Huy động vàng trong dân: Cần nghĩ thoáng và bền vững hơn

Phát triển nền kinh tế, phát triển thị trường tài chính, trước hết là nền tảng và cũng là điều kiện tiên quyết để vàng - không phải vàng dự trữ - không còn là nhu cầu lớn của người dân.

Trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao, các quan điểm về việc việc làm thế nào để huy động vàng trong dân, tạo nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội - lại được đặt ra.

Khi phúc hội xã hội cao cho phép người lao động yên tâm khi về hưu, nhu cầu đảm bảo tài chính cho tương lai bằng vàng sẽ dần giảm xuống. Ảnh: CP

Thứ nhất, ở góc độ đầu cơ, đầu tư. Thị trường hiện nay đang chứng kiến xu hướng đầu tư, đổ xô vào vàng. Trên thị trường quốc tế, giá vàng tăng cao lên hơn 2.300 USD/oz hiện nay do lo ngại chiến tranh và các NHTW gia tăng mua vàng dự trữ. Trong nước, các kênh đầu tư thụ động, đặc biệt bất động sản khó khăn khiến dòng tiền cũng đổ xô mua vàng.

Tuy nhiên, trừ những biến động quá lớn như khủng hoảng kinh tế hay chiến tranh bùng phát dữ dội hơn nữa, thì giá vàng khó có thể tăng cao mãi. Trong quá khứ trước 2024, giá vàng thế giới cũng đã có lúc chạm 2.000 USD/oz nhưng cũng có giai đoạn đã điều chỉnh thấp. Nói cách khác, trong 1 chu kỳ, vàng sẽ không thẳng tiến mãi. Vì vậy, nhà đầu tư, người dân nếu thận trọng và tỉnh táo, không nên đổ xô vào vàng với mọi giá và chúng ta cũng đừng quá lo lắng dòng tiền sẽ đuổi theo, đẩy giá vàng lên mãi.

Thứ hai, ở góc độ tích lũy. Sở dĩ người dân Việt Nam có thói quen, tập quán mua vàng tích lũy, là bởi trong lịch sử kinh tế, xã hội, Việt Nam là một nền kinh tế nông nghiệp với trước đây có 70% người dân làm nông (lịch sử xa xưa còn chiếm tỷ lệ cao hơn), do đó sự ổn định về thu nhập và công việc không có, đặc biệt là nguồn thu, tài sản khi ốm đau, về già, gia đình có sự kiện trọng đại như may chay, cưới gả... nên người dân phải tích lũy vàng để đảm bảo cho các nhu cầu này. Trong xã hội hiện đại, với nền kinh tế định hướng dịch chuyển công nghiệp- dịch vụ- thương mại, kinh tế càng phát triển, các khu công nghiệp, khu đô thị với các nhà máy, doanh nghiệp, hoạt động dịch vụ càng thịnh hành thì tầng lớp công nhân, người lao động có thu nhập ổn định, tích lũy hiện đại sẽ càng chiếm lĩnh hơn…

Theo đó nhu cầu đảm bảo tài chính cho tương lai bằng vàng sẽ dần bị giảm xuống, thay thế bởi các hình thức tích lũy, đầu tư sinh lời khác. Vì vậy, tập quán tích lũy vàng cũng không phải là mãi mãi. Điều này theo diễn tiến khá tương tự như các nước phát triển.

Với nền kinh tế phát triển, các chính sách thu hút đầu tư FDI hàm lượng công nghệ cao, ổn định và bền vững càng hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn gắn bó và tạo hiệu ứng lan tỏa cho các chuỗi cung ứng, doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, mang đến công văn việc làm thu nhập cao, ổn định, phúc hội xã hội như bảo hiểm đóng với tỷ lệ cao và cho phép người lao động yên tâm khi về hưu. Thế hệ lao động mới, xuất phát từ hành vi tiêu dùng mà chúng ta đang thấy có những thay đổi, thậm chí khác biệt với các thế hệ trước, hướng đến tư duy mới về tài sản. Điều kiện cứng đi kèm là sự phát triển của thị trường tài chính với sự có mặt của các định chế, quỹ mở như quỹ hưu trí tự nguyện… Các quỹ phải được vận hành hiệu quả từ nguồn vốn đóng cho hưu trí, y tế tự nguyện (vốn góp nhàn rỗi) với thời gian ít nhất 30 năm, để đầu tư vào các loại hình trái phiếu Chính phủ, dự án công trình hạ tầng… nhằm kiến thiết, phát triển đất nước, bảo toàn vốn và sinh lợi tức tốt cho người góp vốn. Như vậy, dòng tiền tích lũy của người dân sẽ chảy vào đây và không còn cần phải lo bài toán tích lũy vàng và chôn vốn trong dân nữa.

Về lâu dài, kiến tạo môi trường kinh doanh, chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế và phát triển thị trường tài chính, mới là hướng thu hút nguồn lực trong dân bền vững. Vì vậy, cần nghĩ thoáng, nghĩ xa về vàng và nguồn lực trong dân thay cho tìm cách đo đếm nguồn lực khó đo đếm được; chưa kể là nếu sử dụng các giải vàng “hút vàng” không khéo, còn có thể gây hệ lụy khác.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/huy-dong-vang-trong-dan-can-nghi-thoang-va-ben-vung-hon-709745.html