KH-CN: Tạo tác động lan tỏa từ Đề án 844 đến các địa phương

Theo Bộ KH-CN, việc xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 dựa trên một số nguyên tắc, trong đó có tăng cường công khai, minh bạch và tạo tác động lan tỏa từ Đề án 844 đến các địa phương.

Bộ KH-CN đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2018/TT-BKHCN ngày 12.4.2018 của Bộ trưởng Bộ KH-CN quy định tổ chức quản lý đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) và đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân cho dự thảo này.

Theo Bộ KH-CN, Quyết định số 188/QĐ-TTg đề ra một số giải pháp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong giai đoạn mới.

Cụ thể, phát triển mô hình khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST ở quy mô địa phương, vùng, quốc gia; hình thành mạng lưới khởi nghiệp ĐMST quốc gia, phát huy vai trò hạt nhân của các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khởi nghiệp ĐMST trong các lĩnh vực công nghệ...

Sẽ thống nhất quản lý các nhiệm vụ triển khai Đề án 844 để phù hợp với những quy định hiện hành - Ảnh: Internet

Để đảm bảo việc triển khai đồng bộ và hiệu quả Đề án 844 trong giai đoạn 5 năm tiếp theo, Bộ KH-CN nhận thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan trong Thông tư 01/2018/TT-BKHCN cho phù hợp với quy định tại Quyết định 188/QĐ-TTg nói trên.

Theo phân tích từ Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN, trong thực tiễn, việc triển khai Thông tư 01 cũng phát sinh một số vấn đề bất cập trong thẩm quyền và quy trình quản lý các nhiệm vụ thuộc Đề án 844.

Việc xây dựng nội dung sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 dựa trên một số nguyên tắc. Thứ nhất, làm rõ hơn vai trò, trách nhiệm các đơn vị trong hệ thống quản lý nhiệm vụ của Đề án 844.

Thứ hai, đảm bảo các nhiệm vụ được triển khai đúng định hướng, có hướng dẫn, giám sát thường xuyên và đánh giá tác động một cách khách quan bởi mạng lưới chuyên gia độc lập.

Thứ ba, thúc đẩy ứng dụng nền tảng trực tuyến trong tiếp nhận, thẩm định, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Thứ tư, tăng cường công khai, minh bạch và tạo tác động lan tỏa từ Đề án 844 đến các địa phương; tăng cường hợp tác với khu vực tư nhân và đối tác ở phạm vi quốc tế.

Trong dự thảo thông tư nêu rõ Thông tư 01 chưa có quy định về đơn vị quản lý kinh phí theo hình thức giao trực tiếp đối với các nhiệm vụ KH-CN. Do đó, dự thảo thông tư đã bổ sung quy định về vấn đề này.

Cụ thể, đối với các nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, sẽ điều chỉnh phân công tổ chức quản lý nhiệm vụ giữa đơn vị quản lý kinh phí và đơn vị quản lý chuyên môn để thống nhất với các thông tư hiện hành.

Đối với các nhiệm vụ giao trực tiếp, sẽ điều chỉnh vai trò, trách nhiệm của Vụ Kế hoạch - Tài chính. Vụ này không tham gia quản lý kinh phí, chỉ là thành viên các hội đồng đánh giá thuyết minh, thẩm định kinh phí và hội đồng nghiệm thu các nhiệm vụ.

Ngoài ra, dự thảo thông tư sẽ sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm thống nhất quản lý các nhiệm vụ triển khai Đề án 844 để phù hợp với các quy định hiện hành quản lý nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, thông qua việc điều chỉnh việc phân công nội bộ các đơn vị trực thuộc bộ, không phát sinh thủ tục hành chính mới.

Cùng với đó, dự thảo thông tư cũng điều chỉnh các từ ngữ quy định các đơn vị trực thuộc bộ cho phù hợp với bối cảnh trong thời gian tới, một số tổ chức trực thuộc bộ sẽ có sự thay đổi…

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/kh-cn-tao-tac-dong-lan-toa-tu-de-an-844-den-cac-dia-phuong-216943.html