Hiệp định Geneve, mốc son lịch sử của ngoại giao Việt Nam

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ của quân và dân ta, đã làm sụp đổ ý chí thực dân Pháp, từ đó xoay chuyển cục diện chiến tranh, đồng thời tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Geneve năm 1954.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Hiệp định Geneva, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhắc lại đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 7/1954, đó là: “Hội nghị Geneve đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”.

Với Hiệp định Geneve, các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ đã được khẳng định trong một điều ước quốc tế với sự tham gia ký kết và thừa nhận của các cường quốc. Đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Việt Nam, là thành quả đấu tranh quật cường và bền bỉ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân xâm lược.

Hiệp định Geneve, mốc son lịch sử của ngoại giao Việt Nam.

Với nền ngoại giao nước ta, Hiệp định Geneve là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết và thực thi, không chỉ khẳng định vị thế quốc gia độc lập và có chủ quyền của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, để lại nhiều bài học quý báu và tôi luyện nên nhiều nhà ngoại giao ưu tú trong thời đại Hồ Chí Minh.

70 năm trôi qua kể từ ngày Hiệp định Geneve được ký kết, Việt Nam đang phát triển năng động, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có vị thế và uy tín cao trên trường quốc tế. Các bài học từ quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, nhất là đối với nhiệm vụ xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/hiep-dinh-geneve-moc-son-lich-su-cua-ngoai-giao-viet-nam-234547.htm