'Hiệp ước' biển cả của xóm chài

Thuyền trưởng Trần Văn Sơn vừa cập Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An (BĐBP Thừa Thiên Huế) đã mang theo món 'quà tặng' là một rổ chai nhựa và lon bia. Nhiều cán bộ tại địa phương nói vui, Liên hợp quốc vừa thông qua Hiệp ước quốc tế nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương, còn ngư dân ở đây đã thông qua ban 'Hiệp ước' về biển cả này lâu rồi.

Ban điều hành chương trình thu gom rác thải chụp ảnh lưu niệm với ngư dân mang vỏ chai vào giỏ rác tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An. Ảnh: Văn Chương

Ban điều hành chương trình thu gom rác thải chụp ảnh lưu niệm với ngư dân mang vỏ chai vào giỏ rác tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An. Ảnh: Văn Chương

Ngày 4/3/2023, các nước thành viên Liên hợp quốc cuối cùng cũng đã thông qua văn bản của Hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ vùng biển quốc tế, bảo vệ môi trường biển cho thế hệ kế tiếp sau nhiều năm đàm phán, nhằm bảo vệ môi trường cho đại dương, để các thế hệ mai sau được hưởng cuộc sống trong lành. Tấm ảnh gây xúc động và lan truyền khắp thế giới, đó là bà Rena Leé, chủ trì hội nghị đã bật khóc vào giờ phút “Hiệp ước biển cả” được thông qua.

Vào giờ phút đó, anh Lê Văn Tuất, phụ trách Hội Cựu chiến binh tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An thốt lên sung sướng: “Rứa là Thuận An đi trước, đã ký kết “Hiệp ước” gom chai, lon được gần 5 năm rồi”. “Hiệp ước” mà anh Tuất nói đang được tổ chức thường xuyên tại cửa biển Thuận An với tên gọi “Ngôi nhà xanh, biến rác đại dương thành tiền”.

Khi buổi chiều tắt nắng, cửa biển Thuận An trở nên tấp nập tàu thuyền xuôi ra biển đánh cá và sáng hôm sau sẽ trở về đất liền. Đó là đội tàu nhỏ, chiều dài thân vỏ dưới 15m, đánh bắt cá gần bờ. Tôi nhảy lên một tàu để ước chừng chai, lon, hộp giấy… trên một con tàu theo ngư dân ra biển là bao nhiêu. Nếu mỗi ngày, ngư dân đều ném hết những thứ này xuống biển thì quả là “biển ốm”.

Tôi hỏi một ngư dân đi trên tàu: “Mỗi ngày ra biển thì mang theo bao nhiêu chai nhựa, lon nước bằng nhôm và khi sử dụng xong thì sẽ bỏ những thứ này vào vị trí nào?”. Anh Hòa, một ngư dân cho biết: “Chừ đã đỡ ném xuống biển, còn hồi trước, cứ uống xong lại tiện tay quăng xuống nước vì nghĩ biển bao la, mấy cái chai thì nhằm nhò gì”.

Đại úy Nguyễn Minh Phú, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An cho biết, loại tàu đi khơi, đánh bắt xa bờ ở riêng cửa biển Thuận An là 128 chiếc, mỗi tháng đi biển từ 15-17 ngày mới trở về bờ. Mỗi phiên đi biển có 9 bạn chài/tàu, mỗi chuyến mang theo khoảng 60 vỏ chai nhựa loại 1,5 lít, bia lon khoảng 10 thùng. Vậy, chỉ tính riêng đội tàu này, nếu không mang rác trở về đất liền thì mỗi tháng đã xả ra biển hơn 41.000 vỏ lon, chai.

Chính vì vậy, để bảo vệ môi trường cho đại dương, ngày 3/3/2017, Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An và Hội Cựu chiến binh tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An đã thông qua chương trình vận động bà con ngư dân không xả rác xuống biển, toàn bộ chai, lon nhựa, nhôm, hộp giấy đều mang về đất liền, góp vào giỏ lưới đặt gần cầu cập tàu. Và rồi, hơn 6 năm trôi qua, mọi người gọi vui công việc này là “Hiệp ước biển cả”.

Sau khi phát động chương trình, 2 thuyền trưởng đầu tiên mang vỏ chai nhựa về góp vào thùng thu gom rác thải đặt tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An là ông Trần Văn Hai và Trần Quân. Nhìn tiếng vỏ lon rơi xào xào trong thùng rác, ông Hai thốt lên: “Chừ phải làm mạnh, làm tới, rao loa trong bờ, ra biển nhắc nhở trên Icom, riết rồi người ta sẽ quen”.

Ngư dân tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An thu hoạch thủy sản sau phiên đi biển trở về. Ảnh: Văn Chương

Ngư dân tổ dân phố Hải Tiến, phường Thuận An thu hoạch thủy sản sau phiên đi biển trở về. Ảnh: Văn Chương

Và chỉ nửa tháng phát động, đã có khoảng hơn 4.000 chai, lon được các phương tiện thu gom mang về để trong chiếc giỏ sắt. Chỉ trong thời gian ngắn, số tiền bán phế liệu đã được hàng chục triệu đồng. Số tiền thu được từ bán phế liệu này, Hội Cựu chiến binh tổ dân phố Hải Tiến và Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An gửi vào quỹ hỗ trợ các em học sinh nghèo vượt khó.

Thu được khá nhiều, nhưng chia bình quân ra các tàu, ghe thì số vỏ chai, lon thu về vẫn thấp, vậy là chương trình được Chi đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phát động rộng rãi hơn. Trung úy Cao Đức Anh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Bí thư Đoàn Thanh niên trong các buổi chủ trì sinh hoạt ở cơ sở đều nhắn nhủ: “Các bạn hãy nhắc người thân đi biển mang chai, lon trở về”.

Ông Trần Thanh Hữu, Tổ trưởng tổ dân phố Hải Tiến thỉnh thoảng qua nhà 2 thuyền trưởng Trần Thân và Trần Quân lại nhắc: “Chừ văn minh rồi, Liên hợp quốc cũng nói như rứa, nhớ mang chai, lon về trong đất liền, rứa hỉ!”. Khi ông Hữu nhắc chủ tàu thì chủ tàu lại đi tuyên truyền cho các tàu khác: “Nhớ mang lon về sọt rác ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An”.

Anh Trương Quốc Huynh, Bí thư Chi bộ tổ dân phố Hải Tiến cũng nhắc nhở anh em đi trên tàu TTH 94545 TS, do người nhà là anh Trần Văn Nô làm thuyền trưởng: “Lên Icom nhớ nói dùm bà con mang chai, lon về bờ. Rứa hỉ”. Anh Nô cho biết, được anh Huynh nhắc, được anh em BĐBP nhắc, rồi Tổ trưởng tổ dân phố là ông Hữu cũng nhắc, nên bây giờ đã thành thói quen, khi ra biển thì thuyền trưởng đều nói với anh em: “Rứa hỉ, lon, chai mang về nộp, xả xuống biển thì tới đời con cháu là đáy biển đầy vỏ lon”.

Cứ thỉnh thoảng, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Thuận An lại vang lên tiếng leng keng, xào xào, đó là ngày Hội Cựu chiến binh và anh em ở trạm gọi đại lý thu mua phế liệu vào đếm lon. Mỗi lần nhập tiền vào quỹ hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó thì anh em đều hân hoan vì vừa làm sạch đại dương, vừa biến rác thải thành tiền, những đồng tiền nhỏ nhưng hết sức có ý nghĩa.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hiep-uoc-bien-ca-cua-xom-chai-post460481.html