Kiểm toán nhà nước chú trọng công tác bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật

Nhằm bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật cho công chức, viên chức, người lao động, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ban hành Tài liệu bồi dưỡng Tổng quan về hệ thống pháp luật theo Quyết định 883/QĐ-KTNN.

Ảnh minh họa: baokiemtoan.vn

Ảnh minh họa: baokiemtoan.vn

Tài liệu gồm 8 chương, trong đó giới thiệu tổng quan về pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam; Hiến pháp; pháp luật về KTNN; pháp luật về hành chính và phòng, chống tham nhũng; pháp luật về tài chính; pháp luật về kinh tế; pháp luật về đầu tư, xây dựng; pháp luật về đất đai.

Giới thiệu những vấn đề chung về pháp luật KTNN, Tài liệu nêu rõ, KTNN là cơ quan mới được thành lập trong thời kỳ đổi mới và là một cơ quan mới trong cơ cấu tổ chức của Nhà nước mà trước đó chưa có tiền thân về tổ chức và tiền lệ về hoạt động. Do vậy, quá trình phát triển của KTNN cũng chính là quá trình xây dựng và phát triển của pháp luật về KTNN.

Hiện nay, khoa học pháp lý ở Việt Nam vẫn chưa đưa ra khái niệm pháp luật KTNN một cách hoàn chỉnh và thống nhất. Tuy vậy, có thể hiểu pháp luật KTNN là một bộ phận cấu thành của hệ thống pháp luật và mang đầy đủ các đặc điểm của pháp luật cũng như các biểu hiện đặc thù riêng nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội tồn tại khách quan trong tổ chức và hoạt động của KTNN.

Do đó, pháp luật về KTNN có thể được định nghĩa như sau: “Pháp luật Kiểm toán nhà nước là tổng thể các quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước với mục đích tăng cường việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính, tài sản công”.

Hay nói cách khác, pháp luật về KTNN bao gồm toàn bộ các chính sách luật thể hiện trong Luật KTNN, các Luật kinh tế và các văn bản quy phạm pháp luật.

Nội dung điều chỉnh của pháp luật về KTNN là sự thể hiện các quan hệ trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước thành các chế định, các quy phạm pháp luật và có thể được tổng hợp theo các nhóm chủ yếu:

Thứ nhất, nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh về địa vị pháp lý của KTNN, gồm: Vị trí pháp lý của cơ quan KTNN trong tổ chức bộ máy nhà nước, tính độc lập của cơ quan KTNN.

Thứ hai, nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN.

Thứ ba, nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh về đối tượng, phạm vi kiểm toán của KTNN.

Thứ tư, nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh về cơ chế hoạt động của KTNN, gồm: Chế độ lãnh đạo, mối quan hệ giữa KTNN với Quốc hội, Chính phủ, hoạt động kiểm toán và bảo đảm hoạt động kiểm toán của KTNN.

Thứ năm, nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh về mô hình tổ chức và nhân sự của KTNN, gồm: Mô hình tổ chức và cơ cấu tổ chức của KTNN; Tổng Kiểm toán nhà nước (Thẩm quyền bầu, nhiệm kỳ, trách nhiệm và quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước); Kiểm toán viên nhà nước (Chức danh, thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn của kiểm toán viên nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước).

Thứ sáu, nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh về giám sát hoạt động của KTNN, xử lý vi phạm, gồm: Nội dung giám sát, chủ thể giám sát hoạt động của KTNN; các hành vi vi phạm pháp luật KTNN và các biện pháp xử lý.

Tài liệu cũng giới thiệu cụ thể về quá trình xây dựng hệ thống pháp luật về KTNN. Theo đó, quá trình phát triển của KTNN đồng thời cũng là quá trình xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật về KTNN, thể hiện rõ nét nhất ở việc xác lập và phát triển địa vị pháp lý của KTNN.

Địa vị pháp lý của cơ quan KTNN là sự quy định của pháp luật về vị trí của cơ quan KTNN trong hệ thống các cơ quan nhà nước; thể hiện thành các quan hệ về mặt tổ chức giữa KTNN với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Căn cứ vào quá trình xác lập và phát triển địa vị pháp lý của KTNN từ cơ quan do “luật định” thành “hiến định”, quá trình xây dựng hệ thống pháp luật về KTNN ở Việt Nam được phân thành hai giai đoạn: Pháp luật về KTNN trước năm 2013 (Giai đoạn từ khi thành lập đến khi Quốc hội khóa XI thông qua Luật KTNN năm 2005; giai đoạn từ khi Luật KTNN năm 2005 có hiệu lực thi hành đến trước năm 2013); Pháp luật về KTNN từ năm 2013 đến nay.

Đồng thời, Tài liệu tập trung giới thiệu, làm rõ những nội dung cơ bản của Luật KTNN.

Liên quan đến pháp luật về tài chính, phòng, chống tham nhũng, đầu tư, đất đai, Tài liệu đặc biệt, Tài liệu tập trung giới thiệu về khái niệm, đặc điểm, đối tượng điều chỉnh, một số nội dung, đạo luật cơ bản của các lĩnh vực. Đặc biệt, Tài liệu đã phân tích, làm rõ các quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của KTNN.

Với cách thiết kế theo từng chương rõ ràng, mạch lạc, cuối mỗi chương đều kèm theo câu hỏi ôn tập và tài liệu tham khảo, Tài liệu bồi dưỡng Tổng quan về hệ thống pháp luật không chỉ là tài liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các kiểm toán viên phục vụ công tác kiểm toán.

Thái Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/kiem-toan-nha-nuoc-chu-trong-cong-tac-boi-duong-cap-nhat-kien-thuc-phap-luat-10280262.html