Hội nghị Ngoại trưởng EU khẳng định 'đoàn kết' với Ukraine

Nhóm họp hôm 22/4 ở Luxembourg, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa khẳng định 'tình đoàn kết' với Ukraine. Tuy nhiên không có cam kết cụ thể nào được đưa ra liên quan tới hệ thống phòng không Patriot như yêu cầu của quốc gia Đông Âu.

Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu Josep Borrell đã bày tỏ sự thất vọng khi các nước thành viên không thể đưa ra các cam kết bổ sung. Ông đồng thời cho biết đang cố gắng để "các nước thành viên hiểu và nhận thức được" sự cần thiết phải làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ Ukraine.

Ngoại trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Luxembourg để thảo luận về việc tăng cường hệ thống phòng không của Ukraine. Ảnh: Getty

Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang năm thứ 3 và vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu, các chính phủ Liên minh châu Âu đang chịu áp lực phải cung cấp thêm sự hỗ trợ cho Ukraine, nhất là hệ thống phòng không. Tuy nhiên, kể từ khi Ukraine bắt đầu thúc đẩy mua thêm Patriot, lại không có mấy quốc gia châu Âu hào hứng với đề xuất, bao gồm cả Đức. Nước này đã cung cấp 3 hệ thống Patriot cho Ukraine và hồi tuần trước đã tuyên bố rõ ràng rằng sẽ không cung cấp thêm nữa.

Các chính phủ châu Âu tuyên bố, họ cần duy trì khả năng phòng thủ của mình, đồng thời lưu ý rằng, nhiều hệ thống phòng không của Mỹ có thể sẽ được cung cấp cho Ukraine sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói hỗ trợ 61 tỷ đôla vào cuối tuần trước, bao gồm 13,8 tỷ USD để Ukraine mua vũ khí.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh: “Sau cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Hạ viện Mỹ, cuối cùng chúng ta đã đạt đến tình huống mà cả châu Âu và Mỹ đều có chung tiếng nói về việc hỗ trợ Ukraine. Đây không chỉ là một thời điểm tốt đẹp và quan trọng đối với Ukraine, mà còn đối với việc đảm bảo trật tự hòa bình ở châu Âu. Đó là lý do tại sao chúng tôi thảo luận về việc mở rộng hỗ trợ năng lực phòng không cho Ukraine. Phía Đức đã đưa ra sáng kiến và cũng đã cung cấp hệ thống Patriot cho Ukraine.

Giống như tại G7 và Hội đồng NATO - Ukraine, chúng tôi tiếp tục hối thúc các nước thông qua cách nhìn khác về hệ thống phòng không, kiểm kê và xem xét có thể mở rộng việc hỗ trợ phòng không cho Ukraine như thế nào".

Patriot là hệ thống tên lửa dẫn đường có thể đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ngoài tính hiệu quả cao, một trong những lợi thế chính của các hệ thống do Mỹ sản xuất là quân đội Ukraine đã được đào tạo để sử dụng chúng.

Tuy nhiên, để sản xuất một hệ thống Patriot cần nhiều thời gian, có thể lên tới 2 năm. Chính vì vậy, một số quốc gia không muốn cho đi. Đức hiện có 12 hệ thống nhưng đã cung cấp 3 chiếc cho Ukraine. Trong khi đó, Ba Lan - quốc gia giáp biên giới với Ukraine, có 2 hệ thống và cần chúng để phòng thủ.

Tình đoàn kết của phương Tây đối với Ukraine là điều không thể phủ nhận. Song rõ ràng, việc liệu các quốc gia NATO ở châu Âu có sẵn lòng chấp nhận rủi ro khi giảm kho vũ khí của mình xuống dưới mức tối thiểu cần thiết cho an ninh quốc gia để hỗ trợ Ukraine hay không lại là rào cản mà không mấy quốc gia châu Âu có thể vượt qua. Nhóm các nước cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine hay còn gọi là Ramstein sẽ gặp nhau vào cuối tuần này để thảo luận về việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine và Patriot dự kiến sẽ tiếp tục là tâm điểm.

Thu Hoài/VOV1 Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/hoi-nghi-ngoai-truong-eu-khang-dinh-doan-ket-voi-ukraine-post1090912.vov