Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ nâng tầm chiến lược

Các nhà quan sát nhận định, những thách thức đáng kể vẫn tồn tại trong quan hệ Iraq-Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có vấn đề an ninh.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Shia al-Sudani tại lễ đón ở Sân bay quốc tế Baghdad, ngày 22/4. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan có chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên đến Iraq kể từ năm 2011.

Trong chuyến thăm kéo dài từ ngày 22-25/4, hai bên đã ký kết khung thỏa thuận chiến lược và hơn 20 bảng ghi nhớ, từ hợp tác văn hóa đến nông nghiệp, giáo dục và y tế, bao gồm cả thỏa thuận khởi động dự án Con đường phát triển. Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani khẳng định, việc ký thỏa thuận khung chiến lược là lộ trình cho sự hợp tác chiến lược và bền vững trên mọi lĩnh vực giữa hai nước.

Theo người phát ngôn của chính phủ Iraq Basem al-Awadi, với thỏa thuận chiến lược về nước được ký kết, cùng với việc thực hiện một dự án lớn với sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc khủng hoảng nước ở Iraq sẽ được giải quyết.

Trong quá khứ, hai bên nhiều lần đàm phán về vấn đề nguồn nước, nhưng vẫn chưa thể đạt được thỏa thuận nào đáng kể cho đến tháng 3/2023, Thủ tướng Mohammed Shia al-Sudani đến Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Erdogan đã đồng ý tăng gấp đôi lượng nước xả vào sông Tigris trong một tháng. Mực nước ở các sông Euphrates và Tigris giảm đáng kể trong những năm gần đây. Trước đó, một báo cáo của Bộ Tài nguyên nước của Iraq dự đoán rằng, nếu các nước không có hành động khẩn cấp để chống lại mực nước suy giảm, hai con sông sẽ khô cạn vào năm 2040.

Một điểm nổi bật khác trong chuyến thăm của Tổng thống Erdogan là việc ký kết một bản ghi nhớ về dự án Con đường phát triển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq cùng đại diện của Qatar và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Qatar và UAE là hai nhà tài trợ tiềm năng cho tuyến đường giao thông ước tính trị giá gần 20 tỷ USD, dài 1.275km từ miền Nam Iraq đến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là con đường quan trọng kết nối Vịnh Ba Tư với Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Iraq cũng coi dự án này là “dòng sông kinh tế kết nối phương Đông và phương Tây”.

An ninh khu vực cũng là chủ đề nóng được hai bên đề cập. Trong đó, đặc biệt là hoạt động của đảng Công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng thường xuyên có các hoạt động khiến mối quan hệ song phương giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng. PKK đã tiến hành các cuộc nổi dậy chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984, nhóm này đã bị Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây liệt vào danh sách tổ chức khủng bố.

Kể từ năm 2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một loạt hoạt động xuyên biên giới chống lại PKK ở miền Bắc Iraq, cũng như lên kế hoạch tấn công mới vào mùa Xuân này và tìm kiếm sự hợp tác của Iraq.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Al-Abbasi gần đây từng phát biểu bác bỏ khả năng tiến hành “các hoạt động quân sự chung” giữa Baghdad và Ankara. Thay vào đó, ông đề xuất thành lập một “trung tâm tình báo phối hợp vào thời điểm và địa điểm thích hợp”. Sau cuộc gặp ở Baghdad, Tổng thống Erdogan đã tới Erbil gặp các quan chức người Kurd ở Iraq để trao đổi về thương mại và an ninh.

Các nhà quan sát nhận định, bất chấp những tín hiệu lạc quan của việc ký kết hơn 20 MOU trên nhiều lĩnh vực khác nhau, những thách thức đáng kể vẫn tồn tại trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq, trong đó có vấn đề an ninh.

Việt Hoàng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/iraq-tho-nhi-ky-nang-tam-chien-luoc-269169.html