Hồi sinh những 'dòng sông đen'

Các cơ quan chức năng dự kiến xây đập tràn trên sông Hồng để lấy nước tạo dòng chảy tự nhiên, phục hồi sông Nhuệ, Đáy và Tô Lịch và việc này lại một lần nữa làm dấy lên sự chú ý.

Sông Tô Lịch (Hà Nội) lâu nay bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Đức Quang.

Mới đây, tại Hội nghị công bố quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp nói có thể nghiên cứu làm đập tràn trên sông Hồng để bảo đảm môi trường cho toàn bộ Hà Nội và vùng xung quanh.

Theo đó, nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp các sông Nhuệ, sông Đáy hay thậm chí sông Tô Lịch có dòng chảy tự nhiên như xưa.

Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được HĐND thành phố thông qua cũng đặt mục tiêu giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa - lịch sử Thủ đô.

Để thực hiện mục tiêu trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là xây dựng đập trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để đảm bảo mực nước ổn định, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội trên các dòng sông.

Cụ thể, Hà Nội sẽ nghiên cứu xây dựng đập Xuân Quan trên sông Hồng, đập Long Tửu trên sông Đuống để dâng nước, cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông. Nhờ đó, nước từ sông Hồng, sông Tô Lịch sẽ có dòng chảy, thoát cảnh dòng sông chết, tích tụ nước thải như hiện nay.

Việc cải tạo hệ thống thu gom nước sinh hoạt ven sông Tô Lịch (Hà Nội) đang được tiến hành. Ảnh: Đức Quang.

Dẫn nước sông lớn vào nội đô

Dùng nước sông Hồng thau rửa các con sông nội đô Hà Nội như Tô Lịch, Lừ, Sét… không phải là vấn đề mới, tuy nhiên, các đề xuất liên quan đến cải tạo sông trong thành phố luôn nhận được sự quan tâm của người dân bởi việc này gắn chặt với đời sống người dân, từ môi trường đến cảnh quan và nhiều khía cạnh khác.

Cuối những năm 1990 đầu năm 2000, các chuyên gia Nhật Bản khi nghiên cứu dự án thoát nước Hà Nội đã đề xuất giải pháp dùng nước thải của thành phố, sau khi được xử lý, làm sạch đạt tiêu chuẩn, bổ cập cho hồ Tây. Những năm sau đó, một số nhóm nghiên cứu trong nước đề xuất lấy nước từ sông Đà để cấp nước bổ sung cho sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ phục vụ nông nghiệp và môi trường, kết hợp với bổ cập nước cho hồ Tây và sông Tô Lịch.

Theo các chuyên gia, trong quy hoạch phát triển đô thị của Hà Nội, các sông hồ là cấu phần quan trọng hàng đầu trong việc tạo lập không gian sống, không gian văn hóa - môi trường - kinh tế có giá trị cao và riêng có của thành phố.

Một số chuyên gia cho rằng, đề xuất dẫn nước từ sông Hồng bổ cập nước cho hồ Tây, từ đó cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch, là biện pháp khả thi nhất (tại thời điểm năm 2019). Ông Lê Minh Châu - nguyên Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội nhận định, đây là đề xuất hợp lý, có tính khoa học cao. Theo ông, việc bơm nước lắng lọc phù sa từ sông Hồng, đảm bảo chất lượng nước để bổ cập vào hồ Tây, với công nghệ hiện nay hoàn toàn có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, một số chuyên gia độc lập cho rằng nước thải mới là nguyên nhân chính gây ô nhiễm sông Tô Lịch, và lấy nước sông thau rửa Tô Lịch, Lừ hay Sét chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề.

Bốn giải pháp cải tạo sông ô nhiễm

Sông Tô Lịch dài 14,6km cùng sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét tạo nên hệ thống thoát nước chính của thành phố Hà Nội. Theo đánh giá của các nhà khoa học, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch là rất nghiêm trọng, hoàn toàn không thể sử dụng nước sông trong sinh hoạt, sản xuất, trồng trọt.

Đã có nhiều ý kiến của giới chuyên gia về việc cải tạo các dòng sông “chết” nội đô. Năm 2021, trong một bài báo nghiên cứu, GS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, nêu ra bốn biện pháp cơ bản để làm sạch, hồi sinh sông Tô Lịch.

Theo ông Hạ, đã là sông thì phải là dòng nước sạch, dòng chảy và là khung sinh thái đô thị. Tương lai của sông Tô Lịch là phải có dòng sạch, dòng chảy và bảo đảm đây là khung sinh thái đô thị của thành phố Hà Nội.

“Do quá trình phát triển của Thủ đô, sinh thủy sông Tô Lịch không phải là nước sông Hồng như trước kia mà là nước mưa và nước thải từ hệ thống thoát nước, vì thế dòng sông không sạch”, GS.TS Trần Đức Hạ nhận định.

Bốn biện pháp cơ bản để làm sạch, hồi sinh sông Tô Lịch mà GS.TS Trần Đức Hạ đưa ra như sau: Thứ nhất, thu gom và xử lý nước thải bảo đảm các quy chuẩn môi trường, sau khi xả vào sông coi đây là nguồn bổ cập nước cho sông để giảm lượng nước sạch cần thiết để bổ cập. Việc thu gom nước thải có thể đưa về nhà máy xử lý tập trung, ngoài ra cần thu gom được các điểm xả phân tán.

Thứ hai, về vấn đề sông phải có dòng chảy và dòng chảy nước sạch thì dòng chảy ấy có thể bổ cập bằng nước sông Hồng kết hợp nước thải sau xử lý bảo đảm yêu cầu xả vào sông. Theo GS.TS Trần Đức Hạ, đường nước này có ý nghĩa thứ nhất là tạo dòng chảy nước sạch cho sông Tô Lịch, ngoài ra có thể bổ cập cho Hồ Tây, phục vụ nước tưới. Thậm chí cũng có những phương án đưa nước từ nguồn này để thau rửa, bổ cập cho một số hồ của Hà Nội, thí dụ như rửa sông Tô Lịch, nước sạch rồi có thể cấp cho các hồ như Linh Đàm, hồ Định Công…

Giải pháp thứ ba, khi đã thu gom được nước thải thì cần xử lý lượng bùn tồn đọng. Khi đã làm sạch sông Tô Lịch rồi, cần kết hợp kè bờ để bảo đảm hệ sinh thái, những chỗ nào có điều kiện đất đai thuận lợi phù hợp đưa về trạng thái sông tự nhiên, những vị trí khó thì tiến hành kè bờ như hiện nay. Các phương án kè cần có sự vào cuộc của các kiến trúc sư. Sau khi kè xong thì tiến hành nạo vét bùn, cần có giải pháp xử lý bùn nhưng giữ lại hệ sinh thái, các mầm vi sinh của dòng sông.

GS.TS Trần Đức Hạ cũng cho rằng, khi dòng sông đã được khôi phục, để bảo tồn chất lượng nước thì phải có biện pháp tăng cường quá trình tự làm sạch, có nhiều giải pháp nhưng tốt nhất là nên kết hợp cảnh quan vui chơi giải trí, cấp oxy trên bề mặt, làm các công viên dọc sông, thả các bè thảm thủy trúc, vòi phun để chuyển hóa các chất ô nhiễm…

Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2025, phải đảm bảo tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 50-55%. Hiện nay, tỷ lệ này mới đạt khoảng một nửa. Đến thời điểm này, Gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá và Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính cơ bản đã được hoàn thành, dự kiến đưa vào vận hành thử trong quý II/2024, đi vào hoạt động chính thức trong năm 2024. Hai gói thầu còn lại còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Xử lý nước thải: Khâu quyết định

Như vậy, cho dù còn nhiều ý kiến khác nhau, các chuyên gia đều thống nhất rằng xử lý nước thải của thành phố là khâu quyết định và đây là bài toán hóc búa nhất.

Tháng 8/2023, một cuộc tọa đàm với nội dung “Làm “sống lại” 4 con sông nội đô: Tô Lịch - Kim Ngưu - Lừ - Sét” cho thấy tính phức tạp của việc giải bài toán xử lý nước thải.

Tại tọa đàm, PGS.TS Trần Thị Việt Nga - Trưởng khoa Kỹ thuật môi trường, (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) cho biết, theo dự thảo Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tầm nhìn đến 2030”, kiến nghị cần có cách tiếp cận tổng hợp và đồng bộ trên các lĩnh vực:

Điều chỉnh quy hoạch thoát nước phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom và xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt 4 con sông; đề xuất giải pháp cải tạo chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan dọc sông nhằm phục hồi vai trò của hệ thống sông gắn với các giá trị sinh thái, lịch sử, văn hóa và con người, phù hợp và đóng góp cho sự phát triển xanh và bền vững của Thủ đô Hà Nội.

Mặc dù cho rằng đề án được xây dựng công phu, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - Chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, bảo vệ môi trường Hà Nội đề nghị, để đề án có tính khả thi cao, cần làm rõ các vấn đề: Làm gì để huy động các nguồn lực; công nghệ mới nào để lọc nước thải... Đặc biệt, ngoài yếu tố hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường cần phân tích thêm yếu tố nguy cơ và rủi ro khi thực hiện đề án.

Cần có quyết lớn, quy hoạch tổng thể, phương án cụ thể
PV: Một số chuyên gia cho rằng, mấu chốt của vấn đề làm sống lại các dòng sông chết ở Hà Nội là phải xử lý các cái nguồn xả thải, ông nhận định gì về ý kiến này?
PGS.TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu): Hiện nay nội đô Hà Nội có 4 con sông nhưng hầu như đều bị ô nhiễm như là kênh tiêu nước thải. Để sông sạch thì quan trọng nhất là nguồn nước xả từ các khu đô thị, khu dân cư đều được xử lý đạt đạt tiêu chuẩn, nước trong đổ ra thì kênh mới thành sông được. Bây giờ nếu chúng ta đi dọc các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, nước thải chảy trực tiếp ra sông đen xì. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ đó.
Sau đó là nguồn tiếp nước. Các sông này hiện không có đầu nguồn tiếp nước. Giả dụ có làm đập trên sông Hồng thì cũng phải bơm nước vào. Việc này không hề đơn giản, phải tính toán kỹ. Câu chuyện nguồn nước của các sông này cần phải tính toán hai khía cạnh.
Một là phải xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải làng nghề sạch rồi mới đưa ra sông. Thứ hai, các sông nội đô cần có nguồn cấp, tiếp nước từ thượng nguồn, ví dụ như lấy nước ở hồ Tây, sông Hồng vào thì mới bảo đảm chúng trở thành sông sạch.
Các dự án xử lý nước thải trên địa bàn Hà Nội có khả năng xử lý triệt để nguồn xả thải ra các sông nội đô Hà Nội không, thưa ông?
- Đây là vấn đề cực khó, vì hiện nay các hệ thống nước thải nằm trong các khu đô thị. Bây giờ chỉ ra, tập trung lại để xử lý là vấn đề cực lớn. Do đó cần có quyết tâm, có một quy hoạch lớn mới có thể làm được. Tôi cho rằng đây là vấn đề khó khăn nhất. Ví dụ sông Tô Lịch, bây giờ phải đào hai kênh, đường hầm hai bên để thu nước vào rồi đưa đi xử lý ở (nhà máy) nước thải Yên Xá, rồi lại bơm lên, rất phức tạp. Công việc này rất tốn kém, và phải có quyết tâm lớn mới làm được.
Hệ thống nhà máy nước thải Yên Xá khi hoàn thiện sẽ xử lý được bao nhiêu phần trăm nguồn nước thải của Thủ đô? Theo ông, cần thêm bao nhiêu dự án tương tự để có thể xử lý triệt để vấn đề nước thải?
- Dự án Yên Xá chỉ xử lý được một phần, vấn đề là xử lý không phải tập trung. Các nguồn cần xử lý ở khắp trong thành phố. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia, họ xây dựng khu xử lý nước rất lớn, tập trung tất cả nước thải vào đó thông qua hệ thống kênh thu nước, có như vậy mới xử lý được.
Hiện nay, tôi chưa rõ dự án Yên Xá xử lý được bao nhiêu phần trăm nhưng theo tôi không nhiều lắm, không giải quyết được triệt để vấn đề. Do đó cần phải có một quy hoạch tổng thể, trên toàn bộ lãnh thổ, toàn bộ Thủ đô, kết hợp với những phương án rất cụ thể mới có thể làm được.
Trân trọng cảm ơn ông!
XUÂN NGUYỄN - QUỐC THANH (thực hiện)

XUÂN NGUYỄN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/hoi-sinh-nhung-dong-song-den-10279042.html