Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ ở vùng cao

Mưa lớn nhiều ngày kéo dài, các huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn… xuất hiện hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến đường, gây chia cắt, cô lập nhiều nơi. Đáng nói, trên địa bàn huyện Phước Sơn đã có người mất tích do lũ cuốn trôi.

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường vùng cao của Quảng Nam sạt lở, hư hỏng nặng.

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường vùng cao của Quảng Nam sạt lở, hư hỏng nặng.

Sạt lở xảy ra nhiều nơi

Tại huyện Bắc Trà My, ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, mưa lớn đã làm hàng ngàn khối đất, đá đổ xuống đường, gây ách tắc giao thông cục bộ trên tuyến Đông Trường Sơn, QL40B, QL24C và các tuyến đường liên thôn, liên xã của huyện; bồi lấp 1,5ha ruộng, sập 1 cầu, 2 mố cầu hư hỏng nặng (tại Trà Sơn và Trà Nú), sạt lở 1 công trình kè ta-luy đang thi công và trôi 1 xe máy tại Trà Đông. Trước đó, địa phương cũng đã triển khai nhanh các phương án sơ tán 1.100 hộ với 3.790 khẩu ở khu vực nguy cơ rất cao và nguy cơ cao về sạt lở đất, rà soát tại 22 vị trí có khả năng nước dâng cao gây ngập.

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường vùng cao của Quảng Nam sạt lở, hư hỏng nặng.

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường vùng cao của Quảng Nam sạt lở, hư hỏng nặng.

Trong khi đó, ông Lê Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My) cho hay, mưa lớn đã làm tuyến đường ĐH8 từ ngã ba Trà Đốc về trung tâm xã Trà Bui có đến 10 điểm sạt lở với khối lượng lớn, lưu thông về xã Trà Bui bị ách tắc, hơn 500 hộ dân bị cô lập từ chiều tối 16-11. Hiện bên ngoài chưa thể tiếp cận được nên chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng theo phương châm “bốn tại chỗ” để hỗ trợ người dân. “Do đường độc đạo nên sạt lở khiến người dân không thể lưu thông ra bên ngoài được. Hôm nay, tranh thủ thời tiết tạnh ráo nên xã huy động 3 xe múc để khắc phục thông tuyến. Tuy nhiên, đến chiều nay mới khắc phục được 3 điểm sạt lở; trong khi đó còn 7 điểm sạt lở khác chưa thể khắc phục nên hơn 500 hộ dân của xã vẫn đang bị cô lập”, ông Cường nói.

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường vùng cao của Quảng Nam sạt lở, hư hỏng nặng.

Mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường vùng cao của Quảng Nam sạt lở, hư hỏng nặng.

Trước đó chiều tối 16-11, khu vực xã Trà Ka (huyện Bắc Trà My) mưa lớn bất thường, làm sạt lở đường ĐH4 đoạn qua thôn 1. Hộ bà Nguyễn Thị Lan bị sạt lở sát mép, nhà rất nguy hiểm nên chính quyền đoàn thể đã huy động hỗ trợ sơ tán 3 nhân khẩu của hộ bà Lan cùng tài sản đến nơi an toàn ngay trong đêm. Đồng thời bố trí biển báo, giăng dây có tín hiệu phát quang làm rào chắn khu sạt lở, cảnh báo nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. “Hôm nay thời tiết đã ngớt mưa, do đó địa phương đang huy động các phương tiện cơ giới để khắc phục hậu quả những điểm sạt lở, đảm bảo cho việc đi lại của người dân”, ông Nguyễn Hồng Vương thông tin.

Thiệt hại ban đầu

Tại huyện Nam Trà My, mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều tuyến đường huyết mạch từ huyện về các xã bị sạt lở nặng. Trên tuyến ĐH5 từ trung tâm huyện vào các xã Trà Mai, Trà Vân, Trà Vinh đã xuất hiện 4 điểm sạt lở gây chia cắt giao thông. Tuyến Trà Linh – Măng Lùng xuất hiện 2 điểm sạt lở lớn với hơn 8.000m3 đất đá tràn xuống mặt đường. Tuyến ĐH1 từ Trà Dơn vào Trà Leng cũng xuất hiện 4 điểm sạt sở gây khó khăn cho việc đi lại trong nhân dân.

Chính quyền địa phương huy động phương tiện khắc phục các điểm sạt lở vào xã Trà Bui.

Chính quyền địa phương huy động phương tiện khắc phục các điểm sạt lở vào xã Trà Bui.

Đáng chú ý, khoảng 30 hộ dân tại làng ông Lục (thôn 1, xã Trà Leng) đang bị cô lập do cầu bê-tông đang thi công dang dở, nhưng đơn vị thi công không có phương án lưu thông cho người dân đi lại vào mùa mưa lũ. Để ra vào làng ông Lục, người dân phải băng qua dòng nước lũ bằng những khúc gỗ cũ hoặc nhảy trên các tảng đá lớn, rất nguy hiểm...

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, đợt mưa lớn từ ngày 11-11 tính đến ngày 16-11 đã gây thiệt hại nặng cho địa phương, trong đó chủ yếu là thiệt hại về giao thông. Theo thống kê đến ngày 16-11, toàn huyện đã xuất hiện hơn 15 điểm sạt lở lớn với khối lượng hơn 12.000 m3 đất, đá đổ xuống các trục đường giao thông, hơn 200 mét mặt đường bị xói lở, đứt gãy. Thiệt hại ước tính sơ bộ về giao thông hơn 5 tỷ đồng.

Phương tiện cơ giới được điều động khắc phục sạt lở trên tuyến ĐH5 ở Nam Trà My.

Phương tiện cơ giới được điều động khắc phục sạt lở trên tuyến ĐH5 ở Nam Trà My.

“Nhằm đảm bảo hoạt động lưu thông cho nhân dân, huyện Nam Trà My đã huy động công nhân, máy múc triển khai thông tuyến tạm thời các điểm sạt lở và chờ mưa lũ ngưng tạnh sẽ giải phóng dứt điểm. Riêng những đoạn đường có nguy cơ sạt lở lớn, huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức cắm biển nghiêm cấm người và phương tiện lưu thông để đảm bảo an toàn trước nguy cơ sạt lở đất, đá”, ông Mẫn nói.

Đặc biệt tại huyện Phước Sơn, mưa lũ đã làm 1 người mất tích từ chiều 16-11, đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, thời điểm trên có 3 cặp vợ chồng ở xã Phước Chánh đi làm rẫy về. Khi đến con suối Đắk Xe (đoạn gần nhà máy thủy điện Đắk Mi 3, thuộc xã Phước Kim) thì ba người phụ nữ qua suối trước an toàn; đến khi 3 người đàn ông qua sau thì bất ngờ anh Hồ Văn Kỷ (trú thôn 1, Phước Chánh) bị lũ cuốn trôi, 2 người còn lại thấy vậy hoảng sợ nên quay lại. Sau một ngày ở trong rừng, đến 13 giờ chiều nay, lực lượng cứu hộ của xã đã tiếp cận và đưa 2 nạn nhân qua sông an toàn; riêng anh Hồ Văn Kỷ vẫn còn mất tích.

“Ngoài lực lượng Công an, dân quân của xã thì chiều nay Công ty Cổ phần Thủy điện Đắk Mi cũng đã huy động 1 ca nô cùng 3 cán bộ để phối hợp với địa phương tìm kiếm nạn nhân. Qua nhận định có thể nạn nhân đã bị lũ cuốn trôi xuống khu vực lòng hồ thủy điện Đắk Mi 4. Hiện mức nước lòng hồ rất lớn nên khó khăn cho quá trình tìm kiếm” - ông Hồ Công Điểm thông tin thêm.

TRẦN TÂN

Tìm thấy thi thể đôi vợ chồng nghèo bị lũ cuốn

Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân Hồ Văn Kỷ bị mất tích.

Sau 4 ngày mất tích trong mưa lũ, đến gần trưa 17-11, thi thể vợ chồng anh Hồ Xa Lăng, chị Hồ Thị Viên (đều sinh năm 1985, trú thôn Hồ, xã Hướng Sơn, H. Hướng Hóa, Quảng Trị) đã được lực lượng chức năng lần lượt tìm thấy ở khu vực gần hồ thủy điện Rào Quán, cách hiện trường gặp nạn khoảng 6km. Trước đó, vào chiều tối ngày 13-11, vợ chồng anh Lăng đi rẫy, khi trở về thì nước suối Nguồn Rào (xã Hướng Sơn) dâng cao, sau đó gặp nạn. Như vậy, cả 3 nạn nhân mất tích trong mưa lũ tại Quảng Trị vào đêm 13-11 đều đã được tìm thấy. Ngoài đôi vợ chồng nghèo đồng bào thiểu số trên, còn có nạn nhân Lê Đức Hùng (1987, trú xã Vĩnh Thủy, H.Vĩnh Linh) gặp nạn trong lúc đánh cá ở đập La Ngà (H. Vĩnh Linh).

Đường bị xói lở nghiêm trọng bên suối Đá Ngồi (H.Đakrông, Quảng Trị).

Đến chiều 17-11, Quảng Trị hết mưa nhưng nước lũ rút chậm. Còn hơn 700 hộ dân các khu vực dân cư và các thôn, xóm vùng thấp trũng, vùng ven sông tại các xã Hải Phong, Hải Chánh, Hải Sơn, Hải Trường, Hải Lâm, Hải Định, Hải Ba, Hải Thượng (H. Hải Lăng) vẫn ngập từ 0,2 đến gần 1,0m. Nhiều điểm trường còn ngập nhưng với tinh thần chủ động, nước rút đến đâu, người dân hỗ trợ thầy cô dọn dẹp đến đó để sớm ổn định lại việc dạy và học.

BẢO HÀ

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/khan-truong-khac-phuc-hau-qua-mua-lu-o-vung-cao-post286653.html