Hòa Bình nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Thời gian qua, chương trình OCOP của tỉnh Hòa Bình đã góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống địa phương. Thông qua chương trình đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Trong năm 2023, tỉnh Hòa Bình xây dựng được 39 sản phẩm OCOP mới. Trong 39 sản phẩm OCOP có 6 sản phẩm được đánh giá trên 70 điểm, thang đánh giá cấp tỉnh. Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa quy trình sản xuất, đảm bảo tính ổn định. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao tỷ lệ sản phẩm OCOP đạt 4 sao trở lên.

Đối với các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP, tỉnh Hòa Bình hướng dẫn các chủ thể tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Hòa Bình, cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục lựa chọn các mặt hàng để phát triển thành sản phẩm OCOP.

"Chúng tôi tiếp tục huy động các nguồn lực từ bên ngoài, từ các doanh nghiệp công ty có nhu cầu sản xuất về các sản phẩm thiết yếu tại các địa phương. Chúng tôi sẽ lựa chọn nơi có nguồn hàng và người dân có nhu cầu ở đó" - ông Biên cho biết.

Trong 39 sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình có 6 sản phẩm được đánh giá trên 70 điểm, thang đánh giá cấp tỉnh (Ảnh minh họa: KT)

Trong 39 sản phẩm OCOP của tỉnh Hòa Bình có 6 sản phẩm được đánh giá trên 70 điểm, thang đánh giá cấp tỉnh (Ảnh minh họa: KT)

Cùng với đó, tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các huyện, thành phố hỗ trợ các chủ thể khắc phục vấn đề về bao bì, nguồn gốc sản phẩm và sở hữu trí tuệ, tổ chức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Trong năm 2023, Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT Hòa Bình đã tổ chức ký kết hợp tác quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản với một số tỉnh, thành phố như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm tại nhiều diễn đàn, hội chợ quảng bá sản phẩm hàng nông nghiệp. Ngành nông nghiệp đã phối hợp các sở, ngành tổ chức xuất khẩu nhiều sản phẩm OCOP chất lượng sang các thị trường Mỹ, Anh, EU... Để có thể đưa được những sản phẩm OCOP vào những thị trường khó tính.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần RYB Hòa Bình, cho biết: "Để xuất khẩu các mặt hàng sang Mỹ, EU thì cần rất nhiều các tiêu chuẩn, tiêu chuẩn thú nhất là du lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng không, trên 800 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật bằng không. Thứ hai các cơ sở đóng gói phải được cấp mã số, ví dụ như đi Mỹ phải được Mỹ cấp mã số, EU cũng vậy. Thứ ba các vùng trồng phải được cấp mã số theo tiêu chuẩn đây là thủ tục để sản phẩm vào được thị trường".

Năm 2024, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu xây dựng 16 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, tiếp tục phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy, khuyến khích các phong trào phụ nữ, thanh niên, trí thức trẻ tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm OCOP mới, đặc thù gắn với địa phương. Triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP.

Mạnh Phương/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/hoa-binh-nang-cao-chat-luong-san-pham-ocop-post1073323.vov