Họa sĩ Nguyễn Phước Nhật: Mỗi bức tranh Trúc Chỉ đều có một linh hồn

Với niềm đam mê dòng tranh Trúc Chỉ, hơn 10 năm qua, họa sĩ Nguyễn Phước Nhật - một người con của quê hương Quảng Trị - luôn miệt mài để sáng tạo nên những bức tranh được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật. Bằng những tác phẩm của mình, Phước Nhật mong muốn góp phần xây dựng một giá trị văn hóa mới với tất cả niềm yêu thương như một cách tri ân quê hương đã sản sinh, nuôi dưỡng mạch nguồn văn hóa và sáng tạo.

Miệt mài sáng tạo

“Trúc Chỉ Garden” tại địa chỉ số 52 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế vào dịp cuối tuần tấp nập khách du lịch nước ngoài và những người có nhu cầu mua sắm ghé đến tham quan. Đây là nơi trưng bày tất cả các tác phẩm từ tranh tín ngưỡng, tranh trang trí đến quạt giấy, nón, lồng đèn... được tạo nên từ Trúc Chỉ.

Đang tất bật giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng nhưng khi nhìn thấy chúng tôi, họa sĩ Nguyễn Phước Nhật, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam đã kịp giao lại công việc cho đồng nghiệp để chào đón những người đồng hương ghé thăm.

Họa sĩ Nguyễn Phước Nhật miệt mài sáng tác - Ảnh: T.P

Họa sĩ Nguyễn Phước Nhật miệt mài sáng tác - Ảnh: T.P

Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng “Trúc Chỉ Garden”, anh Nhật cho hay: “Có thể hiểu nôm na, Trúc Chỉ là một loại giấy được làm từ các nguyên liệu xơ sợi có sẵn như: tre, rơm, mía, chuối, bèo, bắp, dứa, dâu, cỏ, lá... Mỗi tác phẩm Trúc Chỉ đều mang vẻ đẹp hoàn toàn không giống nhau”. Kỹ thuật đồ họa Trúc Chỉ được thực hiện dựa trên sự kết hợp, ứng biến của 3 yếu tố: quy trình làm giấy thủ công truyền thống; kỹ thuật tạo áp lực nước và nguyên lý của nghệ thuật đồ họa.

Họa sĩ có thể tạo tác theo nguyên lý in khắc kim loại và in xuyên, tạo nhiều sắc độ theo độ dày mỏng, cấu trúc, bố cục, hiệu quả ánh sáng trên bề mặt giấy. Hoặc cũng có thể sử dụng áp lực nước để vẽ trực tiếp trên tấm giấy ướt nhằm cho ra những tác phẩm như mong muốn. Điều này tạo nên hệ thống lớp lang, sắc độ, sắc nhị tinh tế cho tác phẩm đồ - họa - giấy mà trước nay chỉ mới có được ở Trúc Chỉ.

Cuối năm 2013, trong khi đang loay hoay lựa chọn đề tài để làm đồ án tiền tốt nghiệp, anh Nhật có cơ hội làm việc với thầy Phan Hải Bằng, giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Huế, đồng thời cũng là người khai sinh ra Trúc Chỉ ở Việt Nam. Không chỉ ấn tượng bởi câu chuyện về hành trình xây dựng giá trị nghệ thuật mới cho Việt Nam của thầy Bằng và các cộng sự mà chàng sinh viên năm ấy còn bị cuốn hút trước nghệ thuật độc đáo mà Trúc Chỉ mang lại.

“Trúc Chỉ có khả năng biến hóa, phát huy vẻ đẹp ở cả mảng mỹ thuật tạo hình lẫn mỹ thuật ứng dụng, tạo ra mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa 2 mảng này. Nhưng tôi tin rằng, Trúc Chỉ còn nhiều khả năng khác chưa được khám phá hết. Đó cũng là lý do sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định gắn bó với “Trúc Chỉ Garden” cho đến bây giờ”, anh Nhật nhớ lại.

“Vọng nguyệt” là tác phẩm đầu tay của anh tại Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam và đã được trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung 2014. Được biết, anh Nhật đã phải mất gần nửa tháng để vừa lên ý tưởng, thiết kế và hoàn thiện tác phẩm. Dưới áp lực nước và bàn tay khéo léo của anh, bức tranh “Vọng nguyệt” với chủ thể là cá và trăng hiện ra sống động và chân thực vô cùng.

Suốt hơn 10 năm làm việc tại đây, họa sĩ Phước Nhật luôn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo để cho ra đời nhiều tác phẩm ấn tượng, thu hút cả những người có đam mê nghệ thuật lẫn khách hàng khó tính. Đến thời điểm hiện tại, các tác phẩm của anh đã tham gia gần 50 cuộc triển lãm mỹ thuật trong và ngoài nước.

Qua đó, giúp anh mang về nhiều giải thưởng danh giá trong sự nghiệp của mình như: giải Nhất cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ Thừa Thiên Huế 2023; giải Ba Triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2022; giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần V, 2022; giải C Triển lãm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh 2018...

Tạo “linh hồn” cho Trúc Chỉ

Họa sĩ Phan Hải Bằng, “cha đẻ” của nghệ thuật Trúc Chỉ từng nhận xét về chàng họa sĩ đến từ Vĩnh Linh: “Phước Nhật là một người chăm chỉ, ham học hỏi và sáng tạo. Kể từ khi tiếp xúc với nghệ thuật Trúc Chỉ, chàng họa sĩ này đã tự tạo dấu ấn cá nhân thông qua mỗi tác phẩm của mình, nhất là trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng. Phước Nhật cũng là một trong số không nhiều họa sĩ đã tạo nên “linh hồn” của Trúc Chỉ với các thiết kế độc đáo mà gần gũi, sang trọng”.

Nhiều người thích thú khi được ngắm nhìn và tự tay làm tranh Trúc Chỉ - Ảnh: T.P

Nhiều người thích thú khi được ngắm nhìn và tự tay làm tranh Trúc Chỉ - Ảnh: T.P

Là người góp phần đưa nghệ thuật Trúc Chỉ đến gần công chúng, đa phần khách hàng khi đến tham quan, thưởng thức tranh tại “Trúc Chỉ Garden” đều tấm tắc khen ngợi trước đề tài và khả năng khắc họa hình ảnh sống động của anh Nhật. Đặc biệt, không chỉ khác nhau về hình dáng bên ngoài mà dường như mỗi tác phẩm do anh làm ra đều mang một “linh hồn” riêng. Đề tài anh chọn tương đối đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là xoay quanh hoa sen, con cá, làng quê, cảnh vật, đất nước Việt Nam.

Họa sĩ Nguyễn Phước Nhật sinh ra và lớn lên tại thôn Tiên Lai, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh. Gắn bó với nghệ thuật Trúc Chỉ từ những ngày còn là sinh viên Khoa Mỹ thuật ứng dụng, Trường Đại học Nghệ thuật Huế, Đại học Huế, tính đến nay, anh Nhật đã có hơn 10 năm làm nghề.

Quá trình tìm hiểu về nghệ thuật Trúc Chỉ, chúng tôi bất ngờ khi phát hiện ra thầy giáo, họa sĩ Phan Hải Bằng, cũng là một người con của quê hương Hải Lăng, Quảng Trị. Năm 2011, thầy cùng các cộng sự đã nghiên cứu thành công phương pháp làm giấy thủ công từ rơm, tre, mía... Từ vật liệu giấy đó, thầy đã bắt đầu áp dụng vào việc sáng tạo nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật ứng dụng.

Trong những câu chuyện vui, buồn suốt quãng thời gian dài làm nghề, đến bây giờ anh Nhật không sao quên được kỷ niệm bộ 4 tác phẩm “Hạt gạo mẹ” bị... chuột cắn mất. Lấy ý tưởng từ quá trình ba mẹ vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” trồng lúa, làm ra hạt gạo để nuôi các con lớn khôn, anh Nhật ấp ủ ý tưởng và đầu tư nhiều thời gian, công sức để hoàn thành tác phẩm.

Ấy thế mà khi chưa kịp vui vì sắp hoàn thành tác phẩm thứ 4, anh “dở khóc, dở cười” phát hiện ra tác phẩm của mình bị chuột cắn mất. “Lúc đó cũng buồn lắm, tiếc nữa. Nhưng rồi tôi tự động viên mình, chắc tại lũ chuột cứ nghĩ tác phẩm “Hạt gạo mẹ” là gạo thật”, anh Nhật cười đùa. Tác phẩm “Hạt gạo mẹ” từ bộ 4 tác phẩm được sửa lại thành bộ 2 tác phẩm sau đó đã giúp anh đoạt được giải Ba Triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc tại Hà Nội vào năm 2022.

Cửu long tranh châu”

Là loại hình nghệ thuật mới của Việt Nam, được sinh ra từ cái nôi cố đô Huế nên đề tài về rồng luôn được các họa sĩ của Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam khai thác tối đa. Và anh Nhật cũng không phải là ngoại lệ. Chàng họa sĩ trẻ chia sẻ: “Hình tượng về con rồng cùng hệ thống hoa văn cổ là nhóm đề tài rất hay, có nguồn dữ liệu phong phú để chúng tôi nghiên cứu, sáng tạo.

Ví dụ, nếu như rồng thời Lý - Trần thân dài, uốn khúc hình sin, đầu rồng có ngà, bờm và vòi uốn khúc, thì sang thời Lê, rồng có những đặc điểm dễ nhận biết hơn đó là chiếc mũi to và thân hình to khỏe cứng cáp kết hợp với mây lửa tạo vẻ uy nghi mạnh mẽ. Đến thời Nguyễn, rồng được tạo hình đa dạng nhiều biến thể hơn, thể hiện mạnh mẽ hơn, thân có vảy và khuôn mặt dữ tợn hơn. Những hình tượng rồng này cũng mang đến màu sắc mới mẻ cho tác phẩm của chúng tôi”.

Họa sĩ Nguyễn Phước Nhật sáng tác nhiều bức tranh Trúc Chỉ về chủ đề “Rồng” - Ảnh: T.P

Họa sĩ Nguyễn Phước Nhật sáng tác nhiều bức tranh Trúc Chỉ về chủ đề “Rồng” - Ảnh: T.P

Suốt thời gian qua, anh Nhật đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm lấy cảm hứng từ con rồng. Tuy nhiên, ấn tượng nhất với anh vẫn là bức tranh “Cửu long tranh châu”. Đây vốn là một điển tích nổi tiếng với hình ảnh chín con rồng uốn lượn. Trung tâm là viên ngọc quý được các linh vật vừa bảo vệ, vừa tranh giành. “Cửu long tranh châu” là tác phẩm thể hiện cho quyền lực tối đa của người đứng đầu, biểu tượng của sự giàu sang, phú quý.

Nhiều người vốn đã biết đến tác phẩm này được thể hiện bằng các hình thức khác nhau, nhưng khi nhìn thấy tác phẩm được tạo thành từ đôi bàn tay khéo léo của họa sĩ Phước Nhật vẫn không khỏi trầm trồ, thán phục. Bởi hình tượng rồng trong tranh Trúc Chỉ của anh vừa thể hiện được sự mềm mại, vừa giữ được quyền uy và sức mạnh vô song. Để hoàn thiện bức tranh, anh đã dành nhiều thời gian để truyền tải một cách gần gũi, chân thực, sống động và toát lên được ngụ ý của tranh.

Bằng sự sáng tạo và tài hoa của mình, họa sĩ Phước Nhật đã làm bật lên được ngôn ngữ tạo hình đặc trưng của nghệ thuật Trúc Chỉ, thể hiện tinh thần dân tộc thấm đẫm trong từng tác phẩm, nghệ phẩm. “Mỗi bức tranh Trúc Chỉ đều có một linh hồn và họa sĩ chính là người thổi hồn vào bức tranh. Vì vậy, để tạo ra một tác phẩm ấn tượng, chiếm được tình cảm của người xem đòi hỏi họa sĩ phải không ngừng học hỏi, trau dồi và tỉ mẩn trong từng chi tiết”, họa sĩ Phước Nhật chia sẻ.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa-the-thao/hoa-si-nguyen-phuoc-nhat-moi-buc-tranh-truc-chi-deu-co-mot-linh-hon/183379.htm