Khá lên nhờ cây ca cao và bưởi da xanh

Kinh tế gia đình ông Hồ Văn Lâu (ngụ ấp Bình, xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) ngày càng khá lên nhờ trồng cây ca cao. Với diện tích 8.000 m2 đất của gia đình, những năm trước, ông Lâu trồng lúa, nhãn, táo, dừa, cây màu… Sau đó, khi tỉnh Tiền Giang triển khai Dự án Trồng cây ca cao, ông Lâu mạnh dạn đầu tư trồng loại cây này duới tán dừa.

Theo ông Lâu, nhờ có Dự án Trồng cây ca cao do tỉnh triển khai, mà ông thường xuyên được tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ bệnh gây hại trên cây ca cao và học kỹ thuật ủ men hạt ca cao. Tuy nhiên, có thời điểm, đầu ra trái ca cao rất bấp bênh, người trồng ca cao khi thu hoạch phải chở đi bán khắp nơi, mà giá lại không cao. Chính vì vậy, không ít hộ trồng ca cao bỏ cuộc, một số chuyển đổi giống cây trồng khác; riêng ông Lâu vẫn duy trì vườn ca cao của mình.

Ông Lâu phơi hạt ca cao.

Năm 2020, UBND xã Dưỡng Điềm thành lập Tổ hợp tác cây ca cao và ông Lâu được bầu làm Tổ trưởng. Thời điểm này, ca cao do nông dân ở xã Dưỡng Điềm cũng như một số vùng lân cận trồng được Công ty TNHH Sô cô la Marou (TP. Hồ Chí Minh) thu mua và vận động nông dân trồng mới, tiếp tục nhân rộng. Công ty còn cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách trồng, chăm sóc dinh dưỡng cây ca cao và bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Ông Lâu cho biết, hiện nay toàn xã Dưỡng Điềm và khu vực chung quanh có khoảng 30 ha trồng cây ca cao. Riêng vườn ca cao của ông Lâu với giá bán 6.500 đồng/kg, hằng năm thu về trên duới 100 triệu đồng, cộng với hằng tháng bán dừa trái uống nước trên 12 triệu đồng, đã giúp kinh tế gia đình ông ngày càng khá lên. Ngoài ra, ông Lâu còn thu mua ca cao tươi về tách hạt để ủ lên men bán cho Công ty TNHH Sô cô la Marou, mỗi năm từ 10 đến 11 tấn hạt ca cao lên men, với giá hạt khô bình quân 100.000 đồng/kg. Ước tính tổng thu nhập hằng năm của gia đình ông Lâu khoảng 1,283 tỷ đồng.

Nói về ông Lâu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Dưỡng Điềm Lê Thanh Hoàng cho biết, ông Lâu là hội viên nông dân của Hội. Dù hiện tuổi cao nhưng ông Lâu vẫn siêng năng lao động, gầy dựng và phát triển kinh tế gia đình khá giàu từ cây ca cao. Ngoài việc làm giàu cho bản thân, ông còn quan tâm hỗ trợ kinh nghiệm cho nguời trồng ca cao đạt hiệu quả về năng suất và chất lượng, nâng cao thu nhập, góp phần vào công tác xóa khó, giảm nghèo tại địa phương. Đặc biệt, ông Lâu còn là hội viên nông dân của xã Dưỡng Điềm đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp tỉnh nhiều năm liền.

Còn với trường hợp anh Nguyễn Minh Thương (sinh năm 1986, ở ấp Long Hòa B, xã Long Định, huyện Châu Thành) thì nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống nhờ trồng bưởi da xanh, với diện tích 4.500 m2. Sau 7 năm đầu tư canh tác, đến nay, vườn bưởi của anh Thương phát triển tươi tốt, cho năng suất và sản lượng cao.

Anh Thương đang chăm sóc vườn bưởi.

Theo tính toán của anh Thương, mỗi tháng vườn bưởi của anh cho thu hoạch trên dưới 300 kg trái, với giá trung bình 25.000 đồng/kg, có lúc tăng cao 35.000 đồng/kg, đã mang về cho gia đình anh khoản thu nhập trung bình 9 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh trồng bưởi, anh Thương còn đầu tư nuôi bò, giúp tăng tổng nguồn thu mỗi năm cho gia đình anh hơn 150 triệu đồng.

ANH TUẤN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202310/kha-len-nho-cay-ca-cao-va-buoi-da-xanh-993024/