Hơn 24 triệu người đối mặt với nạn đói và thiếu nước ở miền Nam châu Phi

Tổ chức chống đói nghèo Oxfam mới đây cảnh báo rằng, hơn 24 triệu người ở miền Nam châu Phi phải đối mặt với nạn đói, suy dinh dưỡng và khan hiếm nước do hạn hán và lũ lụt, trong khi các chuyên gia cho rằng, tình hình có nguy cơ leo thang thành 'tình trạng nhân đạo không thể tưởng tượng được'.

Nhiều nước miền Nam châu Phi thiếu lương thực trầm trọng do thiên tai. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cảnh báo từ Oxfam được đưa ra khi Zimbabwe và các quốc gia Nam Phi khác tuyên bố hạn hán là “thảm họa quốc gia”, sau những tuyên bố trước đó của Zambia và Malawi.

Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa cho biết, hơn 2,7 triệu người ở nước này sẽ bị đói trong năm nay và cần hơn 2 tỷ USD viện trợ cho các hoạt động ứng phó quốc gia của đất nước, Reuters đưa tin.

Hạn hán được thúc đẩy bởi El Nino, một kiểu khí hậu tự nhiên bắt nguồn từ Thái Bình Dương dọc theo đường xích đạo, có xu hướng mang lại nhiệt độ cao và lượng mưa thấp cho khu vực miền Nam châu Phi. Khi trời mưa, mặt đất khô cằn không thể hấp thụ độ ẩm, khiến lũ lụt dễ xảy ra hơn.

El Nino đang làm trầm trọng thêm tác động của khủng hoảng khí hậu mà nguyên nhân chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch, khiến các thảm họa thời tiết trở nên thường xuyên và khắc nghiệt hơn - bao gồm cả hạn hán và lũ lụt - trên khắp miền Nam châu Phi - khu vực được mô tả là “điểm nóng về thảm họa khí hậu”.

Khi miền Nam châu Phi bước vào mùa khô trong tháng 4 này, phần lớn khu vực - bao gồm Angola, Botswana, Cộng hòa Dân chủ Congo, Malawi, Mozambique, Namibia, Zambia và Zimbabwe - đã phải vật lộn với tình trạng khô hạn kéo dài.

Một báo cáo gần đây của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc tiết lộ, từ cuối tháng 1 đến tháng 2 năm nay, lượng mưa ở khu vực này đã tụt mức thấp nhất trong ít nhất 40 năm qua.

Theo báo cáo của Mạng lưới Hệ thống Cảnh báo sớm nạn đói của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), các khu vực miền Trung châu Phi cũng đã trải qua tháng 2 khô hạn nhất trong hơn 100 năm.

Tại Zambia, Malawi và miền Trung Mozambique, hạn hán khắc nghiệt đã gây thiệt hại hơn 2 triệu ha cây trồng, và Zambia đã ban bố tình trạng “thảm họa” đối với hạn hán vào ngày 29/2, Oxfam.

Trong khi đó, Tổng thống Malawi đã ban bố tình trạng thảm họa trên phần lớn đất nước vào ngày 23/3. Đây là năm thứ 4 liên tiếp nước này buộc phải thực hiện điều này do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tuần trước cho biết, tác động của El Nino đang “làm trầm trọng thêm những tác động tàn phá của cuộc khủng hoảng khí hậu ở Malawi”.

Theo CNN, mặc dù chỉ chịu trách nhiệm cho một phần rất nhỏ ô nhiễm làm nóng hành tinh toàn cầu, Nam Phi lại đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.

Tại Mozambique - quốc gia chỉ chiếm 0,2% lượng khí thải toàn cầu - 3 triệu người phải đối mặt với nạn đói. Thủ đô của đất nước, Maputo, đã trải qua lũ lụt tàn khốc vào tháng 3, sau khi cơn bão nhiệt đới Filipo tấn công và vài tuần sau đó lại hứng chịu lượng mưa dữ dội hơn.

Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Nam Phi Machinda Marongwe cho biết, khu vực này đang “gặp khủng hoảng” và kêu gọi các nhà tài trợ “ngay lập tức giải phóng nguồn lực” để ngăn chặn vòng xoáy trở thành “tình huống nhân đạo không thể tưởng tượng được”.

TỐ QUYÊN(Lược dịch từ CNN)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/hon-24-trieu-nguoi-doi-mat-voi-nan-doi-va-thieu-nuoc-o-mien-nam-chau-phi-139662.html