Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết Luật Giám định tư pháp

BHG - Sáng 17.5, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thực hiện Luật Giám định tư pháp (GĐTP) năm 2012 và Đề án 250 năm 2018 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP (Đề án 250). Các đồng chí Lương Mai Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính T.Ư đồng chủ trì tại điểm cầu Bộ Tư pháp. Dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

Các đại biểu dự tại điểm cầu tỉnh Hà Giang.

Sau 12 năm thực hiện Luật GĐTP và 5 năm triển khai thực hiện Đề án 250 của Chính phủ về tiếp tục đổi và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP đã góp phần tạo bước tiến quan trọng cho sự phát triển của công tác GĐTP cả về tổ chức hệ thống, đội ngũ người GĐTP, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giám định; tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, chỉ đạo chuyên ngành và sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan tố tụng, chính quyền địa phương được quan tâm, chú trọng. Chất lượng các hoạt động trưng cầu và thực hiện giám định được nâng cao.

Kết quả các hoạt động GĐTP trong thời gian qua đã góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết đúng đắn các vụ án, phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm nói chung, nhất là các vụ án về tham nhũng, tiêu cực; qua đó góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tại tỉnh Hà Giang, trên cơ sở Luật GĐTP và Đề án 250, những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai, thực hiện, qua đó đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, đưa ra các kết luận bảo đảm chính xác, khoa học; cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng cho các tổ chức GĐTP được quan tâm đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Từ năm 2018 đến nay, ngành chuyên môn của tỉnh chưa nhận được đơn thư, khiếu nại nào về công tác GĐTP.

Để thực hiện hiệu quả Luật GĐTP và Đề án 250, trong thời gian tới, ngành Tư pháp, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động và quản lý GĐTP nhằm tạo chuyển biến căn bản, đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động GĐTP, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng, phòng, chống tội phạm, tham nhũng, đồng thời tạo động lực mới thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động GĐTP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực pháp y, pháp y tâm thần cả về số lượng và chất lượng chuyên môn, kiến thức pháp lý đáp ứng yêu cầu của công tác GĐTP trong tình hình mới; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho tổ chức GĐTP công lập bảo đảm thực hiện chính xác, đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của hoạt động tố tụng đối với GĐTP.

Tin, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202405/hoi-nghi-truc-tuyen-toan-quoc-tong-ket-luat-giam-dinh-tu-phap-1606782/