Hướng về cơ sở, đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động

Nhiệm kỳ qua, Công đoàn tỉnh Yên Bái đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ), mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Chương Phát - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh về những kết quả, kinh nghiệm trong công tác công đoàn nhiệm kỳ qua và nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đồng chí Đỗ Đưc Duy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng quà Tết cho công nhân lao động các khu công nghiệp tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, đồng chí Đỗ Đưc Duy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tặng quà Tết cho công nhân lao động các khu công nghiệp tỉnh.

- Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của Công đoàn tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2018 - 2023?

- Phát huy truyền thống cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân Việt Nam, trong nhiệm kỳ qua, đội ngũ CNVCLĐ trong tỉnh đã không ngừng cải tiến kỹ thuật, lao động cần cù, sáng tạo, nâng cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh. Trong nhiệm kỳ, các cấp công đoàn đã vận động thành lập mới 161 công đoàn cơ sở (CĐCS), đạt 112% Nghị quyết Đại hội; phát triển mới 11.156 đoàn viên, đạt 139%; giới thiệu 5.925 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp, đạt 118% Nghị quyết Đại hội.

Hoạt động nổi bật trong công tác chăm lo cho CNVCLĐ là hàng năm các cấp công đoàn trong tỉnh đã đồng loạt tổ chức các hoạt động "Tết Sum vầy”, "Tháng Công nhân” với những hoạt động thiết thực. Trong 5 năm qua, có 12.000 suất quà được trao tới tay CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí trên 50 tỷ đồng, trong đó kinh phí xã hội hóa 36 tỷ đồng; hỗ trợ làm 99 nhà "Mái ấm Công đoàn”, đạt 152% chỉ tiêu Đại hội, với tổng số tiền 3,2 tỷ đồng; đã giải ngân cho 523 lượt nữ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn vay trên 8 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình, bảo lãnh cho 22 đoàn viên vay vốn từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho mỗi hộ bình quân 1,2 đến 2,5 triệu đồng/hộ/tháng.

CNVCLĐ rất vui mừng, phấn khởi khi được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, LĐLĐ tỉnh và các các cấp, các ngành kịp thời quan tâm thăm hỏi động viên, hỗ trợ, tạo động lực để CNVCLĐ nỗ lực vượt qua khó khăn, ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, hưởng ứng Phong trào "Công đoàn Yên Bái chung tay đẩy lùi Covid-19”, đội ngũ CNVCLĐ gương mẫu đi đầu trong công tác phòng, chống dịch với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. LĐLĐ tỉnh đã vận động CNVCLĐ ủng hộ và chi từ nguồn tài chính công đoàn hỗ trợ 8,5 tỷ đồng cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và ủng hộ công tác phòng, chống dịch.

Công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động được xác định là nhiệm vụ trung tâm và đạt được kết quả tích cực. Hàng năm, tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức đạt 100%; hội nghị người lao động đạt 77%; ký 218 bản thỏa ước lao động tập thể, trong đó có nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật; tổ chức tư vấn pháp luật cho trên 1.400 lượt đoàn viên, người lao động; tham gia thanh tra, phối hợp kiểm tra thực hiện pháp luật lao động tại 100 doanh nghiệp, tổ chức giám sát 71 cuộc qua đó gần 26 tỷ đồng tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn đã được thu nộp, góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Công tác tuyên truyền, vận động, học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, hiểu biết pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ được được đẩy mạnh: có gần 6.000 lượt công đoàn cơ sở tổ chức hoạt động tuyên truyền pháp luật cho trên 231.000 lượt CNVCLĐ; có trên 177.000 lượt người tham gia phong trào tự học tập nâng cao trình độ; trên 80.000 lượt người được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng nghề nghiệp...

Qua đó, chất lượng đội ngũ CNVCLĐ được nâng lên, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ được duy trì thường xuyên, có nhiều cách làm hay, sáng tạo đem lại những giá trị thiết thực: có trên 15.000 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng vào thực tiễn làm lợi trên 12 tỷ đồng. Học vấn, tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của CNVCLĐ ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đời sống của cán bộ, CNVCLĐ ngày càng được cải thiện. Trong 5 năm qua, nhiều tập thể và cá nhân đã được Nhà nước, Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp, các ngành khen thưởng.

- Những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ để có được những kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua là gì, thưa đồng chí?

- Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, từ thực tiễn phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Yên Bái rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Một là , hoạt động công đoàn phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và công đoàn cấp trên, cụ thể hóa bằng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng để làm căn cứ tổ chức thực hiện; phối hợp tốt với chính quyền cùng cấp, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng, tổ chức Phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn; chủ động triển khai thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; nêu cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn để đoàn viên, người lao động hiểu, nhận thức rõ về lợi ích và trách nhiệm khi tham gia tổ chức công đoàn.

Hai là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động một cách khoa học, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và các bên liên quan trong mối quan hệ lao động; hoạt động phải hướng về cơ sở, hỗ trợ cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy lợi ích đoàn viên làm mục tiêu hoạt động; luôn có sự sáng tạo, đổi mới hoạt động trong giai đoạn hiện nay; tổ chức các hoạt động tránh rập khuôn, máy móc; quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành; kiên trì, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, tập trung nguồn lực trong công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; củng cố tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả; nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn, đặc biệt là cán bộ công đoàn cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có kiến thức về pháp luật và kỹ năng tổ chức hoạt động, năng động, bản lĩnh, tâm huyết, nâng cao uy tín trong CNVCLĐ.

Bốn là, phát huy sức mạnh tập thể của Ban Chấp hành, Ủy ban Kiểm tra công đoàn các cấp; đổi mới công tác điều hành chỉ đạo, khắc phục bệnh "hành chính hóa” trong hoạt động công đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng tổ chức và Phong trào CNVCLĐ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

- Thưa đồng chí, phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Yên Bái sẽ có những giải pháp gì để phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới?

- Hiện nay, tổng số CNVCLĐ tại các đơn vị có tổ chức công đoàn là 43.441 người, trong đó đoàn viên công đoàn là 42.009 người, sinh hoạt tại 1.033 công đoàn cơ sở. Để phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới, thời gian tới Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh tập trung những giải pháp cụ thể như sau:

Một là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tập hợp, vận động đoàn viên, người lao động; tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở - đây là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 25/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phát triển công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới”.

Hai là, tổ chức triển khai học tập, quán triệt nghị quyết đại hội Đảng, đại hội công đoàn các cấp gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn; Kết luận 01/KL-TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 - CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về "Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Ba là, tiếp tục sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nêu cao vai trò chủ động của công đoàn trong việc xây dựng đội ngũ CNVCLĐ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức, kỷ luật cao, có lối sống văn hóa, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, luôn xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu tình hình mới: công đoàn các cấp căn cứ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động để xác định nội dung và mục tiêu hoạt động. Các cấp công đoàn thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ và phải coi đây là chức năng quan trọng, xuyên suốt trong quá trình hoạt động hướng về cơ sở. Chủ động phối hợp tham gia với các cơ quan chức năng giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong CNLĐ như: vấn đề việc làm, thu nhập, các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện, vệ sinh an toàn lao động, các thiết chế văn hóa.

Năm là, xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt các hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước với nội dung, phương pháp phù hợp với từng loại hình cơ sở, ngành nghề, đối tượng. Công đoàn chung tay xây dựng nông thôn mới, đưa tiến độ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, xây dựng các công trình nông thôn góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Sáu là, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến để các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thời cơ, thách thức và những vấn đề mới đặt ra đối với Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phê chuẩn các công ước quốc tế liên quan đến lao động, công đoàn.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Minh Hằng (thực hiện)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/11/300678/huong-ve-co-so-dai-dien-cham-lo-bao-ve-quyen-loi-ich-hop-phap-chinh-dang-cua-cong-nhan-vien-chuc-lao-dong.aspx