Khám phá Lai Châu từ cầu kính cao nhất Việt Nam

Đứng ở độ cao trên 2.000m, phóng tầm mắt ngắm nhìn núi rừng Tây Bắc từ cây cầu kính cao nhất Việt Nam - cầu kính Rồng Mây là một trải nghiệm thực sự ấn tượng với mỗi du khách lần đầu đặt chân đến huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Được mệnh danh là “cổng trời” trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ, khu du lịch Cầu kính Rồng Mây thuộc địa phận xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) chỉ 17km và nằm ngay trên cung đường di chuyển từ thị trấn Sa Pa sang cửa ngõ huyện Tam Đường.

Chính thức đón khách từ tháng 11/2019, cầu kính Rồng Mây là điểm đến được nhiều du khách "mách nhau" trải nghiệm khi đến với Lai Châu. Chính bởi thế, ngay từ những ngày đầu mới đưa vào hoạt động cầu kính Rồng Mây đã đón hàng nghìn lượt du khách khắp nơi tìm về.

Điểm nhấn trong khu du lịch Cầu kính Rồng Mây là hệ thống thang máy ngoài trời và cây cầu kính Rồng Mây vươn mình từ vách núi. Thang máy sẽ đưa du khách lên vị trí của cầu kính cao 2.330m so với mực nước biển, mặt cầu cách vách núi 60m tạo cảm giác như lơ lửng giữa không trung. Đây cũng là hai sản phẩm du lịch du lịch đặc biệt, đóng vai trò quan trọng nhất trong quần thể Khu du lịch Cầu kính Rồng Mây.

Để lên tới cầu kính Rồng Mây, du khách đi qua lối đi xuyên vào lòng núi, sau đó lên hệ thống thang máy dài 70m cheo leo giữa không trung. Buồng thang máy được thiết kế với 3 bề mặt kính trong suốt hướng ra ngoài, đưa du khách xuyên qua các tầng mây và chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ đẹp đến nao lòng của vùng đất Tây Bắc.

Thang máy cũng là con đường nhanh nhất đưa du khách lên vị trí của cầu kính, ước tính chỉ mất 1,5 phút để lên đỉnh núi thay vì phải đi đường bộ ít nhất mất 3 tiếng đồng hồ.

Bước chân ra khỏi buồng thang máy, du khách sẽ bắt gặp hệ thống Cầu kính vươn ra khỏi vách núi 60m. Từ vị trí này, có thể cảm nhận trọn vẹn hình ảnh đặc trưng của Lai Châu với những con đường đèo uốn lượn, ruộng bậc thang, núi rừng trùng điệp cùng “xương sống” là dải núi Hoàng Liên Sơn - nóc nhà Đông Nam Á.

Nhiều du khách lần đầu khám phá cầu kính Rồng Mây thực sự phấn khích và ấn tượng khi chứng kiến độ sâu hun hút bên dưới qua lớp kính trong suốt...

Cây cầu có lối đi rộng khoảng 5m với độ dài 60m tính từ buồng thang máy vào vách núi đá sa thạch dãy Hoàng Liên Sơn và dài 600m bám ven vách núi, có hành lang vây 4 phía, trong đó 3 hành lang bằng kính vươn ra xa.

Toàn bộ sàn kính được lắp ghép bởi 3 lớp kính dày, mỗi lớp 2cm dán với nhau bằng lớp keo đặc biệt, tổng chiều dày mặt kính là 7cm. Cầu kính có thể chịu được sức nặng của 3.000 người cùng lúc nhưng để đảm bảo an toàn, công trình chỉ cho phép tối đa 500 người được lên cầu đồng thời.

Đứng trên cầu kính phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy một cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục hiện ra trước mắt...

Nhiều du khách không quên lưu lại khoảnh khắc lơ lửng ở độ cao trên 2.000m của cầu kính Rồng Mây, hòa mình giữa biển mây bồng bềnh, núi rừng trùng điệp, khí hậu mát mẻ... vốn rất đặc trưng của vùng đất Tây Bắc.

Điểm ấn tượng nhất là đứng từ trên cầu có thể ngắm trọn vẹn cảnh quan kỳ vỹ của dãy Hoàng Liên Sơn.

Ngoài trải nghiệm khám phá cầu kính, du khách còn có thể thử thách bản thân với nhiều trò chơi mạo hiểm trong quần thể khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng Mây như xích đu tử thần, giường vô cực, Zipline...

Hay có thêm những trải nghiệm thú vị khi đi cầu độc mộc...

Du khách phấn khích "vượt qua chính mình" với hành trình đạp xe lơ lửng giữa không trung.

Tọa lạc ngay cửa ngõ huyện Tam Đường, cầu kính Rồng Mây cũng là điểm đến đầu tiên trên cung đường khám phá, trải nghiệm nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác của tỉnh Lai Châu như: đèo Ô Quy Hồ - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, đỉnh Putaleng, động Tiên Sơn, động Pu Sam Cáp, đồi chè Tân Uyên, các điểm du lịch cộng đồng giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Lào, Lự…

Theo dangcongsan.vn

dangcongsan.vn Xem link nguồn

Link bài gốc Copy link

https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/kham-pha-lai-chau-tu-cau-kinh-cao-nhat-viet-nam-664691.html

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/kham-pha-lai-chau-tu-cau-kinh-cao-nhat-viet-nam-post63376.html