Kêu gọi mạnh mẽ các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới

Ngày Môi trường thế giới năm nay Chương trình Môi trường Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu...

Với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa" (Land restoration, desertification and drought resilience), Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6 năm 2024 (do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP phát động) kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Hưởng ứng chủ đề Ngày Môi trường thế giới năm 2024, ngày 9/5/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 2964/BTNMT-TTTT gửi các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (05/06), Tháng hành động vì môi trường năm 2024.

Poster Ngày môi trường thế giới năm 2024 (Ngày 05/06/2024)

Poster Ngày môi trường thế giới năm 2024 (Ngày 05/06/2024)

Nhằm triển khai hiệu quả, lan tỏa và kêu gọi mạnh mẽ các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05 tháng 6, Tháng hành động vì môi trường năm 2024, trong toàn Ngành, thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ, ngày 14/5/2024 Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) phát hành công văn 779/ATMT-BVMT đề nghị các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng theo hướng dẫn tại Công văn số 2964/BTNMT-TTTT đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về Cục ATMT.

Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa cho biết hiện có tới 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 nghìn tỷ USD). Tần suất và thời gian hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000, nếu không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 3/4 dân số thế giới vào năm 2050. Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN NGÀY MÔI TRƯỜNG THẾ GIỚI NĂM 2024
1. Hãy chủ động ứng phó, tăng cường khả năng thích ứng với hạn hán.
2. Mỗi người đều có thể góp phần phục hồi đất bị suy thoái.
3. Cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
4. Cùng liên kết chống lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn sự phá hủy hệ sinh thái toàn cầu.
5. Hành tinh của chúng ta, trách nhiệm của chúng ta! Hãy hành động ngay bây giờ cho một tương lai bền vững.
6. Ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Công văn số 2964/BTNMT-TTTT Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động:

Tiếp tục triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về tăng cường các hoạt động quản lý chất lượng môi trường đất; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về việc Ban hành Chương trình hành động tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình Quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng;

Bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; Chỉ thị số 13/CT- TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon nhằm thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định;

Xây dựng cơ chế chính sách, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở nghiên cứu phòng chống sa mạc hóa; điều tra đánh giá thực trạng hoang mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp; tổ chức các hoạt động chuyển giao công nghệ và những kết quả về hợp tác quốc tế, hợp tác khu vực, trong đó có sáng kiến về giảm phát thải thông qua các nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, sáng kiến về chi trả dịch vụ môi trường rừng...

Phan Vi

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/keu-goi-manh-me-cac-hoat-dong-huong-ung-ngay-moi-truong-the-gioi-121273.htm