Khó đoán định thị trường thép trong năm 2022

Với tình hình chính trị căng thẳng giữa Nga - Ukraine; dịch Covid-19 và những chính sách cấm vận giữa các nước, nhiều kịch bản được đưa ra trước diễn biến khó lường của thị trường thép trong năm 2022.

Nhiều dự đoán

Chính sách "Zero Covid-19" khiến nhu cầu thép của Trung Quốc giảm mạnh trong khi đây lại là thị trường tiêu thụ thép lớn nhất thế giới, khiến tổng cầu trên thế giới suy giảm.

Bên cạnh đó, căng thẳng Nga - Ukraine và những chính sách cấm vận giữa các nước sẽ ảnh hưởng đến giá thành, nguồn cung nguyên liệu trong sản xuất sắt thép, khiến giá than cốc tăng tới 200 USD/tấn.

Theo số liệu thống kê cho thấy, nhập khẩu quặng sắt từ Nga và Ukraine không đáng kể (<6%). Tuy nhiên, Việt Nam nhập khẩu khoảng 17% lượng than luyện cốc từ Nga vào năm 2020 và 15% trong năm 2021.

Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long phát biểu tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên được tổ chức mới đây, ngành thép năm nay đang xấu đi, không còn thuận lợi như những năm trước do nhu cầu giảm trong khi nguồn cung không đổi. Điều này sẽ gây áp lực lên giá thép từ nay đến cuối năm.

"Ngành thép năm nay sẽ khó khăn, không còn thuận lợi như trước. Triển vọng từ nay đến cuối năm, giá thép có thể tiếp tục giảm" - Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long nói với các cổ đông.

Trong năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt 25.000 - 30.000 tỷ đồng, thấp hơn mức 34.521 tỷ đồng của năm ngoái. Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng HRC tới Italy với khối lượng 35.000 tấn từ đầu tháng 2 năm nay. Với Nam Kim, trong năm 2022 công ty dự kiến sẽ tăng thêm 200.000 tấn công suất tẩy mạ nhờ mở rộng nhà máy ở Bình Dương và tái cơ cấu kho hàng.

Lượng bán hàng thép xây dựng trong tháng 4 của Tập đoàn đạt gần 300.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do lượng hàng tồn kho tại các đại lý từ tháng trước đó vẫn còn.

"Mặc dù giá thép đang trong xu hướng đi xuống nhưng chúng tôi sẽ vẫn vận hành hết công suất để tận dụng lợi thế về quy mô. Bên cạnh đó, Hòa Phát sẽ đẩy mạnh việc bán hàng" - ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết.

Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán giá thép có thể sẽ đi xuống, với Tập đoàn Thép Tiến Lên, các dự báo cho thấy giá nguyên, nhiên liệu sản xuất thép sẽ tiếp tục tăng trong năm, dẫn đến giá thép có thể tiếp tục tăng cao.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 sẽ diễn ra thuận lợi khi nhu cầu trong nước khôi phục, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và giá tăng mạnh khiến các nhà sản xuất điều chỉnh giá tăng cao hơn dự kiến.

Cơ hội nào cho thép Việt

Việc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến nguồn cung thép thay đổi khi các hãng sản xuất thép tại Nga đã mất thị phần tại châu Âu và nhiều nước khác do các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.

Các hãng buộc phải chuyển hướng sang thị trường khác, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ... tuy nhiên đây là nơi có sức cạnh tranh rất lớn khi những nước này đều có khả năng sản xuất và xuất khẩu lớn nhất, nhì trên thế giới. Muốn được tiêu thụ lượng thép tồn kho, các hãng Nga buộc phải giảm giá mạnh.

Xuất khẩu thép tới nhiều thị trường đồng nghĩa các DN Việt Nam phải đối mặt với các vụ điều tra phòng vệ thương mại. (Ảnh: vkicl)

Xuất khẩu thép tới nhiều thị trường đồng nghĩa các DN Việt Nam phải đối mặt với các vụ điều tra phòng vệ thương mại. (Ảnh: vkicl)

Với Việt Nam, triển vọng xuất khẩu sang thị phần châu Âu và những thị trường khác có thể đạt được biên lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, còn phải phụ thuộc vào mức tồn kho của người mua, chính sách bảo hộ thương mại đang gia tăng tại nhiều khu vực và quốc gia.

Việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu thép đến nhiều thị trường sẽ tạo nhiều đột phá và tăng lợi nhuận nhưng đồng nghĩa với các DN sẽ phải đổi mặt với các vụ điều tra phòng vệ thương mại (PVTM).

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), bên cạnh EU, Mỹ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của các doanh nghiệp thép của Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản lượng xuất khẩu gia tăng, đồng nghĩa các mặt hàng thép trong nước phải đối diện nhiều hơn những vụ điều tra PVTM từ chính thị trường này.

Đơn cử, ngày 17/5, Cục Phòng vệ thương mại cho biết vừa nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ đã nhận đơn đề nghị xem xét và điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Thời gian tới, để xuất khẩu mặt hàng sắt thép ổn định, bền vững sang thị trường Mỹ, Cục Phòng vệ thương mại sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Đồng thời, khuyến nghị DN xuất khẩu trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo dõi sát thông tin, thường xuyên trao đổi với đối tác nhập khẩu để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị kiện, vận động sớm để cơ quan điều tra không khởi xướng vụ việc.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng với vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép tấm không gỉ Việt Nam đến ngày 6/9. Đây là lần thứ 4 Mỹ thông báo gia hạn thời gian điều tra.

Trước đó, ngày 15/5/2020, DOC đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép tấm không gỉ (dạng đai và dải) của Việt Nam.

Thành Luân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kho-doan-dinh-thi-truong-thep-trong-nam-2022.html