Khách xa được thế

Trở lại sau 5 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du châu Âu lần này trên thế thượng phong

Cho tới nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần công du châu Âu. Tuy nhiên, tình hình chính trị thế giới đối với chuyến đi sắp tới (từ ngày 5 đến 10-5) của ông Tập đến Pháp, Serbia và Hungary lại đặc biệt hơn cả.

Sau 5 năm, ông Tập Cận Bình mới lại tới châu Âu. Trong giai đoạn ấy, không chỉ có chuyện đại dịch COVID-19 hoành hành thế giới mà còn có cuộc xung khắc thương mại quyết liệt giữa Trung Quốc với Mỹ và với Liên minh châu Âu (EU), cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cuộc xung đột giữa nhóm vũ trang Hamas và Israel ở Dải Gaza.

Cũng trong khoảng thời gian 5 năm này, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga phát triển tới mức tốt đẹp chưa từng thấy.

Chỉ thế thôi cũng đủ thấy ông Tập Cận Bình công du châu Âu lần này trong thế thượng phong. Điều Mỹ, EU, NATO và các nước phương Tây khác lo ngại sâu sắc là Trung Quốc hậu thuẫn Nga về quân sự để Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Một nỗi lo khác là Trung Quốc giúp Nga vô hiệu hóa hoặc ít nhất là giảm thiểu tác động của các đòn trừng phạt lên Moscow.

Mỹ và EU cạnh tranh chiến lược quyết liệt với Trung Quốc trên mọi phương diện nhưng lại cần Bắc Kinh hơn bất cứ lúc nào để ngăn Nga giành phần thắng cuối cùng trong cuộc xung đột với Ukraine. Ngoài ra, Mỹ và EU còn bị bất lợi lớn khi nội bộ EU và NATO không hoàn toàn đồng thuận về quan điểm và hành động liên quan đến Trung Quốc, Nga và Ukraine.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Bắc Kinh cuối năm 2023 Ảnh: TÂN HOA XÃ

Serbia không phải là thành viên của EU và NATO, lại có mối quan hệ hợp tác tốt, gần như được coi là truyền thống với cả Nga và Trung Quốc.

Trong khi đó, quan hệ của Serbia với Mỹ, NATO và EU rất trắc trở. Pháp và Hungary đều chung ít mà riêng nhiều trong cả EU lẫn NATO. T

hủ tướng Hungary Viktor Orban không đối kháng Nga như đa số thành viên khác của EU và NATO. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron theo đuổi tham vọng gây dựng cho nước Pháp vai trò dẫn dắt EU và làm cho EU tự chủ, độc lập hơn và bớt lệ thuộc hơn vào Mỹ.

Ông Macron còn là một trong số chính khách ở châu Âu đối địch Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết liệt nhất. Cho nên nhà lãnh đạo này càng phải coi trọng Trung Quốc và tranh thủ cá nhân ông Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình không tới thăm EU mà chỉ đến 2 thành viên thuộc diện cá biệt trong EU và NATO cũng như thăm Serbia, vốn là đối tác không dễ chịu đối với 2 khối này. Qua đó có thể thấy được chủ ý của phía Trung Quốc là thể hiện rõ thái độ "bên trọng, bên khinh" ở châu Âu.

Ông Macron vớt vát được phần nào cho EU khi mời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sang Pháp để cùng gặp ông Tập Cận Bình - y hệt lần ông Macron tới thăm Trung Quốc hồi năm ngoái.

Pháp và EU đều là những đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của Trung Quốc. Nhưng ngay trước khi ông Tập Cận Bình tới châu Âu, Mỹ và EU tiếp tục nhằm vào các doanh nghiệp của Trung Quốc trên thị trường Mỹ và EU.

Do đó, ông Tập Cận Bình sẽ tranh thủ Pháp, Hungary và Serbia nhưng không nhượng bộ cơ bản gì cho Mỹ và EU trong xung khắc thương mại song phương và trong chuyện hậu thuẫn Nga. Khách xa càng được thế thì sẽ càng tận dụng để gia tăng lợi thế hiện có.

NGẢI SA

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khach-xa-duoc-the-196240504201900745.htm