Học sinh chung tay hành động vì một 'thế giới sạch hơn'

Học sinh các trường học ở Hà Nội có nhiều hoạt động như: tái chế rác thải, kêu gọi không sử dụng đồ nhựa một lần… giúp nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và vì một thế giới xanh, sạch, đẹp hơn.

Trang trí lớp học từ...rác

Trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, trong năm học, đơn vị đã tổ chức chuỗi hoạt động khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh, thực thi có hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.

Với chủ đề: “Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa bằng cách tái sử dụng và tái chế” thầy cô giáo đã lồng ghép vào tiết dạy các môn học để tuyên truyền, phát động tới các em học sinh, nhấn mạnh đặc tính khó tiêu hủy của rác thải nhựa trong tự nhiên. Chất thải nhựa, túi ni lông đang trở thành một thách thức lớn đối với cuộc sống, tác động ngày càng tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, thầy cô giáo cũng hướng dẫn học sinh cùng tái chế, trang trí trường, lớp học bằng những sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa để tạo nên một không gian xanh, một trường học xanh và tiết kiệm.

Học sinh Trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Ba Đình (Hà Nội) trang trí lớp học từ rác thải nhựa.

Học sinh Trường tiểu học Phan Chu Trinh, quận Ba Đình (Hà Nội) trang trí lớp học từ rác thải nhựa.

Do vậy, thay đổi nhận thức của cộng đồng về thói quen sử dụng đồ nhựa, túi ni lông là việc làm cấp bách, thường xuyên, nhằm giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa lên môi trường, giúp môi trường sống trong lành hơn, giảm nguy cơ bệnh tật cho con người.

Theo Ban giám hiệu nhà trường, hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, các em học sinh của trường đã dần hình thành những thói quen đơn giản giúp giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần ngay tại nhà như: Tái sử dụng các loại chai nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông và hộp đựng hàng hóa bằng nhựa, dùng bình đựng nước cá nhân, ...

Rất nhiều học sinh đã gửi những video và hình ảnh mình tự làm các sản phẩm tái chế từ các loại vật liệu, những hình ảnh đẹp thân thiện với môi trường để tham gia hưởng ứng, góp phần lan tỏa thông điệp xanh cũng như tuyên truyền tới cả người lớn cùng chung tay hạn chế dùng đồ nhựa một lần.

Kêu gọi hạn chế sử dụng đồ nhựa

Nhiều học sinh chia sẻ quan điểm bảo vệ môi trường bằng cách kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần tại chương trình Talks do Trường Hà Nội Toronto tổ chức. Với chủ đề “Chăm sóc trái đất của chúng ta”, nhiều bạn học sinh đã thể hiện sự quan tâm của mình tới vấn đề môi trường và xã hội bằng những hành động cụ thể.

Một trong những ví dụ tiêu biểu bằng hành động thực tiễn là nhóm học sinh cùng tham gia làm túi tote thân thiện với môi trường và bày bán trong sự kiện Talks nhằm gây quỹ từ thiện.

Nhóm học sinh Trường Hà Nội Toronto cùng tham gia làm túi tote thân thiện với môi trường và bày bán trong sự kiện Talks nhằm gây quỹ từ thiện.

Nhóm học sinh Trường Hà Nội Toronto cùng tham gia làm túi tote thân thiện với môi trường và bày bán trong sự kiện Talks nhằm gây quỹ từ thiện.

Ngoài ra, tại chương trình Talks, nhiều học sinh đã quan tâm đến các vấn đề làm thế nào bảo vệ môi trường sống, khơi gợi khơi gợi sự quan tâm và trách nhiệm xã hội của những người khác.

Giới thiệu với thầy cô, bạn bè về chủ đề “Một thế giới đang biến đổi”, em Danie Pham, học sinh lớp 7 cho rằng, nhiệt độ trái đất dần nóng lên, cảnh quan thay đổi và tài nguyên cạn kiệt. Con người buộc phải thích ứng với những điều đó. Em kêu gọi người lớn, trẻ em hãy bắt đầu lan truyền giúp thay đổi nhận thức bằng những hành động nhỏ để bảo vệ môi trường. Em ví dụ, khi cầm một viên sỏi trên tay nhìn rất nhỏ bé và lẻ loi. Thế nhưng, khi thả viên sỏi vào chậu nước, đã lập tức xuất hiện những sóng nước lan ra, biến đổi toàn bộ bề mặt. Đây là lời nhắc mạnh mẽ rằng ngay cả những hành động nhỏ nhất cũng có thể có tác động lớn.

“Tắt đèn, trồng hoa hoặc tái chế nhựa, những việc nhỏ như “viên sỏi”. Bằng việc thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể tạo ra hiệu ứng lan truyền. Mỗi chai nhựa tái chế, mỗi bông hoa được trồng, mỗi đèn bật tắt đều đóng góp vào một làn sóng tích cực của sự thay đổi. Hành động tập thể này có sức mạnh để bảo vệ hành tinh của chúng ta, ngôi nhà của chúng ta”, em kêu gọi.

Còn Quỳnh Anh, học sinh lớp 4 của trường này cũng trăn trở với một trong những vấn đề lớn tác động đến môi trường đó chính là chặt phá rừng. “Điều này có nghĩa là con người đang chặt cây để làm đất trống hoặc sử dụng gỗ từ cây để làm các sản phẩm phục vụ cuộc sống”, Quỳnh Anh nói.

Theo Quỳnh Anh, cây có vai trò, ý nghĩa rất lớn đó là cung cấp ô xy, không khí trong lành cho con người hít thở. Tuy nhiên, việc phá rừng đã và đang góp phần vào hiện tượng nóng lên toàn cầu, một vấn đề đáng lo ngại tác động đến đời sống con người. Bên cạnh đó, đốt cây cối cũng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn bằng cách thải ra các khí nhà kính có hại.

Quỳnh Anh đưa ra quan điểm, những hành động nhỏ từ hôm nay cũng có thể mang lại sự khác biệt to lớn. Chúng ta cần tích cực thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn rừng cũng như trồng thêm cây xanh. Cây cối cung cấp môi trường sống cho rất nhiều loài động vật và chúng xứng đáng có một tổ ấm. Bằng cách nâng cao nhận thức và tham gia tích cực vào các hoạt động tái lập rừng, chúng ta có thể bảo vệ tài nguyên quan trọng này cho tất cả mọi người. Hay các bạn có thể làm rất nhiều điều để giúp lan tỏa thông điệp này, như chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và tham gia các sự kiện dọn dẹp địa phương.

Cùng chủ đề bảo vệ môi trường, có em thuyết trình về mơ ước có một hành tinh khỏe mạnh. Nhưng thực tế khác xa giấc mơ, đó là trái đất đang đối mặt với những thách thức về ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và vấn đề rác thải, nhựa, ô nhiễm tiếng ồn.

“Khi sử dụng một hộp nước trái cây và thọc vào ống hút rồi vứt thẳng ra thùng rác, bạn đã tạo ra ô nhiễm nhựa mà có thể mất hàng nghìn năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Đó là lý do tại sao ô nhiễm nhựa là một vấn đề lớn đòi hỏi sự chú ý ngay lập tức của chúng ta”, em lập luận.

Vì thế, học sinh này kêu gọi các bạn trong và ngoài trường học thay vì luôn luôn nhận những thứ mới, như chai nhựa chúng ta vứt đi sau một lần sử dụng, hãy sử dụng các vật dụng có thể tái sử dụng. Và khi chúng ta tái chế giấy và nhựa, chúng ta đang biến rác thành vật quý. Những điều đơn giản này giúp duy trì hành tinh của chúng ta sạch đẹp, xanh tươi và khỏe mạnh.

Ví dụ, mang theo một túi tái sử dụng khi đi mua sắm thay vì sử dụng túi nhựa mới mỗi lần. Điều này giảm số lượng túi nhựa trong các đống rác của chúng ta.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoc-sinh-chung-tay-hanh-dong-vi-mot-the-gioi-sach-hon-post1638497.tpo