Italy đánh giá cao Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Lợi ích của ASEAN giao thoa với lợi ích của nhiều quốc gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ASEAN muốn khám phá các cơ hội từ những lợi ích chung này.

Phó Tổng thư ký ASEAN Michael Tene trình bày bài giảng “ASEAN và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tại Đại học LUISS Guido Carli và Đại học Turin. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Phó Tổng thư ký ASEAN Michael Tene trình bày bài giảng “ASEAN và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tại Đại học LUISS Guido Carli và Đại học Turin. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phụ trách Cộng đồng Chính trị-An ninh, ông Michael Tene đang có chuyến thăm Italy theo lời mời của Ủy ban ASEAN tại Rome (ACR).

Điểm nhấn trong chuyến thăm của ông Tene là các buổi diễn thuyết “ASEAN và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tại Đại học LUISS Guido Carli và Đại học Turin, trong đó nêu bật tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) nhằm củng cố cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, thu hút được sự quan tâm lớn, với sự tham gia đông đảo của giới quan chức, học giả và sinh viên.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó Tổng thư ký ASEAN Michael Tene nói: “Ủy ban ASEAN tại Rome đã thu xếp chương trình làm việc thiết thực, giúp tôi có cơ hội giới thiệu về ASEAN cho các đối tác và công chúng nói chung tại Italy, đây cũng là cơ hội để ASEAN thảo luận với nhiều đối tác tại Italy về cách thức ASEAN có thể tăng cường quan hệ và khám phá các cơ hội hợp tác với Italy, một Đối tác Phát triển hết sức quan trọng của Hiệp hội.”

Trong các bài diễn thuyết, Phó Tổng thư ký ASEAN cho biết tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là khuôn khổ về cách thức ASEAN can dự với các đối tác bên ngoài tại Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, như một khu vực toàn diện và thống nhất; nhấn mạnh cách tiếp cận hợp tác thay vì đối đầu cùng với việc phổ biến các nguyên tắc và quy chuẩn hành vi của ASEAN, hướng đến khu vực phát triển và thịnh vượng cho tất cả các nước.

Từ góc độ địa lý, rõ ràng ASEAN nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nằm trong số những khu vực năng động nhất thế giới, với hầu hết các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

 Phó Giáo sư quan hệ quốc tế, chuyên nghiên cứu châu Á thuộc Đại học LUISS Guido Carli, bà Silvia Menegazzi phát biểu tại bài giảng của phó TTK SEAN Michael Tene. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Phó Giáo sư quan hệ quốc tế, chuyên nghiên cứu châu Á thuộc Đại học LUISS Guido Carli, bà Silvia Menegazzi phát biểu tại bài giảng của phó TTK SEAN Michael Tene. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Tầm nhìn của ASEAN chủ yếu nhằm đảm bảo lợi ích của ASEAN. Tuy nhiên, lợi ích này giao thoa với lợi ích của nhiều quốc gia khác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ASEAN muốn khám phá các cơ hội từ những lợi ích chung này.

Ông cũng nêu một số lĩnh vực ưu tiên trong Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như hợp tác hàng hải, kết nối, việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững Liên hợp quốc (SDG) 2030…

Phó Tổng thư ký ASEAN cũng nhấn mạnh rằng trong Tầm nhìn Cộng đồng 2025, ASEAN đặt mục tiêu trở thành khu vực hướng ngoại trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, đồng thời duy trì vai trò trung tâm của ASEAN.

Hiện tại, ASEAN đang phát triển Tầm nhìn sau năm 2025 nhằm tiếp tục phát huy những lợi ích và thành công của các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN.

ASEAN cũng mong muốn tăng cường hơn nữa vai trò của mình quan hệ đối ngoại nhằm ghi nhận sự đóng góp quan trọng của các đối tác bên ngoài trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Về phần mình, bà Alessandra Schiavo, Phó Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Italy, hoan nghênh và đánh giá cao việc Ủy ban ASEAN tại Rome và Đại học LUISS tổ chức hoạt động có ý nghĩa này.

Bà cho rằng mặc dù có mô hình hoạt động và mức độ thể chế khác nhau, cả ASEAN và Liên minh châu Âu (EU) đều có điểm chung khi được hình thành khi các nước nhận thấy lơi ích hợp tác về kinh tế vượt qua xung đột và đối đầu.

Quan điểm chung này là cơ sở quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác với nhau. Bà đánh giá cao năng lực và vai trò của ASEAN với hơn 5 thập kỷ tồn tại, cho rằng Hiệp hội đã thiết lập và duy trì được vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực thông qua các cơ chế do mình dẫn dắt và cách tiếp cận hợp tác, nhờ đó thu hút sự tham dự của các nước lớn vào đối thoại trên các vấn đề cùng quan tâm, nhằm mục đích thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

Theo bà Schiavo, Italy đánh giá cao Tầm nhìn AOIP của ASEAN với vai trò cung cấp một khuôn khổ cho sự tham gia mang tính xây dựng của ASEAN ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rộng lớn hơn, tiếp tục định hình vai trò trung tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương thông qua các cơ chế do ASEAN lãnh đạo.

Đáng chú ý là cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy hợp tác với các đối tác bên ngoài để ứng phó với các cơ hội và thách thức mới nổi cũng như tích cực hình thành một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ có khả năng giải quyết các vấn đề chung cấp bách của khu vực và toàn cầu.

 Phó hiệu trưởng trường Đại học LUISS Guido Carli, Giáo sư Raffaele Marchetti trả lời phỏng vấn pv TTXVN tại Rome. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Phó hiệu trưởng trường Đại học LUISS Guido Carli, Giáo sư Raffaele Marchetti trả lời phỏng vấn pv TTXVN tại Rome. (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Trong chia sẻ với phóng viên TTXVN, Phó hiệu trưởng Đại học LUISS Guido Carli, Giáo sư Raffaele Marchetti, cho biết: “Buổi diễn thuyết của Phó Tổng thư ký ASEAN tại trường là sự kiện có ý nghĩa nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa Italy và các nước ASEAN. Hai bên cần tăng cường quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, và tất nhiên cả trên lĩnh vực học thuật. Là một trong những trường đại học hàng đầu về chính trị quốc tế tại Italy, LUISS luôn sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với các trường đại học ở tất cả các nước ASEAN. Mặc dù LUISS hiện đang thu hút được nhiều sinh viên đến từ Đông Nam Á, với buổi diễn thuyết này, chúng tôi hy vọng có thể mở rộng hợp tác toàn diện với các nước ASEAN, bao gồm cả với các chính phủ cũng như các tổ chức và các trường đại học ở khu vực ASEAN.”

Còn Phó Giáo sư Silvia Menegazzi, chuyên gia nghiên cứu châu Á thuộc Đại học LUISS Guido Carli, nhận xét: “Sự kiện đã làm nổi bật tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và vai trò của ASEAN trong khu vực này.

Mặt khác, sự kiện cho thấy hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong tương lai. Giới học thuật Italy cũng đang ngày càng quan tâm đến ASEAN.

Trước đây, những nhân tố được coi là then chốt trong khu vực là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, song những năm gần đây, nhất là với vai trò gia tăng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sự quan tâm của giới học thuật Italy đối với ASEAN đang tăng lên và tất nhiên sẽ còn mở rộng trong những năm tới, khi xét đến vai trò mà ASEAN đang thể hiện trong khu vực này.”

Trong chương trình chuyến thăm, ông Micheal Tene còn có các cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Italy, bà Maria Tripodi, và lãnh đạo các đối tác quan trọng của ASEAN tại Italy như Hiệp hội Italy-ASEAN, tổ chức Global Action, Tổ chức Quốc tế về Luật Phát triển (IDLO)…. nhằm thảo luận về các sáng kiến và biện pháp cụ thể để nâng cao hiểu biết về ASEAN tại Italy cũng như thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp lý và giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu thanh niên.

 Phó Tổng thư ký ASEAN Michael Tene gặp các quan chức của Tổ chức Quốc tế về Luật Phát triển (IDLO). (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Phó Tổng thư ký ASEAN Michael Tene gặp các quan chức của Tổ chức Quốc tế về Luật Phát triển (IDLO). (Ảnh: Trường Dụy/TTXVN)

Italy đang ngày càng quan tâm hơn tới đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong bối cảnh tình hình quốc tế thay đổi.

Chính sách can dự của Italy với khu vực là duy trì sự hiện diện ổn định như cam kết với Chiến lược hợp tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Cửa ngõ toàn cầu của EU và xem xét khả năng tiến tới một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của quốc gia.

Italy đánh giá ASEAN là đối tác quan trọng, bởi vì ASEAN rất hội nhập và đã có hơn 5 thập kỷ xây dựng các nền tảng để thu hút các đối tác trong và ngoài khu vực.

Chuyến thăm của Phó Tổng thư ký ASEAN Michael Tene đã góp phần quan trọng để nâng cao hiểu biết và củng cố thêm các đánh giá tích cực của Italy về ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/italy-danh-gia-cao-tam-nhin-cua-asean-ve-an-do-duong-thai-binh-duong-post911850.vnp