Indonesia muốn thêm cơ hội cạnh tranh với hàng da giày Việt Nam ở EU

Indonesia muốn sớm có hiệp định thương mại với EU để cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam, như hàng da giày.

Bộ trưởng Kinh tế của Indonesia – ông Airlangga Hartarto vừa đề cập tới thách thức trong cạnh tranh hàng da giày Việt Nam tại thị trường EU, theo tờ Jakarta Global.

Tại hội nghị bàn tròn nhà đầu tư ở Cirebon, Indonesia tuần qua, Bộ trưởng Kinh tế nước này nói: “Hãy nhìn vào hàng da giày xuất khẩu. Hàng hóa từ Indonesia phải chịu mức thuế nhập khẩu lên đến 20% khi muốn xuất hàng vào châu Âu và Mỹ. Trong khi đó, nước đối thủ Việt Nam được hưởng thuế suất 0%”.

 Indonesia muốn thêm cơ hội cạnh tranh với hàng da giày Việt Nam ở EU.

Indonesia muốn thêm cơ hội cạnh tranh với hàng da giày Việt Nam ở EU.

Lý do chính là Việt Nam đã có hiệp định thương mại với EU từ trước, điều mà Indonesia mong muốn đã nhiều năm. Theo các quy định trong Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA), 99% các loại thuế đã bị loại bỏ.

Có hiệu lực từ năm 2020, tính đến tháng 10-2023, 16 nước châu Âu đã phê chuẩn hiệp định này, cũng có nghĩa là mở ra thị trường lớn với nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, trong đó da giày một trong những hàng xuất khẩu chính.

Số liệu của Cơ quan Quan sát độ phức tạp kinh tế - OEC, một tổ chức nghiên cứu độc lập của Mỹ - cho thấy các nước thành viên EU bao gồm Đức và Bỉ thuộc nhóm năm thị trường nhập khẩu hàng da giày lớn nhất từ Việt Nam trong năm 2021.

Trong năm này, Việt Nam xuất khẩu tổng giá trị ngành hàng da giày ước tính khoảng 1,04 tỷ USD vào Đức, khoảng 722 triệu USD vào Bỉ. Con số này chưa phải là lớn nếu so với năng lực sản xuất của Việt Nam, khi tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép là 19,9 tỷ USD.

Theo số liệu của Bộ Công thương Việt Nam, các mặt hàng da giày, bao gồm giày dép đang là ngành hàng xuất khẩu lớn thứ năm của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt gần 28 tỷ USD, tăng 34,8% so với năm 2021. Năm 2023, ngành này đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 27 tỷ USD, tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trên thị trường thế giới, dự kiến cả năm 2023 ước đạt 23,4 – 24 tỷ USD.

Trong khi đó, cũng theo số liệu của OEC, giá trị xuất khẩu giày dép của Indonesia chỉ bằng một phần so với Việt Nam. Năm 2021, Indonesia xuất khẩu ước tính khoảng 5,8 tỷ USD giày dép ra toàn cầu, trong đó có 505 triệu USD vào thị trường Đức và 284 triệu USD vào thị trường Bỉ.

Indonesia và EU đã liên tục đối thoại để hướng đến việc ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế toàn diện (CEPA) từ năm 2016. Cả hai bên đã hoàn tất 16 vòng đối thoại và dự kiến sẽ có đợt đối thoại tiếp theo vào tháng tới. Chính phủ Indonesia muốn kết thúc các cuộc đối thoại về CEPA trong năm nay.

Bộ trưởng Kinh tế Indonesia khẳng định: “Một thỏa thuận thương mại là hoàn toàn cần thiết để giúp tiếp cận thị trường”.

Còn với Việt Nam, việc chủ động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới với các thị trường lớn đã được khẳng định là thế mạnh quốc gia trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Điều này được nhiều lần khẳng định tại hội nghị ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, tổ chức tại Hà Nội, tháng trước.

Ngọc Diệp

Nguồn PLO: https://plo.vn/indonesia-muon-them-co-hoi-canh-tranh-voi-hang-da-giay-viet-nam-o-eu-post774042.html