Hơn 320 người ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ

Hơn 320 người đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ tại một cơ sở ở TP.Long Khánh, Đồng Nai.

Liên quan đến vụ hơn 320 người ngộ độc do ăn phải bánh mỹ xảy ra tại thành phố Long Khánh, chiều ngày 2/5/2024 theo thông tin từ cơ quan chức năng, đến hơn 15h cùng ngày đã có 328 bệnh nhân phải vào viện thăm khám, điều trị.

Ảnh minh họa

Trong đó, có 220 bệnh nhân thăm khám điều trị ở Bệnh viện Long Khánh, 13 bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện Cao Su, 9 ca được chuyển viện lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, 11 ca xuất viện và cấp 88 toa thuốc…

Hiện tại, có hai bệnh nhân có biểu hiện bệnh hơi nặng là một bé 7 tuổi (bị sốc nhiễm khuẩn) và một bé 6 tuổi là em T.G.H. (6 tuổi, ngụ phường Xuân Hòa, TP.Long Khánh) hiện đang hôn mê, thở máy và tiên lượng rất nặng.

Các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc nhiễm trùng từ đường tiêu hóa, ngưng tim, ngưng thở, trên thể trạng béo phì. Các bác sĩ đang tích cực cứu chữa cho bệnh nhi.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai ra văn bản chỉ đạo các bệnh viện trong tỉnh tập trung tối đa nguồn lực, bố trí đầy đủ bác sĩ, thuốc men, thiết bị, vật tư y tế. Tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân.

Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Đồng Nai điều tra, làm rõ nguyên nhân. Sở Y tế Đồng Nai có công văn hỏa tốc về việc tăng cường công tác điều trị, điều tra vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố Long Khánh.

Thông tin ban đầu từ cơ quan chức năng cho hay, tiệm bánh mì Băng (tại địa chỉ bán Đ4 đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP.Long Khánh) có quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày (2 buổi).

Nhân bánh mì gồm thịt (tự chế biến), chả lụa, pate (tự làm), ngò, dưa leo, đồ chua (củ cải trắng và cà rốt muối chua), nước xốt (tự làm), da bao (mua bên ngoài).

Theo trình bày của chủ cơ sở, trong ngày 30/4, tiệm này phục vụ 1.100 ổ bánh mì (sáng 500 ổ và chiều 600 ổ). Tiệm bánh mì trên là diện bán hàng nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Tiệm có 4 nhân viên phục vụ bán bánh mì, không có khám sức khỏe định kỳ.

Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến.

Ngay sau sự việc ngộ độc thực phẩm xảy ra, đoàn kiểm tra liên ngành đã niêm phong tủ cấp đông tại cơ sở, trong đó có khoảng 15kg đồ chua đã qua chế biến, 1kg chả lụa, 1kg thịt heo đã qua chế biến, 4 khay pate trọng lượng khoảng 10kg. Đoàn kiểm tra cũng buộc cơ sở ngưng hoạt động.

Được biết, thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến người dân hoang mang.

Gần đây nhất là vụ việc 345 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn cơm gà tại quán Trâm Anh tại Nha Trang. Trước đó, tại TP.Hội An (Quảng Nam) cũng xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến 313 người mắc, 273 ca phải nhập viện sau khi ăn bánh mì Phượng - quán ăn nổi tiếng ở địa phương này.

Một vụ khác là vụ ngộ độc tại chung cư Palm Heights (Thủ Đức, TP.HCM) khiến 2 anh em ruột phải nhập viện, 1 trường hợp tử vong và gần 120 người khác có triệu trứng ngộ độc.

Hay vụ 662 học sinh trường iSchool Nha Trang, trong đó có một 1 em tử vong cũng khiến dư luận xót xa.

Về nguyên nhân của các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua, theo điều tra, nguyên nhân chủ yếu là do thực phẩm nhiễm Salmonella. Đây là loại vi khuẩn đường ruột không hình thành bào tử, chủ yếu di chuyển bằng roi quanh thân.

Nhóm sinh vật hóa dưỡng này chủ yếu thu năng lượng từ các phản ứng oxy hóa khử, có khả năng tạo ATP bằng oxy khi có sẵn hoặc dùng các chất nhận điện tử hay lên men khi oxy không có sẵn.

Vi khuẩn Salmonella cũng là mầm bệnh nội bào tùy nghi, có thể xâm nhập vào nhiều loại tế bào khác nhau, bao gồm biểu mô, tế bào M, đại thực bào và tế bào đuôi gai. Bệnh gây ra từ loại vi sinh vật này được gọi là bệnh nhiễm khuẩn salmonella, gây khó chịu cho dạ dày- ruột, sốt, tiêu chảy và đau quặn bụng.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh xuất phát từ nguồn thực phẩm ô nhiễm (nhiễm phân người hoặc phân động vật) mà người bệnh ăn phải.

Theo đó, chủng vi khuẩn Salmonella có thể được chia thành hai nhóm chính gồm thương hàn và không thương hàn. Nhóm thứ 2 thường phổ biến hơn, có thể lây nhiễm cho nhiều loại động vật đồng thời lây truyền trực tiếp từ động vật sang người.

Ngược lại, nhóm thương hàn bao gồm Salmonella Typhi và Salmonella Paratyphi A, B, C chỉ xuất hiện ở con người và không xảy ra đối với các loài động vật khác. Nhóm không thương hàn do các Salmonella khác chủ yếu gây viêm ruột và nhiễm khuẩn huyết.

Người bệnh bị nhiễm vi khuẩn Salmonella thường do ăn thịt sống, gia cầm, trứng hoặc các sản phẩm từ trứng, sữa chưa tiệt trùng. Thời gian ủ bệnh (khoảng thời gian từ khi tiếp xúc đến lúc phát bệnh) có thể từ 6 giờ - 6 ngày.

TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi nhiễm khuẩn Salmonella bệnh nhân thường biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước, nhiễm trùng.

Tuy nhiên, có tới 8% trường hợp vi khuẩn đi sâu vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và dễ tử vong, đặc biệt khi vi khuẩn quá nhiều, cơ thể yếu.

Theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, vi khuẩn Salmonella nguy hiểm gây khó chịu như đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước điện giải, có thể gây nhiễm trùng nặng nhiều hơn và tử vong.

Vi khuẩn này không để lại di chứng, nó là một trường hợp nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn. Do đó, các bác sĩ sẽ điều trị kháng sinh, thường kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Salmonella có thể mất 5-7 ngày, tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột và điều trị triệu chứng.

Thông thường, người bệnh bị nhiễm khuẩn salmonella sẽ có xu hướng nhầm lẫn với chứng đau dạ dày thường gặp. Trong đó, một số dấu hiệu điển hình phải kể đến gồm tiêu chảy; đau quặn bụng; sốt; buồn nôn; nôn mửa; ớn lạnh; đau đầu; xuất hiện máu trong phân

Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy thường xuất hiện khoảng 10 ngày nhưng có thể mất vài tháng trước khi ruột trở lại thói quen đại tiện ổn định.

Về nguồn nhiễm, có thể từ thịt sống, thịt gia cầm và hải sản: Phân có thể dính vào thịt gia cầm trong quá trình giết mổ, hải sản cũng có thể chứa nguồn lây khi sống trong môi trường nước ô nhiễm.

Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng: Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella. Trong khi đó, quá trình thanh trùng có thể loại bỏ vi khuẩn có hại, bao gồm cả Salmonella.

Trái cây và rau củ: Rau củ quả tươi, đặc biệt là giống nhập khẩu có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella trong quá trình chăm bón hoặc sơ chế làm sạch bằng nước.

Trứng sống hoặc nấu chưa chín: Mặc dù lớp vỏ trứng có khả năng bảo vệ phần bên trong khỏi sự nhiễm bẩn nhưng gia cầm nhiễm bệnh vẫn có thể đẻ ra trứng chứa vi khuẩn Salmonella (tồn tại trước khi vỏ được hình thành). Đây chính là nguồn lây khi con người ăn phải.

Thực phẩm xử lý không đúng cách: Nhiều loại thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella bởi quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh, chủ yếu là do không rửa tay kỹ trước khi thực hiện.

Nguồn lây từ vật nuôi và các loại động vật khác: Các loại động vật nói chung, bao gồm cả vật nuôi, đặc biệt là chim và bò sát có thể mang vi khuẩn salmonella trên lông, da và phân của chúng. Do đó, đây cũng là nguồn lây nhiễm nên lưu ý.

Du lịch quốc tế: Tình trạng nhiễm khuẩn Salmonella phổ biến hơn ở các quốc gia đang phát triển với điều kiện vệ sinh kém. Vậy nên, khách du lịch cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn nếu đi đến các đất nước này.

Tiếp xúc với động vật: Một số động vật có thể mang vi khuẩn Salmonella, ngoài ra, loại vi sinh vật này cũng dễ dàng tìm thấy trong chuồng, bể, lồng, khay vệ sinh của vật nuôi.

Rối loạn dạ dày hoặc ruột: Cơ thể có nhiều cơ chế bảo vệ tự nhiên chống lại nhiễm khuẩn Salmonella, chẳng hạn như axit dạ dày mạnh.

Tuy nhiên, một số vấn đề bệnh lý hoặc thuốc men lại có thể làm suy giảm khả năng này, bao gồm thuốc kháng axit, kháng sinh, vấn đề miễn dịch, bệnh viêm ruột…

Tình trạng lây nhiễm vi khuẩn Salmonella có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng cách ngăn chặn nguồn lây ngay từ ban đầu. Cụ thể, đối với thực phẩm, không nên chế biến thực phẩm cho người khác khi bản thân đang bị bệnh

Luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh. Rửa tay kỹ trước và sau khi chế biến thức ăn hoặc ăn uống. Rửa sạch các bề mặt, dụng cụ chế biến thức ăn trước và sau khi sử dụng.

Đảm bảo thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn. Không xử lý bất kỳ loại thực phẩm nào khác trong khi đang sơ chế, chế biến thịt sống, thịt gia cầm, hải sản hoặc trứng

Rửa sạch rau củ quả trước khi chế biến. Làm lạnh hoặc đông lạnh thịt gia súc, gia cầm và hải sản càng sớm càng tốt nếu chưa sử dụng đến

Không uống sữa và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng. Không uống nước chưa được xử lý hoặc ăn thức ăn được chế biến từ nước chưa được xử lý

Đối với vật nuôi: Rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi chạm vào động vật (kể cả vật nuôi), bao gồm cả thức ăn, bát nước, khay vệ sinh, phân, lồng hoặc đồ chơi của chúng.

Không chạm hoặc cho tay vào miệng sau khi chạm vào động vật. Không hôn vào lông hoặc da của động vật, vật nuôi

Người có hệ thống miễn dịch suy yếu, trẻ dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi tuyệt đối không nên chạm vào các nhóm động vật thuộc nguy cơ cao

Làm sạch môi trường sống của thú cưng, chẳng hạn như bể cá, lồng… Không sử dụng bồn rửa trong nhà bếp để tắm rửa, vệ sinh cho thú cưng hoặc đồ chơi của chúng.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/hon-320-nguoi-ngo-doc-thuc-pham-sau-khi-an-banh-my-d214284.html