Kết hợp thuốc uống và bôi trị mụn cơm

Mụn cơm là một bệnh gây ra các tổn thương da và niêm mạc, do một loại virus thuộc nhóm Human Papilloma Virus (H.P.V) gây nên.

Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em, trẻ vị thành niên và những người bị suy giảm hệ miễn dịch. Đông y gọi mụn cơm là thiên nhật sang.

1. Đặc điểm của mụn cơm

Mụn cơm (mụn cóc, hạt cơm) là những nốt sần nhỏ lành tính, mềm, có màu da, màu trắng, hồng hoặc nâu, sờ có cảm giác thô ráp, không đau. Mụn cơm có thể xuất hiện đơn độc hoặc thành đám, thường có một hoặc nhiều chấm nhỏ li ti màu đen đôi khi được gọi là hạt mụn cơm.

Mụn cơm do một loại virus thuộc nhóm Human Papilloma Virus (H.P.V) gây nên.

Trong y học mụn cơm được chia thành hai loại:

- Mụn cơm có màu xám hoặc nâu, đỏ, đen, đỉnh thường phình to như nhụy hoa, mặt sần sùi, có hạt lấm tấm như quả dâu tằm... Y học hiện đại gọi là "mụn cơm thông thường".

- Mụn cơm có hình tròn bầu dục (hoặc đa giác) mặt trơn nhẵn, ranh giới rõ ràng, màu như da bình thường hoặc nâu nhạt. Không có cảm giác gì khác thường hoặc chỉ hơi ngứa… gọi là "mụn cơm phẳng" hay phát ra ở mặt, cổ, ngực, mu bàn tay, cánh tay ...

2. Một số bài thuốc trị mụn cơm

Thuốc uống trong

Bài 1: Tam thất sống tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 2g, chiêu thuốc bằng nước ấm.

Bài 2: Hạt ý dĩ 500g, nghiền mịn trộn đều với 500g đường kính trắng. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa cafe.

Bột tam thất.

Thuốc bôi ngoài

Cách 1: Gừng tươi, rửa sạch ngâm trong giấm ăn một ngày đêm, sau đó giã nát lấy nước cốt bôi lên những chỗ bị bệnh. Ngày bôi nhiều lần.

Cách 2: Hạt nha đạm tử, giã nát, dùng bông thấm chất dầu bôi lên chỗ bị bệnh. Ngày bôi 3 lần.

3. Lưu ý trong điều trị mụn cơm

- Thông thường có thể điều trị 1 bài thuốc uống trong kết hợp với một bài thuốc bôi ngoài. Rửa sạch tay sau khi bôi thuốc điều trị mụn cơm.

- Cần thực hiện một cách kiên trì, đều đặn.

Tuy nhiên, việc áp dụng những bài thuốc trên chỉ phù hợp với những mụn cơm ở vị trí dễ xử lý và được phát hiện sớm.

Không nặn hoặc gãi mụn. Những trường hợp da xung quanh mụn cơm bị trầy và chảy máu, đau, ngứa hoặc rát; mụn cơm ở vị trí nhạy cảm... người bệnh không nên tự điều trị mà nên đến các bệnh viện chuyên khoa da liễu để điều trị một cách khoa học, tránh xảy ra những biến chứng đáng tiếc.

Mời bạn xem thêm video:

Những lý do khiến mụn lưng tiến triển dai dẳng và cách khắc phục - SKĐS

Lương y Đỗ Văn Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ket-hop-thuoc-uong-va-boi-tri-mun-com-169240417222821489.htm