'…Khó vạn lần dân liệu cũng xong'

Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII, Đảng ta xác định một trong 4 nguy cơ đe dọa sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, đó là: Nạn tham nhũng và tệ quan liêu. Chính vì thế, Đảng ta đã xác định: Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều biện pháp răn đe thể hiện sự nghiêm khắc của Đảng, Nhà nước nhưng các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn ra trong nhiều lĩnh vực, dưới nhiều hình thức, nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Để thực hiện hiệu quả hơn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Quy định số 1629-QĐ/TU về việc mua tin và xử lý thông tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn thành phố. Theo đó, các thông tin được mua trực tiếp tại trụ sở Ban Tiếp công dân hoặc Ban Nội chính Thành ủy hay gửi văn bản qua đường bưu điện, hộp thư điện tử. Nội dung bao gồm tố cáo, phản ánh hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong phạm vi thuộc Thành ủy, UBND thành phố quản lý. Mỗi thông tin vụ việc, tổng số tiền người cung cấp thông tin được nhận không quá 10 triệu đồng và được khen thưởng phù hợp.

Ngay sau khi được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, quy định nêu trên đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ. Vì đây được xem là hình thức khuyến khích, động viên kịp thời đối với người cung cấp thông tin có giá trị, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc làm này cũng thể hiện rõ quyết tâm chính trị cao của Thành phố Hồ Chí Minh đối với cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.

Thực tế thời gian qua cho thấy, tham nhũng và tiêu cực ngày càng tinh vi, có thể xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia tích cực và quan trọng của các tầng lớp nhân dân.

Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua đã cho chúng ta nhiều bài học quý. Nếu nhân tố quyết định việc thực hiện thành công mục tiêu đó là sự lãnh đạo trực tiếp, chặt chẽ, toàn diện, thường xuyên của Đảng thì động lực và lực lượng hết sức quan trọng để công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể giành được thắng lợi chính là phải dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Và chính biết dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận nên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đã và đang trở thành phong trào, xu hướng không thể đảo ngược. Đặc biệt, nó đã trở thành công việc chung của mọi người dân chứ không phải riêng các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng thuận vẫn có ý kiến cho rằng, để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt hơn, vững chắc hơn thì giải pháp “mua tin” liệu có tế nhị và hiệu quả, e rằng không cao bằng quy định về “khen thưởng” kịp thời, đúng người, đúng việc và quan trọng hơn là xứng đáng với thông tin được cung cấp. Cụ thể, qua thông tin được cung cấp, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý và thu hồi cho Nhà nước hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ động viên, khích lệ bằng 10 triệu đồng thì chưa phù hợp, khó thỏa đáng. Vẫn biết, trên trái đất này vốn không có đường đi sẵn mà do người ta đi mãi rồi thành đường, nhưng có một điều chắc chắn rằng, cách để đi đến đích thì không phải mọi người đều giống nhau.

Hồ Ngọc

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/151689/kho-van-lan-dan-lieu-cung-xong