Khơi dậy tình yêu quê hương cho học sinh

Giáo dục lịch sử địa phương là một nội dung quan trọng trong chương trình giáo dục bậc tiểu học và trung học. Với lợi thế về di tích, di sản, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã lồng ghép trong các môn: Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân… kết hợp với đi thực tế tại các di tích, tạo nên những buổi học ý nghĩa. Qua đó, bồi dưỡng tình yêu quê hương cho các em học sinh.

Học sinh Trường tiểu học Ðông Thái cùng các cô, bác biểu diễn trống hội trong khuôn viên đền Ðồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ).

Học sinh Trường tiểu học Ðông Thái cùng các cô, bác biểu diễn trống hội trong khuôn viên đền Ðồng Cổ (phường Bưởi, quận Tây Hồ).

Đúng vào dịp Hội thề Trung hiếu tại đền Ðồng Cổ (phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ) được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Tây Hồ tổ chức chuyên đề giáo dục di sản, giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho các em học sinh khối 5, Trường tiểu học Ðông Thái (phường Bưởi, quận Tây Hồ).

Trong không khí tôn nghiêm của ngôi đền, các em học sinh làm lễ dâng hương thần Ðồng Cổ, nghe ông Phạm Hoàng Mưu, Trưởng Tiểu ban di tích thôn Ðông Xã giới thiệu về lịch sử ngôi đền, sự ra đời, ý nghĩa của Hội thề Trung hiếu.

Thần Ðồng Cổ tức là thần Trống Ðồng, một biểu tượng quyền lực của cha ông ta thời xa xưa. Gắn liền với đền Ðồng Cổ là Hội thề Trung hiếu. Hội thề ra đời vào năm 1028, dưới triều vua Lý Thái Tông.

Ban Quản lý di tích đã giới thiệu với các em học sinh một cách dễ hiểu nhất về Hội thề Trung hiếu. Các quan lại trong triều đình phải đọc lời thề: "Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt" với thần Ðồng Cổ. Hiện nay, các triều đại phong kiến không còn, nhưng lời thề xưa vẫn còn ý nghĩa. Ðó là làm con thì phải có hiếu với ông bà, cha mẹ; làm người phải sống ngay thẳng, trung thực; trung với đất nước.

Xưa kia, đền Ðồng Cổ được xếp vào một trong tám cảnh đẹp của Tây Hồ. Các em hiểu rằng, thế hệ hôm nay phải tiếp tục giữ gìn di sản xưa. Sau phần giới thiệu, các em học sinh Trường tiểu học Ðông Thái đã tham gia hoạt động trải nghiệm "Rung chuông vàng"; vẽ tranh, viết cảm xúc về đền Ðồng Cổ và Hội thề Trung hiếu. Ðặc biệt, các em học sinh đã trình diễn màn trống hội ngay trong khuôn viên của ngôi đền.

Thời gian qua, các trường học đã có nhiều biện pháp để nội dung môn Giáo dục lịch sử địa phương trở nên dễ hiểu, hấp dẫn các em học sinh.

Quận Hai Bà Trưng mang tên lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Hán những năm đầu Công nguyên, cho nên các trường học trên địa bàn quận đều có chương trình cho học sinh đến tham quan Cụm di tích đình-đền-chùa Hai Bà Trưng (phường Ðồng Nhân) để học tập, tìm hiểu. Trường tiểu học Trưng Trắc (phường Ðồng Nhân) mỗi năm học, ít nhất có ba dịp tổ chức cho học sinh tham quan thực tế, tìm hiểu tại Cụm di tích đình-đền-chùa Hai Bà Trưng là: Lễ hội kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Ngày Thương binh-Liệt sĩ và dịp đầu năm học mới. Tùy theo độ tuổi, nhà trường xây dựng nội dung khác nhau phù hợp nhận thức, tâm lý của các em.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Trưng Trắc Ðoàn Thị Thúy Giang cho biết, nhà trường xây dựng riêng một kế hoạch học tập lồng ghép, tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về những con phố mang tên danh nhân, trước hết tại phường, sau đó trên địa bàn quận và Thủ đô. Hầu hết con phố trên địa bàn đều được giáo viên lồng ghép vào bài học môn Lịch sử để giảng cho học sinh. Từ chỗ chưa biết, đến khi giáo viên có cơ hội nghiên cứu, giảng bài và học sinh được truyền đạt lại, thì cô, trò đều thấy rất xúc động, tự hào.

Quận Ba Ðình là nơi có nhiều di tích lịch sử quan trọng. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Ba Ðình Lê Ðức Thuận cho biết: "Theo chương trình giáo dục hiện nay, nhà trường khi tổ chức dạy học có thể chủ động tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm tại các di tích, danh lam thắng cảnh để học sinh có cái nhìn thực tế hơn. Ðây là phương pháp dạy học hiệu quả nhất tạo hứng thú cho học sinh với môn Lịch sử".

Năm học 2022-2023, quận Ba Ðình tiếp tục phát động các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử như: Thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu sách quận Ba Ðình chủ đề "Tiếp bước cha anh, làm nghìn việc tốt"; tổ chức chuỗi các hoạt động cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở tham gia như vẽ tranh, tham quan di tích hồ Hữu Tiệp, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Chiến thắng B52... nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng "Hà Nội - Ðiện Biên Phủ trên không".

Trong đó, dịp cuối năm 2022, học sinh nhiều trường đã được tham quan, nghe kể những câu chuyện lịch sử tại hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà), nơi có xác chiếc máy bay B-52 bị bộ đội ta bắn rơi trong chiến thắng Ðiện Biên Phủ trên không tháng 12/1972. Sau khi tham quan hồ Hữu Tiệp, em Ðặng Minh Ðức - lớp 8A3 (Trường THCS Ba Ðình) đã rất xúc động cho biết, em cảm thấy biết ơn những lớp người đi trước đã chiến đấu, hy sinh để có cuộc sống hạnh phúc, bình yên hôm nay.

Mặc dù đã có nhiều sáng tạo trong giảng dạy nội dung môn Giáo dục lịch sử địa phương, song hiện nay, thành phố chưa có tài liệu thống nhất hướng dẫn giáo viên. Bởi vậy, đội ngũ giáo viên mong muốn được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về nội dung Giáo dục lịch sử địa phương, để có thể làm tốt nhất nhiệm vụ ■

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khoi-day-tinh-yeu-que-huong-cho-hoc-sinh-post756828.html