Khởi kiện Công ty khi không được công nhận là cổ đông

Tôi mua cổ phần của một công ty cổ phần và đã nộp đầy đủ số tiền nhưng công ty lại không làm thủ tục công nhận tôi là cổ đông của công ty, cùng với một vài mâu thuẫn trong công việc.

Tôi có ý định khởi kiện công ty ra tòa, yêu cầu hoàn trả toàn bộ số vốn đã bỏ ra cùng với tiền lãi. Thế nhưng công ty lại không đồng ý trả tiền mà chỉ đồng ý cho tôi sang nhượng cổ phần nếu có người nhận. Xin hỏi luật sư tôi làm như vậy đúng hay sai?

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì Công ty cổ phần phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sổ đăng ký cổ đông có thể là văn bản, tập dữ liệu điện tử hoặc cả hai loại này. Và theo quy định tại Khoản 7 Điều 126 về chuyển nhượng cổ phần thì Người nhận cổ phần chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 121 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.

Ảnh minh họa

Về việc yêu cầu hoàn trả lại số vốn đã bỏ ra phải tùy thuộc vào loại cổ phần mà bạn đã mua. Theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014 thì công ty cổ phần có 4 loại cổ phần bao gồm: Cổ phần ưu đãi biểu quyết; Cổ phần ưu đãi cổ tức; Cổ phần ưu đãi hoàn lại; Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định. Trong đó duy nhất trường hợp mua cổ phần ưu đãi hoàn lại thì cổ đông được quyền yêu cầu công ty hoàn lại số vốn đã góp theo quy định tại Điều 11 như sau:

Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.

Như vậy, chỉ có cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi hoàn lại mới có quyền yêu cầu công ty hoàn lại phần vốn góp theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại. Do đó, nếu không thuộc trường hợp này thì bạn chỉ có thể thực hiện chuyển nhượng cổ phần theo quy định tại Điều 126 Luật Doanh nghiệp. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần.

Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Nếu bạn là cổ đông sáng lập thì trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Ban Bạn đọc

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/ban-doc/hoi-am/khoi-kien-cong-ty-khi-khong-duoc-cong-nhan-la-co-dong-635035.html