Khoa học - công nghệ: Động lực thúc đẩy tăng trưởng

Cách đây 65 năm, ngày 4/3/1959, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 016/SL về việc thành lập Ủy ban Khoa học nhà nước, tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh dấu sự ra đời, phát triển và đóng góp quan trọng của ngành KH&CN vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, tỉnh Thái Nguyên, Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát việc ứng dụng công nghệ số tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, tỉnh Thái Nguyên, Sở Khoa học và Công nghệ khảo sát việc ứng dụng công nghệ số tại Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG.

Trong hơn 11 năm kể từ khi Luật KH&CN năm 2013 được Quốc hội khóa XIII thông qua (18/5/2013 - 18/5/2024), Ngày KH&CN Việt Nam 18-5 hằng năm trở thành dịp để những nhà quản lý, những người làm khoa học, người say mê sáng tạo cùng nhìn lại một chặng đường đồng hành, sát cánh, từng bước đưa KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực, nền tảng của sự vận động và phát triển đất nước. Đồng thời tôn vinh kịp thời những người làm khoa học cũng như giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi các thành tựu KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Trong những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về KH&CN và các lĩnh vực liên quan. Nhờ đó, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện; trình độ phát triển KH&CN trên một số lĩnh vực của tỉnh đạt mức tiên tiến, hiện đại như công nghệ sinh học, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin; tỷ trọng đóng góp của KH&CN vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng tăng, đội ngũ cán bộ KH&CN của tỉnh không ngừng lớn mạnh cả số lượng và chất lượng.

Năm 2023, tỉnh Thái Nguyên là địa phương đứng thứ 10 cả nước và đứng đầu các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc về kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) do Bộ KH&CN công bố, góp phần duy trì, cải thiện vị trí xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam (đứng thứ 46/132 Quốc gia). Qua đó đã cung cấp "bức tranh" thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH&CN, đổi mới sáng tạo của địa phương. Tỷ trọng tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh luôn cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước: giai đoạn 2016-2020 đạt 51,3% (trung bình cả nước là 45,7%); giai đoạn 2021-2022 là 50,4%. Từ đó cho thấy, khoa học và công nghệ thực sự là động lực quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh thời gian qua.

Công tác quản lý khoa học có nhiều đổi mới quan trọng. Trong giai đoạn 2017-2024, Bộ KH&CN đã phê duyệt hỗ trợ tỉnh thực hiện 15 nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia, UBND tỉnh phê duyệt 1 Đề án khung về bảo tồn nguồn gen và 173 danh mục nhiệm vụ KH&CN. Hội đồng KH&CN cấp tỉnh tiến hành nghiệm thu 108 nhiệm vụ KH&CN, trên 90% kết quả các nhiệm vụ KH&CN được ứng dụng vào sản xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ cùng các chuyên gia trong và ngoài nước tiến hành khảo sát thực tế để chuyển giao công nghệ tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên).

Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ cùng các chuyên gia trong và ngoài nước tiến hành khảo sát thực tế để chuyển giao công nghệ tại Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên).

Công tác quản lý công nghệ, chuyển giao công nghệ được tăng cường và đẩy mạnh. Việc thẩm định, tham gia ý kiến về công nghệ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh cơ bản đi vào nền nếp, đúng theo quy định của pháp luật. Đã tiến hành thẩm định và cho ý kiến công nghệ đối với 176 hồ sơ dự án đầu tư và cấp 6 giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý sở hữu trí tuệ tập trung hỗ trợ để tạo lập, phát triển tài sản trí tuệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2017-2024, đã hướng dẫn hỗ trợ đăng ký, xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 296 nhãn hiệu, 1 kiểu dáng công nghiệp, 7 sáng chế, giải pháp hữu ích.

Đặc biệt, nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ thành công tại 6 nước và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Công tác quản lý an toàn bức xạ hạt nhân được triển khai chặt chẽ, đạt hiệu lực, hiệu quả, góp phần đảm bảo an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh. Quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng được duy trì thực hiện tốt; đã hướng dẫn, tiếp nhận trên 1.000 thủ tục, hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu nhóm 2; tiếp nhận và cấp trên 41 giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, 35 hồ sơ công bố hợp chuẩn và 49 hồ sơ công bố hợp quy cho sản phẩm. Tiếp nhận và chuyển trên 5.000 thông báo về hàng rào kỹ thuật trong thương mại từ các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến các tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở KH&CN đã tham mưu nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Với nhiều kết quả trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, năm 2020, tỉnh Thái Nguyên được Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ - thông tin Việt Nam (VINASA) trao Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác thu hút, hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Năm 2021, tỉnh đạt Giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam lĩnh vực “Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo”.

Đội ngũ trí thức KH&CN của tỉnh có số lượng gấp khoảng 5 lần so với bình quân trung của cả nước (trung bình cả nước đạt khoảng 11-12 người/1 vạn dân), có tỷ lệ và cơ cấu tương đối hợp lý (cán bộ trực tiếp làm công tác nghiên cứu chiếm khoảng 80%; cán bộ làm công tác kỹ thuật, hỗ trợ chiếm khoảng 20%. Chất lượng đội ngũ trí thức KH&CN ngày càng được nâng lên, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chiếm khoảng 65%...

Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc của các cấp, cấp ngành, hoạt động KH&CN của tỉnh đã có nhiều đổi mới và đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Với kết quả đạt được, thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục tham mưu các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo; đổi mới tư duy, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao vai trò quản lý nhà nước và tiềm năng về KH&CN và đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KH&CN. Đặc biệt là tiếp tục tham mưu kịp thời, tích cực thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” trên địa bàn tỉnh…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202405/khoa-hoc-cong-nghedong-luc-thuc-day-tang-truong-e401cc0/