Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) năm 2024.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.

Theo báo cáo công tác PCTT&TKCN năm 2023, ở nước ta, thiên tai xảy ra cực đoan trên các vùng, miền với 1.964 trận thiên tai (21/22 loại hình), đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt trên diện rộng.

Thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, các sự cố tai nạn trên biển, sập đổ công trình, sự cố hóa chất, tràn dầu, hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng so với năm trước. Thiệt hại về kinh tế do sự cố, thiên tai ước tính 9.324 tỷ đồng

Cuối tháng 9/2023, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, khu vực tỉnh Ninh Bình đã có mưa to đến rất to. Mực nước lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 3,82m (dưới báo động III 0,18m). Đó là nguyên nhân gây úng ngập lúa mùa, hoa màu, thủy sản và các hộ gia đình tại các thôn ngoài đê thuộc huyện Gia Viễn. Ước tính thiệt hại trên 6,4 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn toàn quốc, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng. Các đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; tình trạng xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long (nghiêm trọng nhất tại khu vực Cà Mau); tình trạng hạn hán ở khu vực Tây Nguyên; mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước.

Tại hội nghị, đại diện Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: Dự kiến từ nay đến cuối năm, sẽ tiếp tục có các đợt nắng kéo dài với cường độ mạnh hơn, gây khô hạn diện rộng. Đối với bão và áp thấp nhiệt đới dự kiến sẽ có từ 11-13 cơn, trong đó có khoảng 5-7 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền. Lũ lụt dự kiến sẽ xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 11... Do đó, các ban, ngành, địa phương cần chủ động xây dựng các phương án PCTT từ sớm để giảm thiểu thiệt hại.

Đại diện các địa phương đã báo cáo về công tác PCTT, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ các địa phương kinh phí để tu sửa các công trình trọng yếu, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác PCTT & TKCN năm 2024. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, có các giải pháp phòng, chống, ứng cứu thiên tai, sự cố…

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Từ nay đến hết năm 2024, dự báo thời tiết vẫn còn nhiều diễn biến bất thường, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm tra hiện trạng các khu vực trọng yếu trước mùa mưa bão; thực hiện tốt Luật Phòng thủ dân sự; Ban chỉ đạo PCTT và TKCN các cấp cần tăng cường công tác chỉ đạo, tham mưu ứng phó kịp thời với thiên tai, sự cố.

Các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đa dạng các hình thức truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội để nâng cao nhận thức của người dân về PCTT; kiểm tra, rà soát các kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai và có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn cần nâng cao chất lượng dự báo, thông tin kịp thời để các địa phương chủ động phương án PCTT. Người đứng đầu các địa phương phải nâng cao năng lực điều hành, chỉ đạo khi xảy ra các sự cố về thiên tai, đồng thời huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng, khắc phục hậu quả, tranh thủ các nguồn xã hội hóa ngoài nguồn hỗ trợ từ Trung ương.

Đối với các tổ chức quốc tế, Chính phủ Việt Nam mong muốn các tổ chức tiếp tục đồng hành, trao đổi kinh nghiệm, thông tin, hỗ trợ đào tạo chuyên môn về PCTT. Ngoài ra có thể hỗ trợ chuyển giao, đầu tư cho các ngành, địa phương trên cả nước về hạ tầng kỹ thuật trong phòng PCTT & TKCN thông qua các chương trình, dự án.

Minh Đường-Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hoi-nghi-truc-tuyen-ve-cong-tac-phong-chong-thien-tai-va-tim/d20240510144215870.htm