Hội nghị thượng đỉnh AL: Định hình con đường phát triển mới cho khu vực

Sau hai ngày nhóm họp, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập (AL) lần thứ 31 đã kết thúc vào ngày 2/11 với việc thông qua Tuyên bố Algiers, kêu gọi hành động tập thể để giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực.

Đại diện các nước tham dự phiên họp trù bị trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh AL tại Algiers, Algeria, ngày 31/10/2022. (Ảnh: AP Photo/Anis Belghoul)

Tối 1/11, Hội nghị thượng đỉnh AL lần thứ 31 đã khai mạc tại thủ đô Algiers của Algeria với an ninh lương thực và vấn đề Palestine là trọng tâm của chương trình nghị sự. Hội nghị thượng đỉnh gần đây nhất của AL gồm 22 thành viên diễn ra năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong những năm sau đó, những vấn đề mới nảy sinh bao gồm việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và bốn quốc gia Ả Rập; hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine… đã tái định hình chương trình nghị sự khu vực.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh lạm phát gia tăng, tình trạng thiếu lương thực và năng lượng, hạn hán và chi phí sinh hoạt tăng cao trên khắp Trung Đông và châu Phi.

Các nhà phân tích tin rằng những đồng thuận quan trọng đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh AL được tổ chức lần đầu tiên sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19 có thể giúp giải quyết các thách thức mà các quốc gia Ả Rập đang đối mặt, đồng thời kêu gọi hợp tác toàn cầu để mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn cho khối Ả Rập.

Sự kiện cũng được kỳ vọng là sẽ mở ra cơ hội cho Algeria thể hiện vai trò đầu tàu trong thế giới Ả Rập. Algeria là nhà sản xuất dầu khí lớn và được các quốc gia châu Âu coi là nhà cung cấp nhiên liệu chính trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu bắt nguồn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine đang lan rộng.

Về vấn đề thực phẩm, năng lượng

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày diễn ra vào thời điểm những thách thức mới phát sinh đang tái định hình chương trình nghị sự của khu vực.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit cho biết khu vực này là trung tâm cung cấp năng lượng toàn cầu và điều phối giá cả mặt hàng này. Tuy nhiên, khu vực Ả Rập cũng là nạn nhân của biến đổi khí hậu và khan hiếm nước. Đây cũng là khu vực đang phải đối mặt với những nguy cơ bất ổn về an ninh lương thực.

Đề cập tới những thách thức đang nổi lên trong thế giới Ả Rập, bao gồm an ninh lương thực và năng lượng – vốn là những vấn đề trọng tâm của chương trình nghị sự tại Hội nghị thượng đỉnh, ông Gheit kêu gọi các nước đưa ra một "tầm nhìn Ả Rập thống nhất" để giải quyết các vấn đề cấp bách.

Theo tuyên bố chung được thông qua, các nhà lãnh đạo Ả Rập kêu gọi hợp tác trong việc đảm bảo an ninh lương thực và năng lượng, đối phó với biến đổi khí hậu và chấm dứt các cuộc khủng hoảng ở một số quốc gia Ả Rập. Trong bối cảnh hiện nay, việc các nước Ả Rập đạt được đồng thuận chung về các vấn đề phát triển chung được kỳ vọng là sẽ giúp tăng cường sự gắn kết trong khu vực.

Giáo sư Taoufik Boukadeh tại Đại học Algiers, cho rằng các nhà lãnh đạo Ả Rập rất coi trọng hợp tác kinh tế để đảm bảo an ninh cho giỏ lương thực Ả Rập và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Ông Ding Long, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Đông thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, lưu ý rằng trước những thách thức to lớn mà thế giới Ả Rập phải đối mặt, việc các nhà lãnh đạo cùng ngồi lại với nhau và đạt được thỏa thuận về các vấn đề bao gồm phát triển cũng như lương thực và năng lượng là điều rất có ý nghĩa.

Truyền thông đưa tin về Hội nghị. (Ảnh : AP Photo/Anis Belghoul)

Ổn định khu vực

Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo Ả Rập cũng nhất trí về việc giữ vững lập trường vững chắc để duy trì hòa bình và thống nhất trong khu vực, đặc biệt là liên quan đến tình hình Palestine, Syria, Yemen, Libya và Li-băng. Các nhà lãnh đạo đồng thời nhắc lại sự ủng hộ hoàn toàn đối với việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập trên cơ sở biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, đồng thời hối thúc Israel ngừng các cuộc tấn công chống người Palestine và chấm dứt phong tỏa Dải Gaza.

Trong nhiều tháng qua, Algeria đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa các phe phái tại Palestine để thảo luận về một đề xuất hòa giải sẽ mở đường cho các cuộc bầu cử để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc. Vài tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh AL, tổng cộng 14 phe phái tại Palestine, bao gồm cả đảng Fatah và Hamas, đã ký một thỏa thuận hòa giải ở thủ đô Algiers để chấm dứt sự chia rẽ kéo dài 15 năm với sự hiện diện của Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune.

Tìm kiếm những mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn

Trong những năm gần đây, tầm ảnh hưởng từ bên ngoài tới tình hình khu vực Trung Đông đã có dấu hiệu giảm bớt, quan hệ giữa các nước Trung Đông đã được cải thiện và các phe phái khác nhau cũng phát triển theo hướng cân bằng hơn. Tất cả những điều này đã giúp các nước xích lại gần hơn trước mục tiêu tìm kiếm con đường phát triển cho khu vực.

Đề cập tới thực tế này, ông Aboul Gheit cho rằng các quốc gia Ả Rập cần tăng cường quan hệ đối tác với các nước trên toàn thế giới hơn bao giờ hết. Ông cũng đồng thời lưu ý thêm rằng các nước Ả Rập đang trông đợi vào Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Ả Rập đầu tiên và Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập - châu Phi lần thứ năm, dự kiến sẽ diễn ra tại Ả rập Xê út trong thời gian tới.

Các nhà phân tích cho rằng việc các nước Ả Rập tìm kiếm thêm nhiều cơ hội hợp tác với bên ngoài sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển hơn và đóng góp vào sự ổn định của khu vực.

Ông Li Weijian, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho rằng các nước Ả Rập đang hình thành những điểm chung mới, bao gồm tập trung vào phát triển trong nước, các vấn đề khu vực và quan hệ quốc tế, và điều này sẽ mở ra một giai đoạn mới cho AL./.

T.Lan (Theo Xinhua, AP)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/hoi-nghi-thuong-dinh-al-dinh-hinh-con-duong-phat-trien-moi-cho-khu-vuc-623549.html