Học sinh miền Nam trên đất Bắc và cuộc hội ngộ đặc biệt tại TP.HCM

Sáng 17.5, đông đảo học sinh miền Nam trên đất Bắc tụ hội về Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh để gặp gỡ và tham dự sự kiện Trưng bày chuyên đề Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 – 1975).

Trong khuôn khổ chương trình các ngày kỷ niệm trọng điểm quốc gia trong năm 2024, kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định Genève và sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc (1954 – 2024), Ban Liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương phối hợp với Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Vĩnh Phúc tổ chức trưng bày chuyên đề Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 – 1975).

Ông Trương Hòa Bình, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, cùng các học sinh miền Nam trên đất Bắc nhìn lại các bức hình. Ảnh: Nguyễn Á

Theo tinh thần Hiệp định Genève về việc chuyển quân của các bên, những chuyến tàu Tập kết đã chở hơn 200.000 đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, thiếu niên từ miền Nam ra miền Bắc trong các năm 1954 và 1955. Kể từ đó cho đến ngày kết thúc chiến tranh năm 1975, đã hình thành một cộng đồng người – miền – Nam – tập – kết trên đất Bắc, trong đó có các thế hệ học sinh miền Nam.

Trưng bày chuyên đề lần này nhằm giới thiệu đến công chúng các thông tin, hình ảnh và hiện vật về quá trình học tập, rèn luyện, trưởng thành của các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc từ 1954 đến 1975. Đó là các thế hệ học sinh mà cha mẹ đều tham gia hoạt động yêu nước, chiến đấu vì độc lập, tự do của đất nước ở chiến trường miền Nam.

Cộng đồng 32.000 học sinh miền Nam thuộc nhiều thế hệ đã sống và học tập trong sự dạy dỗ hết lòng của các thầy cô giáo, sự yêu thương, đùm bọc của đồng bào nhiều địa phương ở miền Bắc, khi trưởng thành đã cống hiến đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong hòa bình từ sau ngày 30.4.1975.

Nhiều thế hệ học sinh miền Nam đã trở thành lãnh đạo ở các cấp trung ương, tỉnh/ thành, nhiều người là trí thức tiêu biểu, là Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Anh hùng Lao động.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cùng bức ảnh lớp của mình tại miền Bắc. Ảnh: Nguyễn Á

Trưng bày Học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 – 1975) lần đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của các thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung và học sinh miền Nam nói riêng trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước và xây dựng và bảo vệ tổ quốc, qua đó góp phần giáo dục công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.

Đến tham dự buổi khai mạc có sự hiện diện của các thế hệ học sinh miền Nam ưu tú đã có nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước thuộc cộng đồng người – miền – Nam – tập – kết trên đất Bắc và đại diện nhân dân các địa phương miền Bắc từng góp phần cưu mang, đùm bọc học sinh miền Nam.

Ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, tặng kỷ vật cho ông Huỳnh Văn Thòn và bà Nguyễn Thế Thanh, đại diện Ban liên lạc Học sinh miền Nam. Ảnh: Nguyễn Á

Có mặt tại lễ khai mạc, ông Huỳnh Văn Thòn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương, Anh hùng Lao động, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ là một phần của lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước suốt 20 năm từ 1954 đến 1975, học sinh Miền Nam trên đất Bắc đã được nuôi dạy tận tâm, chu đáo trong hệ thống hàng chục trường học sinh miền Nam trú đóng thuộc nhiều tỉnh, thành miền Bắc, như: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Đông, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Bắc, Hải Hưng, Bắc Thái, Quảng Ninh, Vĩnh Phú...; sang cả Khu học xá Nam Ninh, Quế Lâm (tỉnh quảng Tây, Trung Quốc) và nước Cộng hòa dân chủ Đức. Thống kê tháng 7.1973 cho biết từ năm học 1956 – 1957 đến năm học 1972 – 1973 số học sinh miền Nam đã vào các trường đại học trong và ngoài nước là 12.539 người, số đã vào các trường trung học trong và ngoài nước là 2.918 người.

"Ngoài ra còn hàng ngàn người gia nhập lực lượng quân đội, công an nhân dân; trong đó nhiều người về miền Nam chiến đấu trước tháng 4.1975. Theo quyết định của Chính phủ, các trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc kết thúc hoạt động từ tháng 8.1975. Tất cả học sinh miền Nam ở miền Bắc cũng như ở Trung Quốc đều được đưa về các tỉnh ở miền Nam để tiếp tục học tập.

Tổ chức cuộc triển lãm Học sinh miền Nam trên đất Bắc với gần 300 hình ảnh, hiện vật vào dịp này, Ban liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương mong muốn dù cho thời gian có lùi xa 70 năm hoặc lâu hơn nữa thì mỗi chúng ta người tóc bạc kẻ đầu xanh cũng không được quên rằng các giá trị lớn lao ta đang có: Hòa Bình – Đoàn tụ - Thống nhất – Phát triển đã được đánh đổi bằng cái giá rất đắt của mất mát, hi sinh và chia cắt. Mỗi chúng ta hôm nay không được quên rằng, trong khi cha mẹ đang chiến đấu, hi sinh quên mình cho công cuộc giải phóng đất nước, các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc đã được nuôi dưỡng, đào tạo trong một môi trường tận tình, chu đáo, trách nhiệm và tình thương cao cả của các thấy giáo, cô giáo, của các cô chú phục vụ; sự đùm bọc, che chở, yêu thương, chăm sóc của bà con nơi sở tại, của chính quyền và nhân dân địa phương, trong đó tập trung nhất là các tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Phòng…”, ông Huỳnh Văn Thòn phát biểu.

Đông đảo học sinh miền Nam trên đất Bắc đến dự lễ khai mạc trưng bày. Ảnh: Nguyễn Á

Những cái nắm tay ân tình. Ảnh: Nguyễn Á

Cùng nhìn ngắm, kể lại những bức ảnh về một thời. Ảnh: Nguyễn Á

Khách mời chụp hình lưu niệm cùng Học sinh miền Nam trên đất Bắc. Ảnh: Nguyễn Á

Ban Liên lạc Học sinh miền Nam Trung ương cho biết luôn mong muốn rằng ký ức tốt đẹp của Học sinh miền Nam trên đất Bắc, thông qua các cuộc triển lãm như thế này ở TP.HCM, ở Cà Mau, ở Thanh Hóa… sẽ được lưu giữ một cách trân trọng, góp phần truyền cảm hứng lịch sử đến thế hệ trẻ.

Đây cũng là một hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Bảo tàng 18.5.2024. Thông qua hoạt động phối hợp trưng bày, triển lãm nhằm tiếp tục duy trì và phát huy sự liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn giữa các bảo tàng, qua đó góp phần phát triển công tác bảo vệ và phát huy di sản văn hóa của các tỉnh, thành phố.

Trưng bày chuyên đề được tổ chức tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (65 Lý Tự Trọng, Quận 1), từ ngày 17.5.2024 đến hết ngày 30.7.2024.

Trâm Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac-va-cuoc-hoi-ngo-dac-biet-tai-tp-hcm-43728.html