khác trên cả nước đã có những bứt phá mạnh mẽ với sự hình thành nhiều khu dân cư mới, nhiều công viên công cộng với nhiều đường phố hiện đại thì Biên Hòa vẫn khá khiêm tốn, diện mạo ít có sự thay đổi.

Một gia đình thong thả đi dạo ở công viên Nguyễn Văn Trị

Thiếu nhà hát, ít công viên công cộng

Tuy không sinh ra ở Biên Hòa nhưng đã gắn bó hơn 60 năm từ lúc thơ bé, lớn lên đi học, làm việc trong cơ quan nhà nước đến khi về hưu nên ông X.P. có nhiều nỗi tâm sự đến thổn thức mỗi khi có việc gì đó chạm vào ký ức.

Ngoài Quảng trường tỉnh có sân khấu để tổ chức các sự kiện, buổi biểu diễn ca múa nhạc với tiện nghi cũ kỹ có phần ọp ẹp ra thì vẫn chưa có một nhà hát, rạp chiếu phim đủ lớn, hiện đại phục vụ cho người dân đô thị công nghiệp Biên Hòa. Ngoài một phần trục chính Võ Thị Sáu được quy hoạch chỉnh trang tạo dáng vẻ hiện đại thì trong nhiều năm liền không có khu đô thị mới nào mọc lên, nhất là khi giá nhà đất cứ tăng thẳng đứng liên tục thì càng không dễ để trình làng các khu đô thị mới hiện đại nhưng dành cho số đông người lao động.

Không thể phủ nhận những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền TP.Biên Hòa trong vòng 6-7 năm gần đây khi đã dành nguồn lực đầu tư công viên ven sông - phố đi bộ Nguyễn Văn Trị. Ngày thường thì đây là nơi người dân đến tập thể dục, cuối tuần thành phố đi bộ và vào dịp xuân đến biến thành nơi trưng bày các tiểu cảnh chào năm mới, triển lãm hình ảnh ngoài trời. Và gần đây, chính quyền đã rất sáng suốt, quyết tâm trả lại chức năng công cộng cho toàn bộ công viên Biên Hùng và thiết kế thêm bãi đậu xe ô tô phục vụ nhu cầu gửi xe của người dân, du khách. Cả một khu vực dọc theo đường 30-4 trước đây là công trình “chết” thì nay biến thành công viên mở - là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, thương mại như ngày hội sách phục vụ nhu cầu mua sắm, thư giãn của người dân.

Cần những đột phá về quy hoạch kiến trúc

Nằm bên sông Đồng Nai và cạnh quốc lộ 1, KCN Biên Hòa 1 (ra đời năm 1963) đã sớm thu hút được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước tìm đến đầu tư nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị và có đóng góp đáng kể vào quá trình phát triển của đô thị Biên Hòa. Nhưng với thời gian, trước yêu cầu đổi mới, phát triển hội nhập thì KCN Biên Hòa 1 đã đến lúc phải di dời để nhường chỗ cho một khu đô thị mới. Rất tiếc là việc triển khai quá ì ạch và chưa biết đến khi nào mới hoàn thành. Vướng mắc lớn nhất có lẽ là nguồn vốn hỗ trợ di dời và đầu tư hạ tầng. Nhiều doanh nghiệp không mặn mà di dời đi nơi khác bởi vị trí quá thuận lợi của KCN Biên Hòa 1 mà khi dời đi xa sẽ tốn thêm chi phí vận chuyển, đầu tư nhà xưởng mới, nhất là giữa lúc kinh tế thế giới khó khăn do đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine như mấy năm vừa qua.

Đường 30-4 sau khi dỡ bỏ dải phân cách cứng đã thoáng hơn rất nhiều so trước đây

Việc tỉnh Đồng Nai quyết định xây dựng trung tâm hành chính mới ở ngay KCN Biên Hòa 1 cũng là cần thiết vì tạo cú hích, tháo gỡ vướng mắc cho việc di dời KCN này. Một người dân Biên Hòa mà tôi hỏi chuyện đã rất đồng tình với chủ trương đưa trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh về thế chỗ KCN Biên Hòa 1 vì “vị trí quá đẹp và cùng với đó là một công trình kiến trúc mới sẽ mọc lên, tỏa sáng bên sông Đồng Nai và nếu tổ chức thi mẫu kiến trúc trong, ngoài nước kỳ vọng Biên Hòa sẽ có được một công trình điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan cho hàng chục, hoặc thậm chỉ cả 100 năm sau”.

Và có lẽ việc cần nhất hiện nay của tỉnh Đồng Nai là cần một quyết tâm chính trị để triển khai di dời cho được KCN Biên Hòa 1, qua đó thực hiện công tác chỉnh trang đô thị ở khu vực cửa ngõ của thành phố, tạo cú hích mới cho tỉnh Đồng Nai khi sân bay quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác và giúp Biên Hòa thực hiện tốt vai trò đô thị vệ tinh của vùng TP.HCM.

Phải thẳng thắn nhìn nhận là những công viên như Nguyễn Văn Trị, Biên Hùng là quá ít và quá nhỏ so với quy mô của một đô thị trực thuộc tỉnh đông dân nhất ở nước ta hiện nay.

Cũng không thể không nhắc đến dự án Đường ven sông Cái mà TP.Biên Hòa đang triển khai sẽ tạo cho hai bên bờ sông có một diện mạo mới khang trang. Nhưng đi kèm với đó là các công trình kiến trúc mang tính điểm nhấn vừa khai thác tối đa lợi thế của dòng sông vừa tạo nên những khu vui chơi giải trí, mua sắm hiện đại và khu dân cư đáng sống cho người dân thành phố công nghiệp sau những giờ lao động mệt nhọc như hai bên bờ sông Hàn, TP.Đà Nẵng hay sông Sài Gòn đoạn qua Q.1, Q.7 và TP.Thủ Đức của TP.HCM.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu quan tâm đến chỉnh trang, quy hoạch không gian ven sông, quan tâm tạo không gian chung cho người dân sử dụng. Theo đó, cần có quy hoạch những lô đất lớn khuyến khích xây cao tầng tuân thủ theo quy hoạch xây dựng bằng cách Nhà nước có thể mua lại những lô đất nhỏ, nhà nhỏ siêu mỏng để có những công trình điểm nhấn với mật độ xây dựng tối đa khoảng 50-60%, tạo thêm không gian xanh, không gian mở xen lẫn công viên. Đồng Nai cần phải có kế hoạch chỉnh trang xứng tầm trục giao thông mới ven sông Cái mà điểm nhấn quan trọng là cù lao Phố và không gian bên kia sông để tận dụng không gian xanh rất đẹp của nhánh sông ôm lấy mảnh đất cù lao. Có thể xây thêm một số cây cầu cảnh quan hạn chế tốc độ cao, khuyến khích xe điện, xe đạp để hài hòa với các di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đang có ở đây, tạo điều kiện cho phát triển du lịch.

Văn Phong

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202312/kien-tao-khong-gian-song-cho-do-thi-cong-nghiep-bien-hoa-9812483/