Hơn thập kỷ chưa điều chỉnh, giá cấp bù thủy lợi phí xuất hiện nhiều bất cập

Hiện nay, tình hình tài chính của các đơn vị khai thác thủy lợi rất khó khăn. Nguồn thu chủ yếu từ ngân sách trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, với mức hỗ trợ được quy định từ năm 2012 đến nay không thay đổi.

Để thực hiện Luật giá 2012, ngày 30/6/2018 Chính phủ ban hành Nghị định 96 quy định mức giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thay cho Nghị định trước đây về mức thu thủy lợi phí. Dù thay đổi tên gọi nhưng khung giá vẫn áp dụng chính sách cũ nên đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tế.

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn chính sách về giá dịch vụ thủy lợi sáng nay (24/1), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, sau 5 năm triển khai nghị định 96 của Chính phủ về giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, chưa sát với tình hình thực tế.

Từ năm 2012 đến nay, mức hỗ trợ thủy lợi phí giữ nguyên, không thay đổi, trong khi đó chi phí đầu vào đều tăng, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 1,5-1,7 lần. Nguồn thu của các công ty thủy nông đều rất thấp, chi phí tối thiểu cho lương, bảo trì công trình hằng năm đều không đảm bảo, đời sống cán bộ, nhân viên làm thủy nông còn nhiều khó khăn.

Theo ông Lê Văn Chính, nhóm tư vấn ADB và chuyên gia AWP (Cơ quan hợp tác ngành nước của Australia), sau 5 năm thực hiện nghị định 96 đã xuất hiện một số hạn chế trong thực hiện giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi (SPDVTL).

Cụ thể, trong phương pháp định giá còn chưa cụ thể, chưa đủ bù đắp chi phí do chưa kịp thời điều chỉnh giá; Chưa quy định cụ thể phương pháp tính giá, thiếu phương pháp so sánh; chưa theo tính hệ thống, đặc thù công trình thủy lợi; Phương pháp tính giá phức tạp, khó tính toán cho các tổ chức quản lý và áp dụng không đúng nguyên tắc do tính ngược dựa vào ngân sách được phân bổ.

Nguồn thu quá thấp khiến nhiều công trình thủy lợi ở Bắc Kạn hư hỏng chưa có kinh phí khắc phục. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Cùng đó, xác định chi phí còn chưa đầy đủ. Trong khi đó lương đã tăng 117%, điện tăng 54%, do đó, chi phí cần tăng 1,4-1,5 lần.

Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện thủy lợi Lâm Đồng cho hay, trong giai đoạn 2019-2020, tỉnh đã xây dựng giá dịch vụ thủy lợi gồm dịch vụ thủy lợi công ích và dịch vụ khác. Tuy nhiên, qua nhiều lần chỉnh sửa vẫn chưa thể thống nhất để ban hành giá tối đa và khung giá.

Từ thực tế đó, đại diện thủy lợi Lâm Đồng kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn về chính sách thủy lợi khác để các tỉnh chưa có định giá có thể áp dụng.

Trao đổi với phóng viên, đại diện một doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội cho hay, cơ chế phí khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, nghĩa là phải chờ Nhà nước cấp nhiêu tiền hỗ trợ phí thủy lợi thì doanh nghiệp mới được làm bấy nhiêu. Trong khi đó loạt chi phí đều tăng, sau khi trừ đi thì còn rất ít để duy tu, bảo trì công trình. Hiện nay, doanh nghiệp này đang phải dựa vào các nguồn thu từ kinh doanh khác để duy trì.

Khảo sát của ADB về một số hạn chế trong thực hiện giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi tại 6 tỉnh, thành phố, đơn vị. Ảnh: ADB

6 vấn đề chính cần giải quyết với thủy lợi Việt Nam

Từ thực tế trên, các chuyên gia từ ADB rút ra 6 vấn đề chính cần giải quyết với thủy lợi Việt Nam hiện nay là: Phương pháp xác định chi phí; Cơ sở để phân bổ chi phí; Cấu trúc các thành phần chi phí; Hỗ trợ kinh phí sử dụng SPDVTL; Phân cấp trách nhiệm và vai trò quản lý giá của Bộ Tài chính và UBND cấp tỉnh.

Bài học từ nước Úc, ông Rob Rendell, chuyên gia tổ chức AWP chia sẻ, việc định giá dịch vụ tưới ở Úc là một hành trình.

Theo đó, quốc gia này đã chuyển từ hệ thống dựa trên phí sang giá dịch vụ được chi trả bởi người sử dụng. Việc chuyển đổi này đã giúp phản ánh đúng “chi phí thực tế của cung cấp dịch vụ”, đồng thời khuyến khích sử dụng nước và vận hành hệ thống hiệu quả, thực hiện minh bạch các trường hợp được chính phủ trợ cấp.

Theo ông Rob Rendell, Úc vẫn đang tiến tới trạng thái giá dịch vụ được chi trả bởi người sử dụng để phản ánh những biến đổi về khí hậu và sự biến động trong cấp nước, cùng đó là mức thu nhằm thay thế vốn đầu tư và đảm bảo bền vững trong dài hạn.

“Úc đã bắt đầu hành trình từ thập kỷ 1960 và kéo dài đến năm 2020, vẫn còn đang tiếp tục phát triển. Hy vọng dự án này sẽ giúp Việt Nam trong hành trình đổi mới”, vị chuyên gia chia sẻ.

Từ những bất cập còn tồn tại, nhóm chuyên gia ADB cho rằng cần đổi mới chính sách giá dịch vụ thủy lợi, chuyển từ cơ chế phí sang giá theo quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời hỗ trợ tiền sử dụng dịch vụ công ích thủy lợi cho người dân trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo kinh phí cho sửa chữa chống xuống cấp, nâng cao hiệu quả khai thác công trình.

Trong khi đó, cơ cấu giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi phải bao gồm tiền lương, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và các loại phí khác. Như vậy phải cấp đủ theo giá. Nếu chúng ta chưa giải quyết được bất cập này thì không thể tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thủy lợi. 4 năm qua Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính phối hợp để xây dựng giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, tuy nhiên phương pháp tính giá hiện nay rất phức tạp nên đang phải sửa”.

Tuy nhiên, nếu chuyển sang tính giá sản phẩm sẽ xuất gánh nặng cho ngân sách. “Hiện nay, nhà nước đang hỗ trợ cấp bù thủy lợi phí cho tổ chức, cá nhân sử dụng nước. Do đó, nhà nước chỉ bố trí được một mức ngân sách nhất định, ví dụ 5 năm tới chỉ có bây nhiêu tiền. Như vậy thì không thể đủ theo giá được, nên các công ty thủy lợi khó khăn lại càng khó khăn hơn khi lương vừa thấp, vừa không có tiền để sửa chữa, bảo dưỡng (trừ một số công ty có nguồn thu thêm từ các dịch vụ khác)”, lãnh đạo BộNN-PTNT nhận định.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/hon-thap-ky-chua-dieu-chinh-gia-cap-bu-thuy-loi-phi-xuat-hien-nhieu-bat-cap.html