Hoa ban Tây Bắc

Tây Bắc với những dãy núi điệp trùng, những cánh rừng ngút ngàn, những con đường đèo quanh co, những ngôi nhà sàn khi dưới thung lũng, khi cheo leo trên vách núi. Ở đó vào mùa xuân có một loài hoa nở trắng cả núi rừng, tạo cho nơi đây một vẻ đẹp lộng lẫy và kỳ vĩ không đâu có được-hoa ban. Hoa ban làm cho núi rừng Tây Bắc trở nên nên thơ, trữ tình. Hoa ban là loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Nhắc đến Tây Bắc là người ta nhắc đến hoa ban. Hay nhắc đến hoa ban là người ta nghĩ đến núi rừng Tây Bắc.

Tôi đã từng cùng đoàn công tác lên Điện Biên vào đúng mùa xuân. Đi trên những cung đường đèo quanh co uốn lượn, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là thung lũng điệp trùng và trang điểm cho núi rừng là một màu trắng tinh khôi của hoa ban. Ngoài màu trắng là chủ đạo, hoa ban còn có cả màu tím nhạt, hoặc phớt hồng. Hoa ban mọc trên dọc đường đi, những bông hoa năm cánh dịu dàng, mỏng manh lộng lẫy trên cành tỏa một mùi hương dịu nhẹ thanh khiết. Hoa ban mọc trong bản làng, trang điểm cho những mái nhà sàn thấp thoáng dưới bóng cây một vẻ đẹp như mơ như thực. Hoa ban mọc lẫn cùng cây rừng, trên những sườn non, nở từng đám, từng đám trắng xóa, hoặc phớt tím, hồng nhạt tạo cho Tây Bắc một vẻ đẹp vừa kỳ vĩ, vừa nên thơ, trữ tình.

Hoa ban nở rộ.

Không chỉ đẹp, hoa ban còn gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa của bà con các dân tộc vùng Tây Bắc, nhất là đồng bào dân tộc Thái. Lên Tây Bắc vào mùa hoa ban nở, tôi còn được nghe truyền thuyết về loài hoa gắn liền với núi rừng hùng vĩ, với bản làng của bà con các dân tộc. Chuyện kể rằng, thuở xưa có một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài giỏi và một cô gái đẹp người đẹp nết tên là Ban yêu nhau. Cha cô gái vì ham giàu sang đã mang con gái gả cho một công tử nhà giàu lười nhác, ngoại hình xấu xí. Cầu xin cha không thành, cô gái đi tìm người yêu, nhưng đến nhà chàng lại đi vắng. Nàng Ban buộc chiếc khăn Piêu vào chân cầu thang, để nếu chàng có về là biết nàng đã tới. Không thể về nhà lúc đó, nàng tiếp tục vượt núi băng rừng với mong muốn tìm thấy người yêu sớm nhất. Nàng cứ đi, cứ chạy, nhưng mãi vẫn không thấy chàng, rồi gục xuống dưới chân núi và ra đi mãi mãi. Nơi nàng nằm xuống mọc lên một cây lạ nở ra những bông hoa trắng đẹp lộng lẫy, tinh khôi. Tưởng nhớ sự son sắt thủy chung bảo vệ đến cùng tình yêu của mình, người dân lấy tên nàng để đặt cho loài hoa lạ. Cái tên hoa ban ra đời từ đó. Chàng trai sau khi từ bản bên cạnh về nhà nhìn thấy chiếc khăn Piêu buộc ở cầu thang, biết chuyện chẳng lành chạy đi khắp nơi tìm nàng Ban. Chạy qua biết bao núi bao rừng, gọi khản cả tiếng không thấy nàng Ban đâu, đến chỗ nàng nằm xuống linh tính như mách bảo… Tim chàng như thắt lại khi nhìn thấy cây hoa lạ màu trắng tỏa hương thơm dịu dàng. Chàng ngã xuống, từ từ nhẹ bẫng hóa thành một con chim nhỏ. Và từ ấy, mỗi mùa hoa ban nở người ta lại nghe thấy một loài chim có tiếng hót thánh thót nhưng vô cùng da diết, thể hiện sự nhung nhớ khôn nguôi.

Hoa ban xuất hiện đậm nét trong kho tàng văn hóa dân gian của đồng bào vùng Tây Bắc: “Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở/ Không thấy ngày ban tàn/ Không tính tháng không tính năm/ Mãi mãi như mùa ban đầu đôi ta yêu nhau”, “Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ/ Ta yêu nhau khi ban nở trên cành/ Ban sẽ héo mong ban trở lại cành/ Ban sẽ rụng mong ban rụng về gốc”... Hoa ban cũng đi vào ca dao, tục ngữ: “Quả ban tách mới đốt/ Quả ban mọc mầm mới tra nương”. “Mẹ nuôi con nhỏ vất vả/ Nuôi con út mong con khôn lớn thành người/ Con khỏe con đẹp mãi như cây hoa ban”...

Trong đời sống hiện đại vẻ đẹp của hoa ban vẫn luôn được gìn giữ, tôn vinh gắn liền với văn hóa truyền thống của vùng đất này, là điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến với Tây Bắc. Lễ hội hoa Ban hay còn gọi là lễ hội Xên Mường được người Thái ở Tây Bắc tổ chức vào mùa xuân, khi hoa ban bắt đầu nở khắp núi rừng Tây Bắc. Trong lễ hội có trang trí cành ban, vừa tạo sự trang trọng, vừa làm đẹp, đồng thời tượng trưng cho mong muốn của đồng bào dân tộc Thái về một năm mới làm ăn thuận lợi, may mắn. Nàng Ban được coi như một nữ nhân vật huyền thoại biểu thị cho sự trinh trắng của người thiếu nữ Thái và tình yêu đôi lứa thủy chung, được người dân “thỉnh” về trong lễ hội này.

Ở nhiều nơi khác trên cả nước bây giờ cũng có trồng hoa ban. Dù không được đẹp như hoa ban ở Tây Bắc nhưng cũng “thỏa lòng” những người không có điều kiện đi xa. Tại Hà Nam có con đường Điện Biên Phủ ở thành phố Phủ Lý trồng hàng trăm cây hoa ban do tỉnh Điện Biên tặng. Mỗi mùa xuân về những cây hoa ban nở trắng tinh khôi, hoặc tím nhạt tạo nên một cảnh đẹp hiếm thấy, thu hút đông đảo người dân đến ngắm cảnh và chụp ảnh.

Năm 2024, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Tây Bắc nhộn nhịp hẳn lên bởi những đoàn khách lên Điện Biên thăm lại chiến trường xưa. Nhiều đoàn chọn lên Điện Biên ngay từ đầu năm, để được ngắm núi rừng Tây Bắc vào mùa xuân, ngắm hoa ban nở miên man trên đường đi, dưới thung lũng, trong bản làng. Điện Biên xa xôi, Điện Biên đường đi khó khăn, nhưng Điện Biên mãi cuốn hút du khách, bởi lịch sử hào hùng, bởi cảnh đẹp núi rừng hùng vĩ, và còn bởi vẻ đẹp nên thơ của loài hoa gắn bó mật thiết với văn hóa, con người nơi đây-hoa ban.

Đỗ Hồng

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/ban-doc/ban-doc-viet/hoa-ban-tay-bac-122305.html