Khơi dậy tình yêu quê hương qua chương trình giáo dục địa phương ở Phú Thọ

Việc đưa nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) vào chương trình dạy học cho học sinh phổ thông được các nhà trường tại Phú Thọ hết sức chú trọng.

Giáo viên Trường THCS Tứ Xã giới thiệu truyền thống văn hóa của địa phương trong tiết học GDĐP.

Giáo viên Trường THCS Tứ Xã giới thiệu truyền thống văn hóa của địa phương trong tiết học GDĐP.

Tại Phú Thọ, huyện Lâm Thao là một trong những địa phương chú trọng tích hợp GDĐP vào các môn học, hoạt động giáo dục... Qua đó, trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường của mỗi địa phương.

Bồi dưỡng, vun đắp cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Không chỉ giảng dạy tích hợp trong giờ học, nội dung GDĐP được Trường Tiểu học Vĩnh Lại gắn với trải nghiệm thực tế. Theo thông lệ, mỗi năm học, học sinh các khối lớp được trải nghiệm tại Đền thờ Trạng Nguyên Vũ Duệ và Đền Lời, thăm quan một số mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của địa phương.

Tại mỗi buổi tham quan, trải nghiệm, học trò được tìm hiểu, phổ biến kiến thức về kiến trúc, lịch sử ngôi đền, việc giữ gìn di sản văn hóa; phương thức sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Trường Tiểu học Vĩnh Lại cho học sinh trải nghiệm tại Đền Lời.

Trường Tiểu học Vĩnh Lại cho học sinh trải nghiệm tại Đền Lời.

Để mỗi tiết học GDĐP thêm hấp dẫn, sinh động, những năm gần đây, Trường THCS Tứ Xã tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm thực tế, tìm hiểu di tích lịch sử tại địa phương là Đền Xa Lộc; tham gia lễ hội Trò Trám; tham quan mô hình sản xuất đồ mộc...

Qua những tiết học thực tế này, học sinh nhận thấy, đó không chỉ là niềm vinh dự khi được góp sức hay hiểu về giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử của địa phương, mà còn tự hào vì được sinh ra trên quê hương Tứ Xã.

Lâm Thao là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử, văn hiến và cách mạng phong phú, tiêu biểu, với 121 di tích thuộc các loại hình văn hóa, lịch sử kháng chiến, khảo cổ, tôn giáo tín ngưỡng cùng ba di chỉ khảo cổ là Gò Mun, Sơn Vi, Phùng Nguyên cùng nhiều ngành nghề truyền thống có từ lâu đời...

Vì vậy, việc đưa GDĐP vào giảng dạy trong các trường học là việc làm thiết thực, ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức cho học sinh trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa. Qua đó rèn luyện đạo đức, lối sống, học tập, trở thành công dân tốt.

Ông Tạ Quang Thắng - Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lâm Thao cho biết: Nội dung GDĐP trong Chương trình GDPT 2018 là một nội dung mới, trong quá trình triển khai còn gặp khó khăn nhất định, song các nhà trường trên địa bàn huyện đã linh hoạt, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục năm học phù hợp, tổ chức các chủ đề dạy học trong hoặc ngoài lớp học, đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, dạy học tích hợp liên môn; gắn lý thuyết với thực hành, gắn nội dung giáo dục với thực tiễn, bảo đảm mức độ yêu cầu chung của GDPT.

Long Anh - Đức Hạnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoi-day-tinh-yeu-que-huong-qua-chuong-trinh-giao-duc-dia-phuong-o-phu-tho-post683915.html