Hết giặc là sướng rồi!

Các chiến sĩ Điện Biên hầu hết đã ngoài 90 tuổi, nhớ nhớ quên quên, nhưng ký ức về những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước vẫn sống động.

Không ai nhận mình là anh hùng mà chỉ đơn giản nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, tòng quân đánh đuổi giặc Pháp, giải phóng dân tộc. Thế rồi cứ thế xông lên, vượt qua bao gian khổ, sẵn sàng hy sinh để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi chung.

Quyết bảo vệ “mạch máu thông tin”

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hệ thống thông tin liên lạc được tổ chức thành mạng lưới dày đặc, bao trùm toàn bộ hoạt động của Bộ Chỉ huy chiến dịch đến các đại đoàn, trung đoàn và các đơn vị trực tiếp chiến đấu tại trận địa, các binh chủng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tư lệnh và cả chiến trường nước bạn. Bên cạnh đó còn có hệ thống thông tin hữu tuyến, lên tới mấy nghìn km, đường dây được kéo khắp sở chỉ huy.

Ông Hoàng Quang Lộc, nguyên là chiến sĩ thông tin Đại đội 40, Đại đoàn 316

Ông Hoàng Quang Lộc nguyên là chiến sĩ thông tin Đại đội 40, Đại đoàn 316, làm nhiệm vụ trực điện thoại và bảo vệ đường dây từ Sở chỉ huy ở Mường Phăng đến các đơn vị tác chiến tại đồi A1. Ông Lộc kể: “Chúng tôi lần theo suối khô, có chỗ phải trèo lên cây để mắc dây, đào hầm vách trong giao thông hào để gắn dây điện thoại vào… Tất cả là để bảo đảm đường dây an toàn, thông suốt, phục vụ các chỉ huy họp bàn chiến lược, cập nhật tình hình và truyền mệnh lệnh cho các đơn vị”.

Do đặc thù nhiệm vụ, ông Lộc luôn mang bên mình cuộn dây, để “hỏng chỗ nào xử lý chỗ đó. Chúng tôi đánh nhau nhưng chẳng có súng ống gì, chỉ có dây với điện”.

Những ngày diễn ra chiến dịch, ông Lộc và đồng đội gần như không được ngủ, nằm dưới hầm cách nhau 4 - 5m, thường trực điện thoại và kiểm tra đường dây trong phạm vi mình được phân công, “có cuộc gọi là nhấc máy luôn, đường dây hỏng là nhanh chóng sửa chữa”.

Điện thoại của chiến sĩ thông tin sử dụng trong trận đánh tại đồi A1

Trong đợt đánh 3 (1.5 - 7.5.1954), ông Lộc trực điện thoại cho Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Nguyễn Hữu An ở đồi Cháy, cách A1 khoảng 200m. Khi quân ta chuẩn bị cho nổ khối bộc phá 960kg vào tối ngày 6.5, ông Lộc nhận lệnh phải xuống giao thông hào, đứng quay lưng về phía đồi A1 để tránh sức ép dội ngược lại. Khối bộc phá nổ chậm hơn 5 phút so với dự kiến do trục trặc đường dây, sau đó đại bác, pháo Katyusha và tên lửa từ Nà Tấu bay rào rào đến trận địa, bộ binh của ta xông lên giải phóng đồi A1.

Ông Lộc hân hoan nhớ về giây phút chiến thắng: “Đánh xong nhiều anh nhảy lên khỏi hầm ngủ luôn, sướng ơi là sướng! Chúng tôi được ở lại ăn mừng chiến thắng, ngồi trên chiếc xe tăng của Pháp do lính Pháp lái, kéo lá cờ chiến thắng đi khắp nơi”.

Chỉ lo hoàn thành nhiệm vụ

Ông Hoàng Văn Bảy là chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Đại đoàn 316, tức Đại đoàn “Việt Bắc”, một trong 5 đại đoàn của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 cùng với Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm đồi A1.

Ông Hoàng Văn Bảy, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316

Quân ta gặp khó khăn do địch ở trên đồi, mình ở chân đồi, xung quanh đồi là hàng rào dây thép gai 15 - 16 lớp. Nhớ lại tình hình lúc đó, ông Bảy kể: “Mình cứ tấn công lên là địch rút vào hầm, đến khi mình ngừng, pháo của địch lại túa ra đẩy mình lùi xuống, nên hy sinh khá nhiều, súng nổ liên tục”. Trận đánh cuối cùng của ông Bảy trong chiến dịch Điện Biên Phủ là mở lối lên đồi A1 sau khi khối bộc phá phát nổ…

Ông Bảy bảo sau này nhiều người hay hỏi ông đánh nhau như thế mà không sợ à? “Nhưng lúc ấy chúng tôi chỉ lo hoàn thành nhiệm vụ, chứ không nghĩ đến cái chết. Có những đồng chí lấy thân mình lấp lỗ châu mai, tất cả chỉ mong hoàn thành nhiệm vụ. Đánh thì đánh ban đêm, đạn bay đỏ lòm, nên coi như đạn tránh mình chứ mình có biết mà tránh nó đâu. Đồng đội hy sinh hoặc bị thương thì đưa xuống hào xong chiến đấu tiếp, không ai nghĩ gì đến cái chết cả”.

Các lớp rào dây thép gai được tái hiện tại di tích đồi A1 hiện nay

Ông Bảy nhớ lại trận đánh đồi A1, có đồng chí lên kéo thương binh xuống hào thì bị pháo câu, nằm chồng lên để bảo vệ đồng đội, đến khi dứt pháo thì đồng chí ấy hy sinh, còn người bị thương được an toàn. “Chúng tôi trong hào chạy ra trông thấy cảnh ấy chỉ biết khóc thương đồng đội, vừa gặp nhau cách đó chỉ một phút mà đã hy sinh”.

Tưởng chừng “coi thường cái chết” như vậy nhưng qua bao năm nhiều khi trong giấc ngủ ông Bảy vẫn bị giật mình và ám ảnh mỗi khi nghĩ đến những trận đánh năm xưa, trong đó ác liệt nhất, ám ảnh nhất là trận đánh đồi D. “90 người xuất kích thì bị thương và hy sinh đến 80 người”.

“Bộ đội vất vả lắm, sẵn sàng hy sinh vì dân tộc. Hết giặc là sướng rồi”, ông Bảy nói.

Hương Linh - Thu Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/het-giac-la-suong-roi--i370815/