Khuyến công khu vực phía Bắc: Phấn đấu hoàn thành 100% các đề án khuyến công

Để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2024, từ nay tới cuối năm, khuyến công 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc quyết tâm phấn đấu, vượt qua khó khăn, thực hiện hoàn thành 100% các đề án khuyến công quố gia (KCQG) và khuyến công địa phương (KCĐP) đã được giao trong năm 2024.

Hoạt động khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch

Đánh giá về hiệu quả triển khai công tác khuyến công năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, theo Cục Công Thương địa phương, chính sách khuyến công được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, đã tiếp sức, tạo điều kiện thuận lợi giúp các sở sở công nghiệp nông thôn (CNNT) tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương trong khu vực.

Công tác xây dựng, thẩm định các đề án, hướng đãn tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các đề án khuyến công ở một số đại phương đã có chuyển biến tích cực. Hoạt động khuyến công cơ bản bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình và được cụ thể hóa bằng các đề án có quy mô, chất lượng ngày càng cao.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Công Thương địa phương, năm 2023, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ xây dựng 11 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; hỗ trợ 399 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc tiên tiến và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; 34 cơ sở CNNT được hỗ trợ tư vấn, đánh giá, áp dụng sản xuất sạch hơn. Đồng thời, hỗ trợ 2.451 gian hàng tiêu chuẩn cho 1.038 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước.

Ngoài ra, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ bình chọn 342 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp cho 239 lượt cơ sở CNNT; 15 cơ sở CNNT được hỗ trợ xây dựng, đăng ký thương hiệu và 14 cơ sở CNNT được hỗ trợ phòng trưng bày để giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, các hoạt động, hỗ trợ phát triển các cụm công nghiệp; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở CNNT; hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển CNNT, công tác truyền thông; Hỗ trợ nâng cao năng lực tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công và các hoạt động khuyến công khác đã và đang được triển khai hiệu quả.

 Nghiệm thu đề án khuyến công quốc gia năm 2023 tại Công ty TNHH MTV Phúc Sơn, tỉnh Điện Biên

Nghiệm thu đề án khuyến công quốc gia năm 2023 tại Công ty TNHH MTV Phúc Sơn, tỉnh Điện Biên

Năm 2024, theo báo cáo ước thực hiện 6 tháng đầu, hỗ trợ được 57 cơ sở CNNT ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 11 cơ sở CNNT được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn.

Đồng thời, hỗ trợ được 701 gian hàng tiêu chuẩn cho 299 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước; hỗ trợ tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 245 lượt cơ sở CNNT; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu 03 cơ sở CNNT; 02 cơ sở CNNT được hỗ trợ phòng trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm.... Đã tư vấn phát triển công nghiệp cho 62 dự án, với doanh thu đạt 4,87 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch năm, đạt 153,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Đến nay, các dạng đề án KCQG về xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xây dựng các mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở CNNT đang được Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra dự toán, nên chưa được phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện.

Phấn đấu hoàn thành 100% các đề án khuyến công

Dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế thế giới, khu vực vẫn diễn biến phức tạp, với những thời cơ thuận lợi đan xen nhiều khó khăn, thách thức. Chính vì thế, để hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2024, Cục Công Thương địa phương cho rằng các tổ chức hệ thống khuyến công 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cần bám sát định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp quyết tâm, vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội để nâng cao chất lượng chính sách, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở trong đầu tư phát triển sản xuất.

Từ nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ và 446 triệu đồng kinh phí đối ứng của Công ty cổ phần tự động hóa DT Vina, tỉnh Vĩnh Phúc mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất

Từ nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ và 446 triệu đồng kinh phí đối ứng của Công ty cổ phần tự động hóa DT Vina, tỉnh Vĩnh Phúc mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất

Phấn đấu hoàn thành 100% các đề án KCQG và KCĐP được giao năm 2024; bảo đảm xây dựng, đăng ký các đề án, nhiệm vụ khuyến công quốc gia năm 2025 đúng thời hạn, có chất lượng; tập trung xây dựng các đề án nhóm, phấn đấu xây dựng được đề án điểm; hoàn thành các chỉ tiêu về số dự án và doanh thu tư vấn phát triển công nghiệp; 100% các địa phương cử cán bộ chuyên trách về hoạt động khuyến công tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu của hoạt động khuyến công đã được quy định tại nghị định số 45/2012/NĐ-CP và Chương trình KCQG giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình khuyến công của các địa phương đến năm 2025; 100% các địa phương nghiên cứu có ý kiến góp ý chất lượng đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện các hoạt động khuyến công trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách khuyến công.

Hoàng Dương

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/khuyen-cong-khu-vuc-phia-bac--phan-dau-hoan-thanh-100--cac-de-an-khuyen-cong-121432.htm