Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia 'siêu cường'.

Chung một thách thức

Hôm 19/4, Ấn Độ bắt đầu bước vào cuộc bầu cử lớn nhất thế giới trong lịch sử nhân loại, với khoảng 970 triệu cử tri đã đăng ký tham gia vào một hành trình bỏ phiếu kéo dài 6 tuần, trải khắp đất nước, từ dãy Himalya tới bờ biển Ấn Độ Dương.

Thủ tướng Narendra Modi của đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) là ứng cử viên được đánh giá có khả năng chiến thắng cao nhất. Các ứng cử viên khác nổi lên bao gồm Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah, Thủ hiến Uttar Pradesh Yogi Adityanath và Bộ trưởng Liên minh Nitin Gadkari.

Thanh niên Ấn Độ cần việc làm, nhưng tương đối ít người được đào tạo để làm việc trên dây chuyền sản xuất. Ảnh: WSJ

Nhưng bất luận ai giành chiến thắng cũng sẽ gặp phải cùng một thách thức lớn phía trước: Ấn Độ đang cần gấp việc làm cho hàng triệu thanh niên, nhưng hệ thống giáo dục của nước này thường đào tạo sai loại sinh viên tốt nghiệp.

Nếu thực tế đó không thể cải thiện sớm, tham vọng trở thành “công xưởng của thế giới” thứ hai của Ấn Độ cạnh tranh với Trung Quốc có thể tan vỡ trước khi nó thực sự bắt đầu.

Có một số bài học được rút ra từ sự bùng nổ gia công phần mềm của Ấn Độ những năm 2000. Ngành công nghệ thông tin nổi tiếng của quốc gia Nam Á này đã thực hiện xuất sắc công việc đào tạo sinh viên về công nghệ phần mềm và các lĩnh vực liên quan bằng cách hợp tác với các trường đại học để xây dựng những môn học phù hợp.

Theo ước tính của Chính phủ Ấn Độ, ngành công nghệ thông tin đất nước hiện đang sử dụng hơn 5 triệu nhân viên. Nhưng đó là một con số quá nhỏ so với quy mô lực lượng lao động: Ấn Độ mỗi năm đã đào tạo khoảng 10 triệu sinh viên tốt nghiệp, theo dữ liệu của tập đoàn tài chính Morgan Stanley.

Hơn nữa, khi Ấn Độ ngày càng định hướng lại nền kinh tế của mình theo hướng sản xuất - với các khoản đầu tư từ các nhà cung cấp của Apple như Foxconn và có thể là từ Tesla - những sinh viên tốt nghiệp đó không nhất thiết phải là loại công nhân mà nước này cần.

Theo dữ liệu của Chính phủ Ấn Độ, chỉ có 3,8% tổng lực lượng lao động của Ấn Độ đã trải qua đào tạo nghề chính thức tính đến giữa năm 2023.

Thấy gì đằng sau những con số?

Thống kê từ nhà cung cấp dữ liệu CEIC cho hay, lao động Ấn Độ đạt điểm cao về các chỉ số cơ bản như khả năng đọc viết: Khoảng 96% thanh niên có thể đọc và viết và khoảng 3/4 lực lượng lao động đã có trình độ học vấn trung học.

Nhưng đào sâu hơn vào các số liệu, đặc biệt là đối với giáo dục sau trung học, có thể sớm nhận thấy mối lo ngại.

Báo cáo Kỹ năng Ấn Độ năm 2023, do công ty kiểm tra trực tuyến Wheebox hợp tác với Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ và các tổ chức khác biên soạn, chỉ cho thấy sự cải thiện khiêm tốn về “khả năng tìm được việc làm” ở những sinh viên trẻ mới tốt nghiệp - tăng lên 50,3% vào năm 2022 từ mức 46,2% của năm trước.

Thanh niên Ấn Độ đăng ký tìm việc tại một hội chợ việc làm tại bang Bengaluru. Ảnh: WSJ

Bài kiểm tra của Wheebox đo lường các kỹ năng cơ bản như năng lực tính toán và tiếng Anh, cùng nhiều kỹ năng khác.

Theo Morgan Stanley, chỉ có 28% và 34% sinh viên tốt nghiệp trường bách khoa và học viện kỹ thuật tại Ấn Độ có việc làm vào năm 2023. Điều đó báo hiệu không tốt cho tham vọng trở thành cường quốc sản xuất, trừ khi đất nước Nam Á này thay đổi nhanh chóng.

Các khoản trợ cấp nông nghiệp hào phóng cũng làm tăng cầu một cách giả tạo đối với lao động nông trại. Nói cách khác, nhiều sinh viên tốt nghiệp có trình độ học vấn nhưng không có những kỹ năng cần thiết, trong khi nhiều lao động trẻ có trình độ học vấn thấp hơn lại có động lực mạnh mẽ để ở lại nông thôn.

Theo Báo cáo Việc làm Ấn Độ năm 2024 của Tổ chức Lao động Quốc tế, gần 83% người Ấn Độ thất nghiệp là thanh niên.

Cải thiện phân bổ ngân sách cho giáo dục và phát triển kỹ năng cũng như tạo mối liên kết tốt hơn với ngành công nghiệp để phổ biến đào tạo nghề cập nhật sẽ mang lại lợi ích. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ hiện chi dưới 3% tổng sản phẩm quốc nội cho giáo dục.

Và trong khi Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện các bước để thu hút đầu tư vào khu vực tư nhân thì việc đào tạo kỹ năng vẫn chủ yếu do nhà nước điều hành. Theo Tập đoàn Phát triển Kỹ năng Quốc gia do Bộ Tài chính Ấn Độ thành lập, sự phụ thuộc đó ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng và chất lượng ứng viên được đào tạo.

Ấn Độ không có thời gian để giải quyết những vấn đề này: Việc tự động hóa nhà máy ngày càng trở nên tinh vi hơn và tỷ lệ sinh của Ấn Độ đang giảm dần, điều này cuối cùng sẽ bắt đầu làm giảm lợi tức nhân khẩu học của đất nước đông dân nhất thế giới.

Trung Quốc đã già đi trước khi nhiều người dân kịp giàu có, ngay cả khi cường quốc số hai thế giới làm nên một trong những đợt bùng nổ kinh tế ngoạn mục nhất lịch sử. Ấn Độ vẫn còn nhiều việc phải làm để tránh khỏi con đường này.

Quang Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/he-thong-giao-duc-co-the-la-rao-can-de-doa-giac-mo-sieu-cuong-cua-an-do-post292765.html