Kết quả ban đầu của mô hình trả lương bằng nhân dân tệ điện tử ở Trung Quốc

Cuối tháng là kỳ nhận lương của cô Sammy Lin. Nhưng lương của nữ quản lý bộ phận tại chi nhánh của một nhân hàng nhà nước Trung Quốc này không phải là khoản tiền chuyển về tài khoản như bao người khác, mà nó là tiền kỹ thuật số trong ứng dụng có tên 'e-CNY'.

Ứng dụng e-CNY. Ảnh: Getty Images

Từ ứng dụng này, tiền có thể chuyển vào tài khoản ngân hàng của Lin. Tiếp đó, cô lựa chọn rút tiền mặt.

Lin là một trong những nhóm người lao động đầu tiên được trả lương hoàn toàn bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, trong bối cảnh Trung Quốc cố gắng phổ biến loại tiền này thông qua chương trình thí điểm với công chức, viên chức của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước.

Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số tại một số thành phố được lựa chọn từ năm 2019, để chuẩn bị cho việc triển khai trên toàn quốc. Một năm trước, thành phố cấp huyện Thường Thục thuộc Tô Châu (tỉnh Giang Tô) đã đi tiên phong trả lương cho tất cả người lao động trong lĩnh vực công bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.

Nhưng giống như hầu hết những người khác trong nhóm tiên phong này, Lin không thực sự sử dụng trực tiếp tiền kỹ thuật số. Lý do là hạn chế về tính năng, lo ngại về quyền riêng tư… Cô chia sẻ: “Tôi không muốn giữ tiền trong ứng dụng e-CNY vì chẳng có lãi. Cũng không có nhiều địa điểm, cả trực tuyến hoặc ngoại tuyến để tôi có thể sử dụng nhân dân tệ điện tử”.

Đặc biệt, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), vấn đề về quyền riêng tư khiến nhiều người không muốn chấp nhận loại tiền mới. Cựu Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang đã đánh giá quyền riêng tư là “thách thức lớn nhất của kỷ nguyên tài chính kỹ thuật số”.

Không giống như tiền giấy, tất cả các giao dịch bằng e-CNY về mặt lý thuyết đều có thể truy xuất trong sổ cái kỹ thuật số. Đồng tiền này kết hợp một số yếu tố của công nghệ chuỗi khối (blockchain) khiến nhiều người gọi nó là vũ khí chống tham nhũng.

Nhà nghiên cứu Ye Dongyan tại Trường Kinh doanh Cheung Kong ở Bắc Kinh, đánh giá nhu cầu cân bằng giữa quyền riêng tư và bảo mật đã cản trở tiến trình thúc đẩy đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Ông nói: “Tiền giấy được sử dụng ẩn danh, nhưng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số lại khác. Ranh giới giữa theo dõi thông tin và bảo vệ an ninh thông tin cần được cân nhắc kỹ hơn”.

Trước lo ngại này, trong một diễn đàn tổ chức vào tháng 3 ở Bắc Kinh, ông Yi Gang nhận định rằng tiền kỹ thuật số của Trung Quốc có thể bảo vệ hoàn toàn quyền riêng tư thông qua “ẩn danh có thể kiểm soát”, nghĩa là không có dấu vết kỹ thuật số của các giao dịch nhỏ và có khả năng truy xuất nguồn gốc các giao dịch lớn.

Bên cạnh đó, ông Mu Changchun, Giám đốc Viện Nghiên cứu tiền kỹ thuật số thuộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết, người dùng chỉ cần số điện thoại di động để sở hữu ví kỹ thuật số cho các giao dịch giá trị nhỏ. Các đơn vị viễn thông không được công bố danh tính liên quan đến số điện thoại này cho bên thứ ba, dựa trên luật và quy định hiện hành.

Nhưng các giao dịch có giá trị chỉ có thể được thực hiện trong các ví điện tử đã được định danh, để có thể theo dõi. Ông Mu Changchun cho biết điều này nhằm ngăn chặn các hành vi tội phạm như rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Albert Wang, một công chức tại Tô Châu, được trả một phần lương bằng nhân dân tệ kỹ thuật số. Anh chia sẻ bản thân không bận tâm đến việc trả lương này bởi đây chỉ là một phần nhỏ, khoảng vài nghìn nhân dân tệ mỗi tháng. Vợ Albert Wang, cũng là một công chức trong thành phố, được trả lương hoàn toàn bằng nhân dân tệ kỹ thuật số và cô cũng xử lý số tiền này giống như Lin. Albert Wang kể: “Cô ấy rút tiền mặt vì không thể gửi tiết kiệm trực tuyến hoặc mua các sản phẩm tài chính bằng ví e-CNY”.

Bên cạnh đó, anh nhận xét: “Nhược điểm là rõ ràng bởi nhân dân tệ kỹ thuật số không được chấp nhận ở tất cả các cửa hàng và chỉ đóng vai trò như một công cụ thanh toán”. Anh đánh giá điều này khiến đồng tiền này chưa thể cạnh tranh với Alipay và WeChat Pay.

Trung Quốc đã trở thành một xã hội không dùng tiền mặt trong khoảng một thập niên nhờ sự phổ biến của điện thoại thông minh và các công cụ thanh toán trực tuyến tư nhân như Alipay và WeChat Pay đã “hòa nhập” vào cuộc sống hàng ngày. Nhưng những nền tảng đó không nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ.

Đến nay, Trung Quốc vẫn chưa công bố mốc thời gian cụ thể ra mắt nhân dân tệ kỹ thuật số trên toàn quốc, nhưng đã chủ động quảng bá loại tiền này kể từ giai đoạn đầu thử nghiệm.

Trong báo cáo thường niên công bố năm 2023, Ngân hàng Công thương Trung Quốc xác nhận có hơn 15 triệu ví e-CNY cá nhân mới được mở và hơn 1,3 triệu ví do các tổ chức kinh doanh mở. Có trên 2,7 triệu cửa hàng bổ sung vào danh sách những nơi chấp nhận e-CNY. Việc sử dụng loại tiền này đã được mở rộng sang một số dịch vụ công, bao gồm đóng thuế và an sinh xã hội.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo SCMP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ket-qua-ban-dau-cua-mo-hinh-tra-luong-bang-nhan-dan-te-dien-tu-o-trung-quoc-20240513155433189.htm