Khảo sát ngành ngân hàng về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp

Chiều ngày 22/9, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh cùng Đoàn công tác có buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp (NHNN-ĐT) và Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh về tình hình triển khai, kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN), khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Đoàn công tác của Hội đồng nhân dân tỉnh làm việc với các đơn vị ngành ngân hàng

Theo NHNN-ĐT, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ngành tỉnh và các địa phương, đặc biệt trong công tác triển khai các chính sách hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn, giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của ngành ngân hàng.

Dư nợ tín dụng giai đoạn 2021 đến nay tiếp tục tăng trưởng; riêng năm 2022, dư nợ tín dụng tăng trưởng 17,35% so với cuối năm 2021 (đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm). Trong 8 tháng đầu năm 2023, tín dụng từng thời điểm có diễn biến khác nhau nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng tương đối 6,78%, cao hơn mức tăng trưởng cả nước 5,56%… Các chính sách hỗ trợ đạt được những kết quả khả quan, góp phần đồng hành, hỗ trợ các DN địa phương từng bước phục hồi, duy trì ổn định và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, NHNN-ĐT cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc như tăng trưởng tín dụng năm 2023 và một số chương trình tín dụng tiến độ, kết quả triển khai chưa được như kỳ vọng; hạn chế trong tiếp cận vốn vay của DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu do các DN, hợp tác xã chưa đáp ứng điều kiện vay vốn ngân hàng như: năng lực quản trị điều hành còn hạn chế, phương án sản xuất kinh doanh chưa khả thi...

Ông Vương Trí Phong – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp báo cáo kết quả hoạt động ngành ngân hàng với Đoàn công tác

NHNN-ĐT kiến nghị, ngoài sự vào cuộc của ngành ngân hàng, cần sự chung tay của các cấp, các ngành để tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh doanh của DN. Đồng thời, các cấp, các ngành, nhất là Hiệp Hội DN cần vận động, tuyên truyền DN phải đảm bảo chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất, kinh doanh, báo cáo dòng tiền, tài chính cần minh bạch hơn…. để các bên gắn bó hợp tác, tháo gỡ nút thắt về tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. NHNN-ĐT kiến nghị sửa đổi cơ chế, chính sách như: bổ sung chính sách tín dụng nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp trong Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Về hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, thời gian qua, nguồn vốn hoạt động của Quỹ được bảo toàn và có tăng trưởng, tuy nhiên kết quả đạt được còn hạn chế, doanh số bảo lãnh tín dụng và cho vay hỗ trợ khởi nghiệp chưa cao. Hướng tới, Quỹ chủ động tiếp cận DN, cá nhân đạt giải trong các cuộc thi khởi nghiệp, sáng tạo hàng năm tìm hiểu nhu cầu vốn của các đối tượng để kịp thời hướng dẫn các hình thức hỗ trợ phù hợp... Tại buổi làm việc, Đoàn công tác và lãnh đạo NHNN-ĐT, các ngân hàng thương mại, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã trao đổi làm rõ thêm các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc.

Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị ngành ngân hàng đánh giá hiệu quả của chính sách

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Kim Tuyến ghi nhận các kết quả hoạt động của ngành ngân hàng và đề nghị đánh giá thêm tình hình DN có nhu cầu vay nhưng không đủ điều kiện được vay; đánh giá các điều kiện thực hiện chính sách có phù hợp chưa và hiệu quả của chính sách; cung cấp thông tin về biện pháp để đơn giản hóa thủ tục ngân hàng. Đối với Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh, cần chắt chiu và chủ động tiếp cận, hỗ trợ DN để có thể cho vay hỗ trợ phát triển DN, khởi nghiệp…

THANH TRÚC

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/khao-sat-nganh-ngan-hang-ve-ket-qua-thuc-hien-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-doanh-nghiep-khoi-nghiep-116954.aspx