Không để giá vàng 'nhảy múa'

Giá vàng miếng ngày 13/5 chứng kiến một phiên 'nhảy múa' với biên độ lớn giảm hơn 3 triệu đồng lúc mở cửa, tăng giảm liên tục và đến 14h chiều thì neo ở vùng giá 90 triệu đồng/lượng bán ra.

Có tiền cũng không mua được

Ghi nhận tại một số thương hiệu vàng lớn trên phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng vào buổi sáng, dòng người vẫn xếp hàng mua bán tấp nập, nhưng đến thời điểm 10h trở đi, mặt hàng vàng nhẫn được thông báo “hết hàng”, trong khi, vàng SJC bán ra giới hạn số lượng.

Các cửa hàng thường xuyên hạn chế số lượng vàng mua của người dân.

Nhiều ngày nay, các cửa hàng thường xuyên hạn chế số lượng vàng mua của người dân. Có những ngày cao điểm, cửa hàng chỉ bán cho mỗi người tối đa 5 chỉ vàng. Với khách hàng muốn mua hơn phải chấp nhận giấy hẹn sau 7 - 15 ngày mới nhận được vàng. Tuy nhiên, có thời điểm, chỉ trong buổi sáng, cửa hàng thông báo hết vàng hoặc ngừng giao dịch không rõ lý do.

Ngày 12/5, Ngân hàng Nhà nước đã có buổi làm việc với UBND TP. HCM về phối hợp quản lý thị trường vàng. Tại cuộc họp này, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) - đơn vị trực thuộc UBND TP. HCM cũng được lãnh đạo thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện ngay công tác bình ổn thị trường. Về việc doanh nghiệp này sẽ bình ổn thị trường như thế nào, phóng viên Đài Hà Nội đã đặt vấn đề trong chiều 13/5, nhưng đại diện SJC từ chối trả lời.

Trong hai phiên đấu thầu vàng được Ngân hàng Nhà nước đấu thầu thành công, SJC đã trúng thầu và theo một số nguồn tin, số vàng này đã được bán hết chỉ trong một ngày.

Nhà nước cần can thiệp ngay vào thị trường

“Giá vàng nhảy múa như vừa qua thì công tác quản lý Nhà nước thế nào? Thị trường gì thì thị trường, nhưng cũng không thể có thị trường nhảy múa kiểu đấy được, tôi chưa bao giờ thấy một thị trường nào mà giá vàng tăng giảm đột biến như thế, tôi đề nghị công tác quản lý của mình phải rõ” - Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã đặt thẳng vấn đề về giá vàng trong phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách bổ sung năm 2023, các tháng đầu năm 2024.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay và chênh lệch với giá vàng thế giới đang quá cao. Mặc dù đã có những chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để quản lý thị trường vàng, nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay, giá vàng ngày càng tăng. Do đó, đề nghị cần quản lý chặt chẽ thị trường và cần Nhà nước can thiệp ngay vào thị trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đặt câu hỏi vì sao giá vàng có lúc lên kỷ lục 92 triệu đồng/lượng, tại sao đầu tư tư nhân và đầu tư vàng lại đang có nghịch cảnh như vậy.

Giải trình tại phiên họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà thừa nhận từ 2022 trở lại đây thị trường vàng trong nước bộc lộ hạn chế, sau thời gian dài ổn định được quản lý theo Nghị định 24/2012. Nguyên nhân, theo ông này, chủ yếu do thế giới tăng, đắt thêm 14% từ đầu năm đến nay và nguồn cung trong nước hạn chế. Về giải pháp, theo Phó Thống đốc, trước mắt cơ quan này tiếp tục đấu thầu với khối lượng phù hợp để tăng cung, nhằm ổn định và giảm chênh lệch với giá thế giới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà.

Dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, đấu thầu vàng vẫn là giải pháp mang tính “hên xui”, bởi với giá đấu thầu cao như lần gần nhất (86 triệu đồng/lượng), các doanh nghiệp đều rất e ngại tham gia bỏ thầu, vì biên lợi nhuận mỏng mà lượng vàng chưa chắc đã tiêu thụ được ngay, nếu giá vàng “quay xe” thì dễ thua lỗ.

“Điều cần làm ngay là sửa Nghị định 24 và chấm dứt độc quyền vàng miếng” – chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Dự kiến ngày 14/5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đấu thầu vàng miếng.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/khong-de-gia-vang-nhay-mua-237586.htm